Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử vừa tổ chức buổi Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020, chủ yếu về trang điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trò chơi điện tử và cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông, cùng định hướng phát triển trong năm 2021.

Dưới đây là nội dung của Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử


I. Tình hình cấp phép

1. Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp:

  • Tính đến hết 30/9/2020, cả nước có 1691 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép. Trong đó: Cục PTTH&TTĐT cấp 388 giấy phép, chiếm 22,9 %, các Sở TTTT cấp 1303 giấy phép, chiếm 77%.
  • Số trang có lượng truy cập lớn, có tầm ảnh hưởng không quá 20 trang.
  • Số trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép (1691) chiếm 0,17 % trên tổng số 1 triệu trang web tiếng Việt đang tồn tại trên mạng hiện nay (số liệu Trung tâm không gian mạng Viettel cung cấp).

2. Đối với mạng xã hội:

  • Đến ngày 30/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 728 giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép. Tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chỉ chiếm dưới 10%. Trong khi số lượng người Việt Nam sử dụng mạng Facebook là khoảng 65 triệu và Youtube là 60 triệu.
  • So với cùng kỳ năm 2019, 11 tháng 2020 tăng 04 giấy phép, chiếm 0,4%.

3. Đối với trò chơi điện tử trên mạng:

  • Tính đến hết 30/10/2020, có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 04 DN thông báo ngừng hoạt động, 50 DN Bộ vừa ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép G1). Số Giấy phép G1 cấp trong 10/2020 là 33 GP, so với cùng kỳ năm 2019, tăng 06 giấy phép, chiếm 22%.
  • Số lượng trò chơi điện tử đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản: 878 trò chơi (trong đó có 625 trò chơi đang phát hành, 253 trò chơi đã thông báo dừng phát hành). Số Quyết định cấp 10 tháng 2020 là 152 QĐ, so với cùng kỳ năm 2019, tăng 39 Quyết định, chiếm 34%.
  • Số lượng doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4: 106 doanh nghiệp; 8.332 trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng được cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành.

4. Dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng viễn thông di động:

  • Tính đến hết tháng 10/2020, số lượng giấy chứng nhận dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động được cấp mới là 34, nâng tổng số giấy chứng nhận đã được cấp đến thời điểm này lên 483 giấy chứng nhận. So với số lượng cấp phép cùng kỳ năm 2019 đã giảm 20%.

II. Đánh giá về hoạt động cung cấp thông tin trong lĩnh vực TTĐT

1. Về trang thông tin điện tử tổng hợp:

Trong năm 2020, hoạt động cung cấp trang TTĐT tổng hợp đã từng bước đi vào đúng quỹ đạo kể từ sau thời điểm năm 2019 Bộ quyết liệt xử lý nghiêm đối với tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp (các trang thông tin điện tử tổng hợp cho viết tin bài như như báo chí, thiết kế giao diện gây hoặc sử dụng tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí…), cụ thể:

  • Một số trang thông tin điện tử tổng hợp có tên miền giống tên cơ quan báo chí có thể gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí như phongvien.vn, baocungcau.net…đã được yêu cầu thay đổi tên miền khác.
  • Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép sau khi các giải pháp xử lý tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp được triển khai, đặc biệt sau công văn số 490/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 26 tháng 11 năm 2019 ban hành giảm đáng kể: Từ 102 giấy phép quý IV/2019 xuống còn 24 giấy phép quý I/2020. 9 tháng năm 2020 chỉ cấp 138 giấy phép so với 186 giấy phép của năm 2020.
  • Trong năm 2019, Bộ TTTT đã xử phạt 05 trường hợp với tổng sô tiền xử phạt là 76 triệu đồng;  năm 2020, không có trường hợp nào bị xử phạt (một phần cũng do Nghị định thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản chưa kịp ban hành).

Định hướng hoạt động thông tin điện tử năm 2021Như vậy, sau khi Bộ TTTT chỉ đạo quyết liệt và thực hiện các biện pháp xử lý cứng rắn, tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên một bộ phận làm trang tin điện tử tổng hợp chuyển sang làm mạng xã hội vì theo quy định trang tin điện tử tổng hợp không được sản xuất tin bài mà phải lấy rửa nguồn qua cơ quan báo chí nên sẽ bị phụ thuộc vào việc kiểm duyệt của các báo (dù vẫn có một số trường hợp việc kiểm duyệt chỉ là hình thức, nhưng khi có vi phạm về nội dung phải xử lý sẽ ảnh hưởng đến uy tín cơ quan báo chí nên nhiều báo đã thận trọng hơn).

2. Về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên mạng

2.1. Đối với các mạng xã hội trong nước:

Trong năm 2020, hoạt động của các mạng xã hội trong nước nổi lên một số vấn đề sau:

  • Số lượng hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái. Trong 6 tháng gần đây (từ tháng 5 đến tháng 10/2020), số lượng hồ sơ MXH xin cấp phép là 190 hồ sơ, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2019 (từ tháng 5-10/2019 có 110 hồ sơ xin cấp phép).
  • Đang có sự dịch chuyển mạnh từ “báo hóa” trang tin sang “báo hóa” MXH hội, cụ thể:
    • Các hồ sơ xin cấp phép gửi đến Bộ có tên miền “na ná” với tên miền của cơ quan báo chí tăng cao, ví dụ: kinhtephattrien.vn, kinhdoanhvaxahoi.vn, kinhtehoptac.vn, nguoisaigon.com.vn, chuyendong360.vn, kdpl.vn, thongtinthitruong.net.vn, kinhtenet.com.vn, phapluatvathoidai.vn; doanhnghiepvadoisong.vn; xahoivacongluan.vn; kinhdoanhplus.vn; doichandoanhnhan.vn; nguoidautu.vn, newvietnam.vn,…
    • Trong năm 2020, các đơn vị chức năng của Bộ nhận được đơn thư, thông tin phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng mạng xã hội cử nhân sự đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài để đăng tải trên mạng xã hội; hoạt động như cơ quan báo chí.
    • Giao diện của các mạng xã hội giống báo điện tử, gồm các chuyên mục; nội dung, bài viết giống với sản phẩm báo chí, nhiều bài thể hiện dưới dạng phóng sự, điều tra….
    • Đã xuất hiện tình trạng nhà báo thành lập nhiều mạng xã hội cùng với nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp để khi một nội dung được đưa lên thì đồng loạt các mạng xã hội, cùng các trang thông tin tổng hợp do nhà báo này quản trị đều đăng tải nhằm tạo thêm áp lực với đối tượng bị ảnh hưởng

Để chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, trong những tháng gần đây, cơ quan thanh tra chuyên ngành đã tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà soát, theo dõi các mạng xã hội có dấu hiệu báo hóa để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện đã rà soát, phát hiện 24 trường hợp có dấu hiệu báo hóa, trong đó phát hiện và xử phạt 06 trường hợp, với tổng tiền xử phạt là 273 triệu đồng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này và có biện phép xử lý quyết liệt hơn, không loại trưc biện pháp rút giấy phép đối với các mạng xã hội thường xuyên vi phạm.

2.2. Đối với các mạng xã hội xuyên biên giới, do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam
  • này, nổi lên là 3 mạng xã hội gồm: Facebook, Google và TikTok. Hiện Bộ đều đã thiết lập đầu mối làm việc với 3 doanh nghiệp này.
  • Có thể khẳng định năm 2020, công tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài này đạt được hiệu quả cao nhất từ trước tới nay.

3. Hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

Thời gian qua, thị trường trò chơi điện tử trên mạng (game online) đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, số lượng game được cấp phép và phát hành tại thị trường Việt Nam tăng theo hàng năm; các trò chơi mới được bổ sung thêm nhiều thể loại, đa dạng về cách chơi và phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ tới người trưởng thành. Nhiều trò chơi điện tử giúp giải trí, gắn kết bạn bè, tăng kỹ năng nhận thức, trí não; thậm chí còn được đánh giá là môn thi đấu thể thao điện tử bổ ích (như game bắn súng góc nhìn thứ nhất, thứ ba).

Bên cạnh đó, trò chơi điện tử trên mạng hiện nay đang được xếp vào là một trong những ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng trí tuệ cao, mang lại lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin, thu hút lao động, đóng góp kể cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, mặc dù năm 2020 dịch bệnh COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng không nhỏ tới toàn xã hội, nhưng ngành game được đánh giá là một trong ít ngành công nghiệp nội dung số giữ vững được doanh thu và thị trường lao động ổn định, thậm chí còn tăng nhẹ so với các năm trước.

TT Nội dung Đơn vị tính 2015 2016 2017 2018 2019 Ước 2020
1 Doanh thu ngành game Tỷ đồng 4,968 6,900 7,786 7,475 11,500 12,000
2 Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước Tỷ đồng 490 690 778 747 1150 1200
3 Số lao động ngành game người 7000 8600 11000 22617 24000 20000

Ghi chú: Theo số liệu thống kê ghi nhận từ thị trường

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng thời gian qua, Cục nhận thấy tồn tại một số vấn đề như sau:Ghi chú: Theo số liệu thống kê ghi nhận từ thị trường

3.1. Chưa thực hiện đúng quy định sau khi được Giấy phép cung cấp dịch vụ G1:

Có tình trạng một số DN đã được cấp giấy phép cung cấp DV trò chơi điện tử G1 trên mạng, tuy nhiên không triển khai cung cấp dịch vụ, không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Ngoài ra, khi thay đổi địa chỉ trụ sở hoặc thay đổi người chịu trách nhiệm trước pháp luật của Công ty, Công ty không thực hiện chế độ thông báo hoặc sửa đổi, bổ sung Giấy phép, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Chính vì thế, trong năm 2020, Cục đã rà soát, tổng hợp danh sách các DN vi phạm như nêu trên, báo cáo Lãnh đạo Bộ áp dụng hình thức đình chỉ Giấy phép G1 (lần 01, lần 02) và ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép cung cấp dịch vụ G1 đối với 50 DN không đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành.

Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục rà soát, đề nghị sở TTTT các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ G1 của các DN thuộc địa bàn Sở quản lý và xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp nếu DN vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục cũng đã phối hợp với các đơn vị có chức năng xem xét, xử lý đối với trường hợp lợi dụng giấy phép G1 đã được cấp để thực hiện các hành vi vi phạm khác có liên quan (điển hình là trường hợp của Công ty Cổ phần Gold Game Việt Nam, lợi dụng giấy phép G1, giấy chứng nhận G2, G3, G4 đã được cấp để truyền thông, quảng bá cho các game dự đoán có thưởng về bóng đá và mời gọi mua cổ phần của Công ty,…).

3.2. Chưa thực hiện đầy đủ các quy định khi cung cấp dịch vụ game:

Qua phản ánh của cơ quan chức năng có liên quan và qua rà soát, kiểm tra thực tế, Cục phát hiện một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, cụ thể:

  • Cung cấp trò chơi trên các kênh phân phối trò chơi cho thiết bị di động không đúng với Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi đã được cấp.
  • Cung cấp trò chơi mà chưa đáp ứng một trong các điều kiện về kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử quy định tại Điều 32b hợp nhất Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP (các vi phạm điển hình gồm: Không yêu cầu người chơi đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, số điện thoại,…) hoặc một số game yêu cầu người chơi đăng ký chơi qua tài khoản của đối tác nước ngoài; không hiển thị logo phân loại độ tuổi và thông tin khuyến cáo; không áp dụng biện pháp, giải pháp hạn chế giờ chơi đối với trẻ em, người chơi dưới 18+;  bộ lọc từ ngữ trong game không được cập nhật thường xuyên,…).
  • Không thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Quyết định hoặc thủ tục Thông báo khi có sự thay đổi, cập nhật về nội dung, phiên bản của trò chơi hoặc thay đổi, bổ sung phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 5 Điều 32e hợp nhất Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP;
  • Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT.

Sau khi phát hiện, Cục đã tiến hành các biện pháp xử nghiêm đối với vi phạm nêu trên của các doanh nghiệp này như: Xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu các DN vi phạm thực hiện các thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc thông báo khi thay đổi một trong các nội dung trong QĐ đã được cấp; yêu cầu tất cả các Doanh nghiệp cung cấp G1 chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng.

Cục đề nghị các DN cung cấp dịch vụ game nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định trong quá trình hoạt động, tránh để xảy ra tình trạng tương tự như trên. Nếu phát hiện, Cục sẽ xem xét, xử lý nghiêm (như tạm dừng cung cấp game hoặc thu hồi Quyết định đã cấp, xử lý vi phạm hành chính, chuyển cơ quan điều tra trong trường hợp xác định vi phạm có dấu hiệu hình sự,…).

3.3. Tên đơn vị phát hành game hiển thị trên store không phải là tên đơn vị được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi.

Một số trò chơi đã được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản cho các doanh nghiệp trong nước để phát hành trên lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên tên đơn vị hiển thị trên kho ứng dụng Apple App Store và Google Play Store là tên đơn vị nước ngoài.

Tình trạng này dẫn đến nguy cơ nhiều trường hợp nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng tên trong Quyết định nhưng không thực hiện được đầy đủ quyền và trách nhiệm quản lý, vận hành trò chơi theo quy định của pháp luật Việt Nam do đối tác nắm quyền quản lý. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn khi khó có thể xác định được game lậu hay game đã được cấp quyết định để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu, nắm bắt thông tin, Cục được biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các DN game nước ngoài lấy lý do game phát hành toàn cầu và ép các DN Việt trong quá trình đàm phán, ký kết hợp động ủy quyền phát hành để không đáp ứng các yêu cầu của DN Việt, do đó dẫn đến tình trạng DN Việt mất quyền quản lý game.

Trước tình hình này, Cục đã có các buổi làm việc, đề nghị các DN trong nước đàm phán, chuyển đổi tên đơn vị hiển thị và tải game lên store đúng với tên Công ty đã được cấp QĐ và lưu ý trong việc đàm phán, thỏa thuận với đối tác nắm giữ bản quyền game, đảm bảo DN trong nước phải là đơn vị nắm quyền quản lý trò chơi.

Ngoài ra, Cục cũng đã có công văn đề nghị tất cả các DN cung cấp dịch vụ chủ động rà soát, thực hiện việc hiển thị tên đơn vị cung cấp (phát hành) game trên các kho ứng dụng Apple App Store, Google Play Store,… là tên Doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng. Đồng thời rà soát thỏa thuận ủy quyền hợp tác phát hành trò chơi điện tử tại Việt Nam giữa Doanh nghiệp và đối tác, bảo đảm Doanh nghiệp có đầy đủ khả năng quản lý và cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật. Trường hợp, đối tác ủy quyền cho phát hành game không hợp tác, chuyển giao đầy đủ công cụ và quyền  để quản lý game theo quy định pháp luật, Doanh nghiệp cần xem xét tạm dừng hợp tác cho đến khi vi phạm được khắc phục.

Một lần nữa, đề nghị các DN trong nước nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ TTTT khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

3.4. Nguy cơ cài cắm bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền biên giới trong các game nhập khẩu từ Trung Quốc:

Các công ty Trung Quốc cố tình vi phạm bằng chiêu thức cài cắm đường lưỡi bò vào trong game khi cập nhật, nâng cấp phiên bản trò chơi đã được DN mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam hoặc trong các game không phép phát hành xuyên biên giới giành cho trẻ em nhằm xâm lấn văn hóa, tuyên truyền để đầu độc trẻ em Việt Nam.

Theo thống kê số liệu cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1, trong tổng số 859 game được cấp thì có tới khoảng 690 game có nguồn gốc từ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ hơn 80%. Do đó, nguy cơ cài cắm bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền biên giới trong các game nhập khẩu từ Trung Quốc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Vì vậy, Cục lưu ý các DN Việt thận trọng trong việc lựa chọn, mua bản quyền các game có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đặc biệt lưu ý, đối với các game đang phát hành tại Trung Quốc có xuất hiện đường lưỡi bò, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia nên cân nhắc không hợp tác phát hành trò chơi tại Việt Nam, tránh tình trạng gián tiếp tiếp tay cho DN Trung Quốc cung cấp các sản phẩm vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; rà soát chặt chẽ hình ảnh, sơ đồ, bản đồ, đặc biệt là khi nâng cấp, cập nhật phiên bản trò chơi.

Về vấn đề này, trong năm 2019, Cục cũng đã có văn bản cảnh báo tới các DN về tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, trong đó có cả các trò chơi điện tử trên mạng, đồng thời cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, kiểm tra nội dung kịch bản, game đã được cấp phép và đang phát hành trên thị trường, nhất là game có nguồn gốc nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, dừng hợp tác đối với những doanh nghiệp nước ngoài đã có hành vi vi phạm về các nội dung liên quan đến bản đồ, lịch sử trong game.

3.5. Game không phép cung cấp xuyên biên giới và vấn đề thanh toán cho game:

Từ năm 2017 đến nay, Bộ đã thiết lập cơ chế làm việc và yêu cầu Google, Apple gỡ bỏ các game không phép, game có nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng của Apple, Google; yêu cầu Facebook gỡ bỏ link quảng cáo cho game cờ bạc trên nền tảng này. Kết quả 121 game không phép, game cờ bạc, bạo lực,… đã được gỡ khỏi kho ứng dụng của Apple, Google,…

Tháng 8/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức buổi làm việc và yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có trò chơi phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, đó là khi cung cấp game vào Việt Nam phải hợp tác và thông qua DN Việt Nam. Sau thời điểm này, các DN nước ngoài đã tuân thủ khá đầy đủ yêu cầu từ phía chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, xuất hiện khá nhiều trò chơi do DN nước ngoài cung cấp trực tiếp trên các kho ứng dụng của Apple, Google vào thị trường Việt Nam, không thông qua DN Việt Nam và thu hút số lượng người chơi lớn.

Vì vậy, Bộ TTTT kêu gọi các DN Việt Nam cùng chung tay truyền thông điệp và đề nghị các DN nước ngoài phải tuân thủ quy định của chính phủ Việt Nam khi cung cấp game tại Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm chủ động rà soát, phát hiện và gửi danh sách các game không phép cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam để Bộ thống kê, công khai danh sách game vi phạm trên cổng thông tin chính thức về game (địa chỉ tên miền www.gameportal.gov.vn, www.gameportal.com.vn, www.gameportal.vn), và gửi yêu cầu Apple, Google chặn, gỡ trên các kho tải tại Việt Nam.

4. Về dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động

Qua số liệu cấp phép cho thấy thị trường dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động đã giảm đáng kể. Xu hướng người dùng không còn tập trung nhiều vào các dịch vụ qua SMS mà thay vào đó các dịch vụ có nội dung hấp dẫn như VOD, trang thông tin điện tử, game online.

Thời gian vừa qua, tồn tại tình trạng một số dịch vụ cung cấp dịch vụ không rõ ràng, không có nội dung tới khách hàng và gây nhầm lẫn với các dịch vụ khuyến mại. Trước tình trạng này, Cục đã có các buổi làm việc trao đổi và hướng dẫn các Công ty để điều chỉnh các kịch bản dịch vụ này đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Vẫn còn tồn tại một số dịch vụ nội dung khi cung cấp không đảm bảo xác nhận đồng ý của người sử dụng bằng tin nhắn ngắn SMS theo quy định; thông tin không đầy đủ hoặc không rõ ràng về các dịch vụ trên trang thông tin điện tử trước khi cung cấp dịch vụ gồm: Tên dịch vụ, mã lệnh tương ứng, mô tả dịch vụ, cách thức sử dụng, giá cước dịch vụ tương ứng, hướng dẫn hủy dịch vụ, số điện thoại hỗ trợ khách hàng, cam kết đồng ý sử dụng dịch vụ.

Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử đề nghị cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động. Qua trao đổi, nắm bắt tình hình cho thấy đây là yêu cầu của các nhà mạng viễn thông di động, yêu cầu các DN cung cấp game phải có thêm Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông để nạp game, mua vật phẩm trong game qua đầu số của nhà mạng.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông không phải giấy phép cho phép sử dụng tài khoản viễn thông để nạp tiền vào trò chơi.

Tác động của chính sách: Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã quản lý chặt chẽ hơn về việc quảng cáo qua SMS. Cũng tại Nghị định này đã xây dựng Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656) giúp cho việc quảng cáo các thông tin SMS đảm bảo đúng quy định và minh bạch hơn.

III.  Công tác định hướng thông tin trong thời gian tới

  1. Đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình hoạt động.
  2. Hiện nay, Bộ TTTT đã hoàn thiện hồ sơ trình CP cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và đang thực hiện quy trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên nhằm khắc phục những khoảng trồng về pháp lý, những vấn đề mà các Nghị định nêu trên chưa điều chỉnh tới, đồng thời nhằm minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các tổ chức, DN dành sự quan tâm, đầu tư góp ý cho các dự thảo NĐ nêu trên, để các chính sách khi được ban hành thực sự phát huy hiệu quả, hỗ trợ được các DN trong nước phát triển.
  3. Tình trạng báo hóa mạng xã hội thời gian gần đây khá nổi cộm, gây phản ứng mạnh trong dư luận xã hội. Do đó, trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập chung chấn chính hoạt động này; không để tái diễn tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để “báo hóa” mạng xã hội. Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm khắc phục triển để tình trạng báo hóa “trang tin”.
  4. Tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn các nền tảng xuyên biên giới, trong đó sẽ tập trung xử lý các kênh youtube kiếm tiền có nội dung nhảm nhí và yêu cầu các nền tảng xuyên này không chia sẻ doanh thu quảng cáo trên các kênh vi phạm, nếu tái phạm sẽ yêu cầu xóa toàn bộ kênh. Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Thuế để thu thuế đối với các kênh bán hàng trên facebook, làm nội dung trên YouTube,… Đối với mảng game, tiếp tục yêu cầu các Google, Apple, Facebook hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ, không quảng cáo cho các game không phép, các game có yếu tố cờ bạc, bạo lực, dung tục cung cấp trên kho ứng dụng của Apple, Google và Facebook; đề nghị Google, Apple nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cung cấp game trên các nền tảng ứng dụng của các hãng này.
  5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định, đặc biệt là đối với các trường hợp game có hình ảnh sơ đồ, bản đồ chứa đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền lãnh thổ hoặc các trường hợp tên đơn vị hiển thị trên kho tải không đúng với tên đơn vị đã được cấp QĐ phê duyệt trò chơi. Trường hợp cần thiết sẽ phối hợp hoặc chuyển các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Công an (theo dõi, xử lý game có dấu hiệu vi phạm hình sự), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quản lý kênh thanh toán), Bộ Công Thương (quản lý các chương trình khuyến mại cho game), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quản lý, cấp phép tổ chức các giải đấu game tại địa phương),… để xem xét, phối hợp xử lý theo thẩm quyền.
  6. Tăng cường công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh để từng người sử dụng trong nước có đủ “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Đồng thời, triển khai xây dựng hệ thống theo dõi và giám sát hoạt động cung cấp thông tin trên mạng để phục vụ hiệu quả công tác quản lý.

 

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo