Một DN truyền thông giữ 58% thị phần quảng cáo ở Việt Nam đã yêu cầu các đại lý quảng cáo rút toàn bộ quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền. Đây là một biện pháp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền nội dung trên Internet của Bộ TT&TT phối hợp với các nhà quảng cáo.

Theo một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, một doanh nghiệp quảng cáo đang nắm giữ 58% thị phần quảng cáo ở Việt Nam mới đây đã yêu cầu các đại lý quảng cáo, các agency rút toàn bộ quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền. Các trang web này vi phạm bản quyền nhiều bộ phim Mỹ, phim Việt Nam và các chương trình truyền hình của Việt Nam. Trong số 50 trang web bị rút quảng cáo có cả hayhaytv, hdviet, hdtivi.

Việc ngăn chặn nguồn thu nhập của các trang web vi phạm bản quyền là để tạo cơ sở cho các đơn vị nắm giữ bản quyền có thể đàm phán về bản quyền nội dung. Vị này cho biết thêm, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT để có biện pháp chống vi phạm bản quyền trong thời gian tới.

Bắt đầu dừng quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền
Hầu hết các trang web lậu đều lập ra để thu lợi từ quảng cáo.

Hiện nay, nạn vi phạm bản quyền trên môi trường Internet ở Việt Nam ngày càng gia tăng ở mức báo động với hơn 70 trang phim online vi phạm bản quyền và hàng trăm ứng dụng di động sống nhờ vào nội dung vi phạm bản quyền. Nhiều nội dung vi phạm pháp luật như quảng cáo sex, hay đánh bạc được công khai đăng quảng cáo trên các trang web vi phạm bản quyền. Vi phạm bản quyền trên Internet đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị truyền hình trả tiền, các đài truyền hình nói chung.

Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan nhà nước cần xử lý mạnh tay với các trang web vi phạm bản quyền bằng các hành động như thu hồi tên miền, chặn truy cập, hay cắt hợp đồng dịch vụ thuê server.

Một biện pháp khác được đề cập tới là ngăn chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu này, vì mục đích của các trang web lậu được lập ra là để thu lợi nhuận từ quảng cáo. Với kinh nghiệm xử lý bằng biện pháp tác động vào nguồn thu trực tiếp từ quảng cáo của các trang online, nguồn thu từ quảng cáo đi vào các trang web vi phạm bản quyền bị chặn thì chắc chắn hoạt động của các trang này sẽ khó tồn tại.

Đối với các trang phim online có thu phí thuê bao, Cục PTTH&TTĐT đã làm việc với Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn thanh toán tới các dịch vụ bất hợp pháp. Hai bên đã đạt được thỏa thuận ban đầu là sẽ có giải pháp để chặn kênh thanh toán qua ngân hàng để thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp, bao gồm rất nhiều dịch vụ vi phạm pháp luật như vi phạm bản quyền và cung cấp các nội dung xuyên biên giới không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Biện pháp chặn nguồn thu quảng cáo để chống lại nạn vi phạm bản quyền đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Anh thực hiện khá hiệu quả. Ví dụ, tại nước Anh, lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ được thành lập vào tháng 9/2013. Từ tháng 4/2014, 7 thành viên đại diện chính cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung đã liên kết với lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ để đặt mục tiêu ngăn chặn các trang web vi phạm. Cơ quan này lập danh sách các trang web vi phạm và chuyển cho các đơn vị quảng cáo cùng thông tin được cập nhật về các trang web vi phạm bản quyền đã được cơ quan có thẩm quyền hoặc ngành công nghiệp liên quan xác nhận về hành vi vi phạm bản quyền có tính hình sự.

Danh sách này còn để người dùng loại bỏ các trang web vi phạm pháp luật loại bỏ các trang web vi phạm pháp luật khỏi hoạt động mua bán và thương mại của mình. Mô hình xử lý vi phạm bản quyền của Anh được đánh giá khá thành công do có sự phối hợp của Chính phủ, các nhà sở hữu quyền và các đơn vị quảng cáo.

Nguồn: ICTnews

Góc quảng cáo