Facebook vừa trả một số tiền lớn cho các chuyên gia an ninh mạng phát triển một công cụ hack, sau đó chia sẻ với FBI để giúp cơ quan này xâm nhập và tìm ra một tên tội phạm chuyên tống tiền, đe dọa và quấy rối trẻ em gái chưa thành niên.
Buster Hernandez đã nhận 41 tội danh, gồm sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em, ép buộc và dụ dỗ trẻ vị thành niên, đe dọa, bắt cóc và gây thương tích cho người khác… Người đàn ông này đã kết hợp một số công cụ duyệt web riêng tư, ứng dụng nhắn tin, email và Facebook để tống tiền nạn nhân vì những hình ảnh và video khỏa thân, quấy rối trẻ em, đe dọa bằng bạo lực và đòi cưỡng hiếp.
Tuy đã gây ra nhiều tội ác trên các nền tảng nhưng do khéo léo che giấu danh tính nên hắn hoạt động dường như không có kẻ hở. Vì vậy, Facebook cảm thấy không còn cách nào khác ngoài việc theo dõi hắn và tìm cách hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật. Trên thực tế, quyết định này của Facebook cũng còn gây ra khá nhiều tranh cãi.
Buster Hernandez đã dùng hệ điều hành ẩn danh Tails, thường được nhiều tội phạm và nhân viên tình báo sử dụng để che giấu danh tính. Một nhân viên của Facebook cho biết công ty và FBI đã dành rất nhiều thời gian để xác định vị trí của Hernandez nhưng không thành công.
Cuối cùng, Facebook đã chi ít nhất 100.000 USD thuê một công ty an ninh mạng bên thứ ba để phát triển lỗ hổng “zero-day” trên ứng dụng phát video của hệ điều hành Tails, từ đó tìm ra địa chỉ IP thực của người xem. Sau đó Facebook đã chuyển công cụ này cho FBI nhằm tìm ra tung tích của Hernandez.
Đại diện Facebook cho biết họ buộc phải thuê bên thứ ba sau khi cân nhắc nhiều phương án, và bởi vì Facebook lại không chuyên phát triển những công cụ này. Mặc khác, công ty không muốn tạo ấn tượng rằng họ có thể tạo ra công cụ này một lần nữa trong tương lai. Dù vậy, cách xử lý này của Facebook cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty mong muốn Buster Hernandez phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã lạm dụng và quấy rối trẻ em. Đây là một trường hợp đặc biệt, vì hắn đã sử dụng rất nhiều biện pháp tinh vi để che giấu danh tính. Vì vậy Facebook buộc phải hợp tác với các chuyên gia bảo mật tìm cách đưa hắn ra ánh sáng.
Theo Vice, FBI không biết về hành động của Facebook. Trong khi đại diện của Tails cho biết Facebook đã không cảnh báo cho hãng về lỗ hổng, đây là thông lệ phổ biến giữa các nhà nghiên cứu bảo mật, để các nhà phát triển khắc phục lỗi trước khi tiết lộ công khai.
Động thái lần này của Facebook đã một lần nữa gợi làn sóng tranh luận nhiều năm trước về việc liệu những hãng công nghệ có nên hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật theo dõi tội phạm hay những kẻ tình nghi hay không. Năm 2016, một số tài liệu rò rỉ cho thấy một số công ty công nghệ và viễn thông, trong đó có Facebook, đã cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ theo dõi người dùng qua cửa hậu (backdoor).
Một số công ty lớn như Apple, WhatsApp từng tranh cãi với FBI về lập trường của họ trong việc bảo về quyền riêng tư của người dùng. Trên thực tế, nhiều cơ quan thực thi pháp luật vẫn buộc những hãng công nghệ lớn hợp tác trong một số trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, các hãng công nghệ đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ các nhà lập pháp và những nhà hoạt động xã hội. Họ cho rằng các công ty lớn nên làm nhiều hơn để góp phần loại bỏ tình trạng lạm dụng và quấy rối trẻ em trên các nền tảng mạng xã hội.