Kế hoạch thí điểm taxi công nghệ sẽ chính thức ngừng hoạt động từ 1/4/2020. Sau đó, những loại hình vận tải này phải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp hơn.
Sau hơn 4 năm thực hiện, đề án thí điểm 24 – ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ GTVT triển khai năm 2016 – sẽ chính thức dừng hoạt động. Từ ngày 1/4, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được gọi là taxi. Xe phải lựa chọn gắn mào taxi trên nóc xe hoặc phải dán chữ “xe taxi” phản quang lên kính trước và sau xe.
Với xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, từ 1/4 nếu tiếp tục hình thức xe hợp động thì phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe. Quy trình bắt buộc hoàn tất trước ngày 1/7/2021. Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình taxi phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi để kinh doanh theo quy định mới.
Như vậy, các loại xe taxi công nghệ đang có đủ điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ cần đi cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới trước 1/7/2021.
Sở GTVT các tỉnh thành triển khai thí điểm (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị thí điểm kinh doanh taxi công nghệ dừng hoạt động từ ngày 1/4. Những đơn vị chuyên cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải đang thí điểm và các đơn vị đang liên kết phương tiện chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, đảm bảo đúng quy định.
Ví dụ với hình thức GrabCar đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là loại xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định. Theo đó, xe hợp đồng dạng này phải được dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe). Các xe GrabCar hiện tại hoạt động hợp pháp phải có 3 tem này.