Thay vì tốn hàng thế kỷ để phân hủy nhựa, loại enzyme mới được phát hiện có thể “tiêu hóa” chai nước làm từ vật liệu PET trong vài ngày.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa tạo ra loại enzyme đột biến có khả năng ăn mòn loại nhựa dùng để làm chai nước hiện nay. Theo Cnet, phát hiện này xảy ra tình cờ khi nhóm khoa học gia chỉnh sửa loại vi khuẩn tìm thấy trong rác thải ở Nhật Bản vào năm 2016.
Vi khuẩn này vốn tiến hóa trong tự nhiên đã có khả năng tiêu hóa nhựa, và nhóm nghiên cứu đã vô tình “cường hóa” đặc điểm này của chúng, giúp quá trình bẻ gãy cấu trúc vật liệu nhựa dẻo (PET) làm chai nước diễn ra nhanh hơn.
Nhờ đó, loại enzyme đột biến có thể “ăn” nhựa chỉ trong vài ngày, thay vì hàng thế kỷ như trước đây.
“Chúng tôi vô tình cải tiến loại enzyme này và điều này khá sốc”, Giáo sư John McGeehan, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học cho biết.
“Chúng tôi đang hy vọng sử dụng loại enzyme mới để biến nhựa trở lại vật liệu ban đầu, để từ đó có khả năng tái sản xuất. Điều này giúp chúng ta không cần phải tìm kiếm thêm các mỏ dầu để sản xuất PET, đồng thời giúp làm giảm lượng thải ra môi trường”, ông McGeehan chia sẻ.
Năm 2017, các nhà nghiên cứu tìm thấy 38 triệu mẫu rác thải nhựa tại một hòn đảo hoang trên biển phía Nam Thái Bình Dương. Cùng năm, các số liệu khảo sát cho thấy có khoảng một triệu chai PET được sử dụng trên toàn cầu mỗi phút. Con số này dự kiến tăng tới 20% vào năm 2021.
Theo Cnet