Cuối năm 2005, Apple đã cho phép hai nhân viên đối tác của chính phủ Mỹ đến làm việc tại công ty để phát triển một chiếc iPod tùy chỉnh đặc biệt. Nhưng cho đến nay không ai biết chiếc iPod đó được tạo ra nhằm mục đích gì. David Shayer, cựu kỹ sư của Apple, vừa tiết lộ thông tin hấp dẫn này trên trang Tidbits.

Câu chuyện được viết theo ngôi thứ nhất, theo lời kể của David Shayer.

Dự án chế tạo iPod bí mật mà ngay cả Steve Jobs cũng không biết

Dự án tuyệt mật

Đó là một ngày trời xám xịt cuối năm 2005. Tôi đang ngồi tại bàn làm việc, viết mã cho chiếc iPod của năm sau. Không gõ cửa, giám đốc của iPod Software – sếp của sếp tôi – đột ngột bước vào và đóng cánh cửa sau lưng lại. Ông bắt đầu luôn mà không cần mào đầu: ‘Tôi có một nhiệm vụ đặc biệt dành cho anh. Cả sếp của anh cũng không được biết về điều này. Anh sẽ giúp hai kỹ sư đến từ Bộ Năng lượng Mỹ chế tạo một chiếc iPod đặc biệt. Chỉ báo cáo trực tiếp với tôi’.

Hôm sau, lễ tân gọi điện cho tôi và thông báo có hai người đàn ông đang đợi ở sảnh. Tôi xuống gặp Paul và Matthew, những kỹ sư chính chịu trách nhiệm tạo ra chiếc iPod tùy chỉnh. Ban đầu tôi đoán họ sẽ đeo kính đen và mặc áo khoác, luôn liếc nhìn hình phản chiếu ở cửa sổ để đảm bảo rằng không bị ai theo đuôi. Nhưng không, cả hai đều là những kỹ sư hoàn toàn bình thường ở độ tuổi 30. Chúng tôi cùng nhau đến một phòng họp để nói chuyện riêng.

Dự án chế tạo iPod bí mật mà ngay cả Steve Jobs cũng không biết

Paul và Matthew không thực sự làm việc cho Bộ Năng lượng Mỹ. Họ trực thuộc một bộ phận của Bechtel, đối tác quốc phòng của Bộ Năng lượng Mỹ. Hai vị kỹ sự này muốn thêm một số phần cứng tùy chỉnh vào iPod và ghi dữ liệu từ phần cứng tùy chỉnh này vào bộ nhớ iPod một cách bí mật, khó bị phát hiện nhất. Tuy nhiên, thiết bị vẫn phải trông như một chiếc iPod bình thường với đầy đủ tính năng.

Paul và Matthew sẽ phụ trách tất cả công việc. Nhiệm vụ của tôi chỉ là hỗ trợ bất cứ khi nào họ cần từ Apple. Một quan chức tại Bộ Năng lượng đã liên hệ với Phó Chủ tịch Cấp cao về Phần cứng của Apple, yêu cầu được hỗ trợ chế tạo ra chiếc iPod tùy chỉnh này. Dự án này được thực hiện bí mật và không được đặt bất kỳ câu hỏi nào.

Bắt đầu dự án

Tôi trưng dụng một văn phòng trống cho Paul và Matthew trong tòa nhà của công ty. Tôi đã nhờ IS&T (bộ phận CNTT của Apple) định tuyến lại mạng Ethernet trong văn phòng đó để họ chỉ kết nối với Internet công cộng, ngoài tường lửa của Apple, nhằm ngăn họ truy cập vào mạng nội bộ của công ty.

Mạng Wi-Fi của Apple luôn kết nối với tường lửa. Dù cho đang ở bên trong các tòa nhà của công ty, nếu đang sử dụng Wi-Fi bạn cần có VPN để vượt qua tường lửa.

Dự án này không phải Apple hợp tác với Bechtel, không có hợp đồng và các khoản thanh toán mà chỉ đơn giản là sự hỗ trợ của công ty với Bộ Năng lượng nhưng ở một giới hạn nhất định.

Paul và Matthew không có quyền truy cập trực tiếp vào máy chủ mã nguồn của Apple. Thay vào đó, tôi đưa cho họ một bản sao mã nguồn hiện tại trên một đĩa DVD và dặn họ không được phép mang chiếc đĩa ra khỏi tòa nhà. Cuối cùng Paul và Matthew được giữ bản sao sửa đổi hệ điều hành iPod mà họ đã xây dựng nhưng không được giữ mã nguồn.

Apple không cung cấp cho hai vị kỹ sư này bất kỳ công cụ phần cứng hoặc phần mềm nào. Tôi chỉ cho họ thông số kỹ thuật máy tính Windows mà họ cần, cùng với trình biên dịch ARM và trình gỡ lỗi JTAG. Paul và Matthew phải tự mua iPod để làm việc, tôi nghĩ là vài chục chiếc hoặc hơn.

Muốn vào các toà nhà của Apple, mọi người phải quét mã nhân viên ở đầu đọc trước cửa công ty. Chưa hết, trên từng tầng sẽ có một cửa khóa và đầu đọc mã hiệu khác, và hầu như chỉ nhân viên phụ trách tầng đó mới được phép ra vào.

Vì vậy, hàng ngày Paul và Matthew đều gọi điện cho tôi từ hành lang vì họ không được cung cấp mã nhân viên Apple. Tôi phải đăng ký cho họ vào tòa nhà với tư cách là khách của công ty và dẫn đến đúng văn phòng riêng. Về sau tôi đã xoay sở để họ có được mã thẻ ra vào với cương vị đối tác của Apple.

Hai thiên tài về công nghệ

Dự án chế tạo iPod bí mật mà ngay cả Steve Jobs cũng không biết

Paul và Matthew quả là những người thông minh, thậm chí đáng được xem là thiên tài. Chỉ cần được hỗ trợ một chút, hai người đã nhanh chóng làm quen với mọi thứ. Tôi chỉ hướng dẫn họ cách thiết lập các công cụ phát triển, xây dựng bản sao hệ điều hành từ nguồn và cài vào iPod. Chúng tôi đã thực hiện một số thay đổi tạm thời đối với giao diện người dùng, có thể thấy bản dựng của họ chạy thực sự ổn. Ngoài ra, tôi còn chỉ cho họ cách sử dụng trình gỡ lỗi phần cứng JTAG vì công cụ này khá phức tạp. Sau đó, họ tự thực hiện các công việc riêng.

Trong quá trình tìm hiểu cách thức hoạt động của hệ thống, Paul và Matthew có giải thích những nét chính về những điều họ muốn thực hiện. Họ thêm phần cứng đặc biệt vào iPod để tạo ra những dữ liệu cần ghi lại một cách bí mật. Hai người rất cẩn trọng để chắc chắn rằng tôi không nhìn thấy phần cứng đặc biệt đó, tất nhiên tôi cũng chưa bao giờ thử tìm hiểu.

Chúng tôi cùng thảo luận tìm cách tốt nhất để ẩn dữ liệu cần ghi lại. Là một kỹ sư về ổ cứng, tôi đề nghị tạo một phân vùng khác trên ổ đĩa để lưu dữ liệu. Với cách này, ngay cả khi ai đó cắm chiếc iPod đã sửa đổi vào máy Mac hoặc PC, iTunes vẫn sẽ coi đó là một thiết bị bình thường. Máy sẽ vẫn hoạt động bình thường trong Mac Finder hoặc Windows Explorer. Paul và Matthew tỏ ra rất thích ý tưởng phân vùng ẩn này.

Tiếp theo, cả hai muốn một phương thức đơn giản để bắt đầu và tạm dừng việc ghi dữ liệu. Chúng tôi đã chọn đường dẫn menu tùy chọn sâu nhất và bổ sung thêm một menu nghe có vẻ vô hại vào cuối. Tôi đã giúp họ kết nối chúng vào bên trong mã lập trình, điều này khá khó nói chi tiết. Nhìn chung, bề ngoài iPod hoạt động như một thiết bị bình thường.

Vào thời điểm đó, mẫu iPod mới nhất là iPod thế hệ thứ năm, hay còn được gọi là “iPod with video”. Thao tác mở vỏ ngoài và đóng lại tương đối dễ dàng, ít để lại dấu vết, khác với những mẫu iPod Nano đời sau đó. iPod thế hệ thứ năm có bộ nhớ 60 GB, có khả năng chứa nhiều bài hát mà vẫn có thể ghi thêm dữ liệu. Đây cũng là chiếc iPod cuối cùng Apple thiết kế không sử dụng chữ ký số (digitally sign) cho hệ điều hành.

Điểm này rất quan trọng vì nó khiến iPod thế hệ thứ năm dễ bị hack. Nhiều người có sở thích chạy hệ điều hành Linux trên iPod. Đây là việc rất khó có thể thực hiện nếu không có kiến ​​thức và công cụ đặc biệt của Apple. Với tư cách là kỹ sư kỹ thuật, chúng tôi thực sự ấn tượng với điều này nhưng tất nhiên Apple sẽ không thích sản phẩm của mình bị hack.

Từ iPod nano, hệ điều hành đã được ký bằng chữ ký điện tử để chặn tin tặc và những người khác hack và cài Linux lên máy. Khi khởi động, ROM sẽ kiểm tra chữ ký số trước khi tải hệ điều hành; nếu không khớp thiết bị không thể khởi động được.

Tôi không nghĩ Paul và Matthew từng hỏi Apple về việc ký kết bản xây dựng hệ điều hành tùy chỉnh để có thể chạy trên iPod Nano. Nếu có, chắc chắn Apple cũng sẽ từ chối. Dù sao thì iPod thế hệ thứ năm cũng phù hợp với mục đích của họ hơn.

Sau vài tháng làm việc trong văn phòng được trưng dụng, Paul và Matthew đã hoàn thành việc tích hợp phần cứng tùy chỉnh đặc biệt vào iPod và kết thúc dự án. Cả hai chuyển máy tính và phần cứng gỡ lỗi trở lại văn phòng của Bechtel ở Santa Barbara. Họ cũng trả lại đĩa DVD mới nhất có mã nguồn Apple, cùng mã nhân viên đối tác để ra vào công ty. Kể từ đó chúng tôi không gặp lại nhau nữa.

Paul và Matthew đã làm gì?

Quy mô của Bộ Năng lượng Mỹ rất lớn. Ngân sách năm 2005 của cơ quan này là 24,3 tỷ USD. Bộ Năng lượng Mỹ phụ trách các chương trình vũ khí hạt nhân, năng lượng hạt nhân cho chính phủ Mỹ, gồm Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, vốn là một phần của Dự án Manhattan.

Tôi đoán Paul và Matthew đang xây dựng một thiết bị tượng tự bộ đếm Geiger bí mật (Geiger counter – máy chuyên dụng đo năng lượng bức xạ). Hoặc một cái gì đó mà các đặc vụ của Bộ Năng lượng có thể sử dụng trong bí mật mà không bị phát hiện. Đây là một ý tưởng thông minh, thiết bị trông vô hại, có thể phát nhạc bình thường. Bạn có thể mang theo đi bất cứ đâu để ghi lại năng lượng phóng xạ, truy tìm bằng chứng buôn lậu hoặc trộm cắp Uranium trái phép mà không bị phát hiện.

Khi tôi hỏi Paul và Matthew đang chế tạo cái gì, họ sẽ nhanh chóng đổi chủ đề và tất nhiên không tiết lộ bất kỳ bí mật nào.

Chỉ có bốn người tại Apple biết về dự án bí mật này là tôi, Giám đốc của iPod Software, Phó Chủ tịch bộ phận iPod và Phó Chủ tịch cấp cao về Phần cứng của Apple. Giờ đây cả bốn chúng tôi đều không còn làm việc tại Apple nữa. Tất cả những thông tin liên quan đến dự án đều được trao đổi trực tiếp, không thông qua bất kỳ giấy tờ nào.

Toàn bộ câu chuyện trên nghe giống một bộ phim điệp viên. Nhưng cựu giám đốc iPod Tony Fadell đã lên tiếng xác nhận tất cả thông tin David Shayer cung cấp đều là thật. Và Fadell là Phó Chủ tịch của iPod vào thời điểm đó.

Góc quảng cáo