Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam nên áp dụng công nghệ để giám sát những người tự cách ly tại nhà, thay vì dùng cách giám sát thủ công như hiện tại.
Hầu hết người dùng hiện nay đều có smartphone kết nối mạng, vì vậy cách đơn giản nhất để giám sát người tự cách ly là sử dụng tính năng định vị từ xa bằng GPS có sẵn.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Phước Thọ, Phó tổng giám đốc eDoctor – công ty công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ y tế cho người dùng, việc theo dõi quá trình di chuyển của một người khi họ đang mang thiết bị có tính năng định vị GPS (ví dụ như smartphone) rất đơn giản, chỉ cần phát triển một phần mềm quản lý là thực hiện được. Rất nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam có khả năng xây dựng ứng dụng chỉ trong vài ngày.
Sau khi có ứng dụng quản lý, người tự cách ly sẽ cài ứng dụng vào điện thoại, đăng ký để cơ quan chức năng giám sát vị trí và giao tiếp khi có sự cố trong thời gian cách ly. Theo các chuyên gia, ứng dụng sẽ ghi nhận và báo cáo tình hình di chuyển của người tự cách ly: thời gian đi, tuyến đường, nơi đến, lưu lại vị trí đó trong bao lâu…
Trên thực tế, nhiều ứng dụng có thể đáp ứng việc quản lý người dùng trong trường hợp trên. Ví dụ, phần mềm quản lý, chấm công từ xa Tanca. Có ba cách để áp dụng phương pháp này:
- Nếu người dùng có Internet và GPS, ứng dụng có thể nắm vị trí người dùng theo thời gian thực
- Nếu không có Internet nhưng có GPS, ứng dụng vẫn lưu vị trí và báo cáo lại khi người dùng kết nối Internet.
- Người dùng thông báo vị trí khi được yêu cầu.
Với cách 1 và 2, khi người dùng di chuyển hơn 50m, ứng dụng sẽ lưu lại điểm di chuyển trên bản đồ.
Các chuyên gia lập trình cho biết, ngoài giám sát và ghi nhận vị trí GPS từ xa, phần mềm quản lý còn có nhiều tính năng khác như: gửi thông báo, liên tục nhắc nhở người dùng tuân thủ quy định tự cách lý, buộc họ xem và xác nhận đã nhận được thông báo. Bên cạnh đó, ứng dụng còn có thể yêu cầu người tự cách ly xác nhận đang có mặt ở nơi cách ly bằng cách chụp ảnh với địa chỉ hay một dấu hiệu nào đó trong khu vực, hoặc check-in thường xuyên.
Phần mềm quản lý có thể tích hợp tính năng yêu cầu, nhắc nhở người tự cách ly chủ động báo cáo, liên lạc định kỳ với cơ quan chức năng thông qua hệ thống tổng đài để thông báo địa điểm, tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân…
Theo các chuyên gia, áp dụng phần mềm giám sát với những người cách ly và tự cách ly ở Việt Nam không khó, nhưng lại vướng phải vấn đề riêng tư của công dân. Trong quy định hiện hành, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; cố ý khai báo thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn cụ thể hóa các biện pháp thực thi và chế tài.