Mới đây, Giám đốc sản phẩm của Facebook đã giải thích cặn kẽ về công cụ có tên “Why am I seeing this post?” được dùng trên News Feed.
Một trong những tính năng ít được hiểu rõ và được cho là gây khó chịu nhất về trải nghiệm người dùng Facebook là nội dung trên News Feed được sắp xếp theo thuật toán. Đối với đa số người dùng không dành thời gian để chủ động điều chỉnh nội dung, thông tin trên Feed thường có vẻ như là một mớ hỗn độn, từ những bức ảnh đáng quên, lời tán dương cho nội dung chính trị, quảng cáo mà họ không quan tâm và cập nhật trạng thái từ những người bạn đã không thấy cả năm qua.
Và thậm chí có bài đăng được xếp hạng cao trong News Feed, một số còn “nổi” lên Feed dù được đăng từ rất lâu đã khiến người dùng bối rối. Cuối cùng Facebook đã quyết định bắt đầu giải thích vấn đề này.
Theo đó, Giám đốc sản phẩm Facebook – Ramya Sethuraman giải thích trên blog của hãng rằng Facebook đã cung cấp công cụ với tên gọi “Why am I seeing this post?”. Đây là công cụ lần đầu tiên cho cái nhìn rõ ràng về cách đánh giá thứ hạng của bài đăng trong ứng dụng, giúp người dùng hiểu vì sao họ thấy những nội dung từ bạn bè, trang hay nhóm mà họ đã theo dõi và kết nối.
Nội dung này khá liên quan đến công cụ “Why am I seeing this ad?” mà hãng giới thiệu năm 2014. Facebook muốn người dùng hiểu vì sao họ thấy những quảng cáo và khả năng tác động đến chúng từ các bài đăng cá nhân để tối ưu hóa nội dung từ Feed của chính họ.
Viết trên blog, Sethuraman nói mục tiêu của News Feed là hiển thị cho mọi người những bài đăng có liên quan nhất đến họ. Từ nay mục ‘Why am I seeing this post?’ có thể tìm thấy trong menu thả xuống ở góc bên phải của bài đăng, giải thích cách các tương tác trong quá khứ tác động đến việc xếp hạng các bài đăng ở News Feed.
Những gì công cụ này cho bạn thấy là hiểu biết sâu sắc về lý do tại sao một bài đăng nhất định xuất hiện trong News Feed của bạn. Ngoài ra theo Facebook, bạn sẽ thấy thông tin nào có ảnh hưởng lớn nhất đến thứ tự bài đăng, chẳng hạn như tần suất tương tác với bài đăng từ mọi người, trang hoặc nhóm, tần suất tương tác với một loại bài đăng cụ thể như video, ảnh hoặc liên kết; và mức độ phổ biến của các bài đăng được chia sẻ bởi những người, trang và các nhóm đang theo dõi.
Công cụ mới cũng sẽ cung cấp các phím tắt để điều khiển, chẳng hạn như See First (xem trước tiên), Hủy theo dõi (Unfollow), Tùy chọn nguồn cấp tin tức (News Feed Preferences) và Phím tắt riêng tư (Privacy Shortcuts) để giúp người dùng cá nhân hóa nguồn cấp dữ liệu của mình.
https://www.facebook.com/facebook/videos/334358714131342/