UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức công bố kênh “Chính quyền điện tử Đồng Tháp” trên ứng dụng Zalo phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.

Sáng ngày 21/12, tại Hội trường Sở Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức kí kết hợp tác với Zalo, xây dựng kênh thông tin dịch vụ công trên nền tảng này với tên gọi “Chính quyền điện tử Đồng Tháp”.

Buổi lễ có sự tham dự của ông Đoàn Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Văn Tấn – Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, đại diện các sở, ngành, đại diện Zalo cùng nhiều cơ quan truyền thông.

Đồng Tháp dùng Zalo làm nền tảng cho dịch vụ công trực tuyến
Đại diện chính quyền tỉnh Đồng Tháp và đại diện dự án Zalo kí kết hợp tác

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đoàn Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết, mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng kênh thông tin tương tác thân thiện hơn với người dân là vấn đề mà các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm rất nhiều trong năm qua. Và việc kết nối, triển khai “Chính quyền điện tử Đồng Tháp” trên Zalo là một bước tiến nhằm thực hiện hóa mục tiêu trên.

Đồng Tháp dùng Zalo làm nền tảng cho dịch vụ công trực tuyến
Ông Đoàn Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi lễ

Ngay khi được đưa vào thử nghiệm, kênh “Chính quyền điện tử Đồng Tháp” trên Zalo đã nhận được nhiều sự phản hồi tích cực từ phía người dân. “Từ nhà tôi đến thành phố Cao Lãnh đi hơn 30km, mỗi lần cần làm giấy tờ rất cực. Chưa tính lần đi nộp hồ sơ và lần đi lấy kết quả, có những lúc hồ sơ bị thiếu, tôi phải đi làm bổ sung rồi lại về thấp thỏm chờ đợi. Từ khi có mô hình này, tôi chỉ cần lên Zalo tra cứu là biết hồ sơ của tôi đang được giải quyết đến đâu, có kết quả chưa, nếu có thiếu thì tôi cũng được biết để chủ động sắp xếp công việc đi làm giấy bổ sung. Rất là tiện lợi cho những người làm nông mà nhà lại xa trung tâm thành phố như tôi” – ông Nguyễn Đức Lộc (huyện Lai Vung) vừa đến nhận kết quả hồ sơ tại Trung tâm chia sẻ.

Là trụ cột của gia đình sống bằng nghề buôn bán lẻ, chị Huỳnh Thị Hồng Nhung (huyện Châu Thành) rất ngại việc đi làm giấy tờ vì sự khó khăn không chỉ ở đoạn đường gần 60km mà còn là những rắc rối trong khâu giải quyết giấy tờ. Chị Nhung vui vẻ :“Sau khi được biết mô hình này trên Zalo, việc làm thủ tục hành chính không còn là gánh nặng với tôi nữa”.

Ngoài việc là kênh tương tác với người dân, Zalo còn được ứng dụng làm kênh thông tin nội bộ trong các cơ quan chính quyền tỉnh. “Gần như trong từng cơ quan, đơn vị, các cán bộ công chức tỉnh Đồng Tháp đã chủ động sử dụng Zalo để giải quyết công việc, giấy tờ nội bộ, hỗ trợ cho mô hình một cửa điện tử ở các cấp xã, huyện, tỉnh. Và nhờ Zalo mà các cán bộ ở Sở có thể hỗ trợ rất kịp thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ” – ông Bình cho biết thêm.

Với mô hình hành chính trên Zalo, người dân có thể ngồi tại nhà, tra cứu tình trạng hồ sơ bằng cách nhập mã biên nhận hay quét mã QR. Cụ thể hơn, người dân có thể tiếp nhận được thông tin thực tế là cán bộ nào thuộc phòng ban nào đang xử lý hồ sơ của mình, thời hạn dự kiến giải quyết là bao lâu. Người dân cũng nhận được tin nhắn qua Zalo thông báo nếu cần bổ sung hồ sơ, hay thông báo đến nhận kết quả khi giấy tờ được giải quyết sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, những tin tức về chính sách mới của tỉnh, hoặc tình hình khẩn cấp như lũ lụt, thiên tai cũng sẽ được tỉnh chủ động cập nhật nhanh chóng qua tin nhắn Zalo đến cho người dân.

“Trong thời gian tới, phía tỉnh sẽ tiếp tục khai thác và triển khai những tính năng mới, phong phú hơn trên nền tảng Zalo nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, và đạt được sự hài lòng cao nhất của người dân trên địa bàn trong khâu giải quyết thủ tục hành chính” – ông Bình chia sẻ kỳ vọng.

Theo đánh giá của giới quan sát, trước đây khi nói đến thủ tục hành chính, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm bởi sự phức tạp và phiền toái. Tuy nhiên, qua những gì đang làm, rõ ràng tỉnh Đồng Tháp đã và đang quyết tâm đổi mới cách làm việc để chính quyền thật sự đến gần hơn với người dân.

Theo Zalo

Góc quảng cáo