Facebook sẽ kết thúc chương trình nghiên cứu thị trường và xóa ứng dụng Onavo VPN khỏi Google Play sau khi bị người dùng phản ứng gay gắt.

Facebook bỏ ứng dụng VPN Onavo trên Google Play

TechCrunch cho biết, Onavo Protect sẽ ngừng hoạt động và không thu thập dữ liệu người dùng vì mục đích nghiên cứu thị trường nữa. Tuy nhiên tạm thời ứng dụng này vẫn sẽ duy trì như một mạng riêng ảo trong một thời gian ngắn để người dùng tìm phương thức khác thay thế.

Facebook mua lại Onavo vào năm 2013 với giá 200 triệu USD, với mục đích biến ứng dụng này trở thành công cụ thu thập dữ liệu trên thiết bị. Dữ liệu thu về mang lại rất nhiều lợi ích cho Facebook, điển hình là sau khi biết lượng tin nhắn được gửi đi từ WhatsApp mỗi ngày gấp đôi so với Messenger, công ty đã thu mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD. Ngoài ra, nhờ vào những dữ liệu này, Facebook đã phát hiện ra các tính năng và ứng dụng tiềm năng rồi nhanh chóng tìm phương án cạnh tranh hoặc sao chép. Ví dụ, công ty đã lấy ý tưởng từ tính năng Stories của Snapchat rồi phát triển trên Instagram.

Onavo được quảng cáo như một tiện ích hỗ trợ cho điện thoại “giới hạn những ứng dụng chạy trên nền” và “sử dụng mạng VPN bảo mật thông tin người dùng” nhưng thực tế lại là một ứng dụng được Facebook dùng để thu thập gần như toàn thông tin người dùng bao gồm thời gian, dữ liệu di động, WiFi, lịch sử truy cập web, quốc gia…

Facebook sẽ đóng ứng dụng VPN Onavo trên Google Play

TechCrunch từng đưa ra một loạt nghi ngờ về những quy định không minh bạch của gã khổng lồ mạng xã hội trong bảo mật dữ liệu. Năm ngoái, những mối lo ngại về quyền riêng tư của Apple đã buộc Facebook phải gỡ bỏ Onavo VPN khỏi App Store, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì trên Google Play. Sau đó công ty đã nhận thấy quyết định giả vờ như đang cung cấp tiện ích VPN rồi âm thầm kiểm soát người dùng là một chiến lược không khôn ngoan, nên đã âm thầm sử dụng lại mã nguồn Onavo cho ứng dụng Facebook Research và bắt đầu triển khai những chương trình trả phí, và thuyết phục người dùng từ bỏ quyền riêng tư để đổi lấy một khoản quà tặng.

Theo điều tra của TechCrunch, hằng tháng Facebook trả cho một số người dùng ở Mỹ và Ấn Độ, độ tuổi từ 13 đến 35 một thẻ quà tặng có giá trị tối đa 20 USD để được phép truy cập và theo dõi toàn bộ dữ liệu trên điện thoại của họ. Hiện Facebook cũng đã ngưng tìm kiếm người tham gia Facebook Reasearch dù ứng dụng hiện vẫn còn đang chạy trên Android. Trước đó ứng dụng này đã bị xóa khỏi iOS vì vi phạm chương trình Chứng chỉ Doanh nghiệp của Apple.

Chương trình này được Facebook điều hành một cách bí mật, ẩn dưới những dịch vụ thử nghiệm Beta trung gian như Betabound và Applause. Người tham gia chỉ biết đây là chương trình nghiên cứu của Facebook sau khi đăng ký tham gia và họ bị buộc ký thỏa thuận không được tiết lộ. Một mặt, Facebook tuyên bố “không có gì bí mật về chương trình này”, mặt khác công ty lại đe dọa về mặt pháp lý nếu những người tham gia khảo sát tiết lộ về chương trình.

Vấn đề lớn nhất ở đây là việc Facebook lạm dụng chương trình Chứng chỉ Doanh nghiệp của Apple. Đây vốn chỉ là chương trình hỗ trợ cung cấp ứng dụng cho nhân viên nội bộ, nhưng mạng xã hội này lại dùng để phân phối ứng dụng ra ngoài. Sau khi phát hiện, Apple đã mạnh tay áp dụng đòn răn đe: lọa bỏ Facebook Research khỏi App Store, đồng thời vô hiệu hóa luôn Chứng chỉ Doanh nghiệp của Apple. Quyết định của Apple đã dẫn đến hàng loạt rắc rối: những phiên bản thử nghiệm ứng dụng mới của công ty bị dừng lại, thậm chí cả thực đơn bữa trưa và lịch trình làm việc cũng bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Để tránh những vụ bê bối khác xung quanh Onavo và Facebook Research, công ty đã tự chủ động loại bỏ Onavo khỏi Google Play và ngừng tuyển người tham gia dự án Research. Không còn Onavo nghĩa là Facebook đã mất đi một công cụ nghiên cứu thị trường hữu hiệu, những sáng kiến phát triển trong tương lai sẽ trở nên khó khăn hơn. Đây được xem là một động thái tự nguyện đáng ngạc nhiên, có lẽ gã khổng lồ mạng xã hội đang dè chừng phản ứng gay gắt của công chúng trước những hành động mờ ám của mình. Năm vừa qua công ty đã dây vào hàng loạt rắc rối và sai lầm liên tục, làm mất lòng tin ở người dùng về những vấn đề bảo mật quyền riêng tư.

Trong nhiều năm nay Facebook đã tự ý thực hiện rất nhiều khảo sát mà không quan tâm đến bảo mật thông tin cá nhân của người dùng. Hy vọng rằng trong tương lai, mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ minh bạch hơn trong hoạt động nghiên cứu và thu thập dữ liệu. Bởi sự thành công của Facebook là bắt nguồn từ sự tin tưởng của người dùng, và chặng đường để lấy lại được lòng tin đó còn rất dài sau hàng loạt scandal bê bối.

Theo: TechCrunch

Góc quảng cáo