Thông tin từ hội thảo “Hợp tác vì các giải pháp sáng tạo nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.” có Facebook tham dự.
Hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới năm 2020, Facebook phối hợp cùng Mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet), Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) Khu vực Đông Nam Á và Cơ quan Liên Hiệp Quốc Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo “Hợp tác vì các giải pháp sáng tạo nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.” Hội thảo là dịp để các bên liên quan cùng tham gia thảo luận về việc xây dựng các giải pháp sáng tạo để giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tình trạng bạo lực gia đình tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và Trường Đại học y tế Công cộng thực hiện với tài trợ của RLS.
Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây ra những hệ lụy tới tình hình xã hội. Số lượng các vụ bạo lực gia đình tăng lên đáng kể ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, khi phụ nữ phải ở trong nhà thường xuyên hơn với người bạo hành do các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh như giãn cách xã hội và cách ly bắt buộc tại nhà. Trước tình hình đó, Facebook và các tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo để công bố kết quả nghiên cứu về vấn đề này, và thảo luận nhằm đưa ra những sáng kiến để giải quyết và truyền thông nâng cao nhận thức về bạo lực giới.
Bà Amber Hawkes, Giám đốc phụ trách chính sách về an toàn Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Facebook cho biết: “Đảm bảo phụ nữ cảm thấy an toàn và được trao quyền để xây dựng cộng đồng trên nền tảng của chúng tôi là ưu tiên của Facebook, đặc biệt là ở Việt Nam, khi phụ nữ phải chịu nhiều định kiến xã hội làm hạn chế sự phát triển. Chúng tôi rất vinh dự khi được hợp tác cùng các tổ chức trong nước và quốc tế tại Hội thảo lần này, đóng góp vào những nỗ lực chống lại bạo lực giới tại Việt nam. Đây là một phần của chiến dịch Facebook vì Việt Nam tập trung vào chủ đề an toàn trên mạng. Facebook cam kết sẽ tạo nên một môi trường an toàn, mang tới những công cụ số để hỗ trợ phụ nữ kết nối với những nguồn giúp đỡ cả trên môi trường mạng và trong thế giới thực một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.”
Tại hội thảo, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và Trường Đại học y tế Công cộng đã công bố kết quả của nghiên cứu về bạo lực gia đình trong đại dịch COVID-19 tại Hà Nội. Nghiên cứu diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2020, thực hiện trên 303 phụ nữ trong độ tuổi 18-60, đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội và là nạn nhân của bạo lực tinh thần, thể chất và tình dục do chồng/bạn tình gây ra trong thời gian bị cách ly phòng dịch. Kết quả cho thấy bạo lực dưới các hình thức khác nhau xảy ra trong 99% các cặp vợ chồng/bạn tình trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Có đến 80,9% phụ nữ báo cáo về những hành vi kiểm soát của chồng/bạn tình; 34% bị bạo hành về kinh tế; 87,8% bị bạo hành về tinh thần; 59% bị bạo hành về thể xác và 25% cho biết đã bị bạo hành về tình dục.
Thảo luận bàn tròn về Hợp tác hành động phòng chống bạo lực giới diễn ra trong phiên thứ hai của hội thảo, với sự tham gia của đại diện Facebook, GBVNet, RLS và UN Women. Các bên tham gia dự kiến sang năm 2021 sẽ giới thiệu một số giải pháp công nghệ phù hợp với bối cảnh bị cách ly, khi mà nạn nhân buộc phải ở cùng với người gây bạo hành trong thời gian dài và không thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thông thường.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng trên khắp thế giới Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em VAWC đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19. Bằng chứng từ UN Women trên toàn cầu cho thấy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ tăng từ 30% lên 300% trong thời kỳ đại dịch. Để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 thì cần phải có can thiệp tổng thể và toàn diện, trên cơ sở hợp tác giữa các bên.”
Đặc biệt, buổi hội thảo còn có sự tham dự của NSND Trung Anh, diễn viên được yêu thích sau phim truyền hình “Về nhà đi con”, trong tiểu phẩm với thông điệp ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và kêu gọi mọi người hành động vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em.
Buổi hội thảo được phát sóng trực tiếp tại: https://www.facebook.com/GBVNet/live
Mời bạn để lại ý kiến ở phần bình luận nhé!