Sự cam kết về chất lượng, khả năng điều hành của người lãnh đạo và ý thức về thiết kế đã giúp xe Hàn Quốc vượt qua xe Nhật Bản về chất lượng.
Trong báo cáo khảo sát Chất lượng xe mới 2015 của hãng cung cấp thông tin thị trường toàn cầu J.D.Power, hai thương hiệu xe Hàn Quốc là Hyundai và Kia đã bứt phá lên các vị trí đầu tiên. Kia chỉ phải chịu “dưới chiếu” Porsche vốn đã thống trị cả hai năm trước đó. Hyundai được xếp ở vị trí thứ 4, sau Jaguar. Phải nhớ rằng cả Porsche và Jaguar đều là các thương hiệu xe xa xỉ.
Trong khi đó, các đối thủ đến từ Nhật Bản lần đầu tiên trong vòng 29 năm qua đã bị đánh tụt thứ hạng và có mức hài lòng chất lượng nằm dưới mức trung bình.
Đây rõ ràng là tin vui đối với ngành công nghiệp ôtô Hàn Quốc. Song, họ và các nhà quan sát chuyên môn, thậm chí cả các đối thủ chắc hẳn sẽ không quá ngạc nhiên bởi chiến lược mà các nhà sản xuất xe hơi “xứ củ sâm” đã và đang theo đuổi được đánh giá là đúng hướng, hiệu quả và rất dễ nhận ra.
Trang Fortune đã chỉ ra 3 lý do cơ bản trong dấu mốc thành công đáng chú ý trong lịch sử này.
Thứ nhất là cam kết về chất lượng. Tập đoàn Hyundai Motors hiện điều hành hai thương hiệu con là Hyundai và Kia đều của Hàn Quốc. Cách đây hàng thập kỷ, họ đã nhận ra được thực tế rằng chất lượng sản phẩm của hãng thực sự tệ hại. Chính vì thế, năm 1998, Hyundai đã phải ban hành một chính sách dài hơi để đặt chất lượng lên hàng đầu. Chính điều đó đã mở ra một cánh cửa rộng hơn cho Hyundai tại thị trường khó tính nhất toàn cầu: Mỹ.
CEO mảng hoạt động tại Mỹ của Hyundai – ông John Krafcik – cho biết: “Việc tập trung vào chính sách này được thể hiện rõ ràng trong các bản đánh giá cũng như tất cả các hoạt động của công ty”. Giải thích kỹ hơn, chuyên gia văn hóa Hàn Quốc hiện sinh sống tại Mỹ, kiêm cố vấn cho cả Hyundai và Kia – Don Southerton – khẳng định: “Cả Hyundai và Kia đều tuyệt đối tin tưởng vào chính sách chất lượng này và họ không bị dao động trong nhiều năm qua”.
Lấy ví dụ cụ thể là mẫu Sonata – đối thủ của Toyota Camry hay Ford Fusion – các kỹ sư của Hyundai đã phải kỳ công kiểm tra tới mức tháo ra, lắp lại nhiều lần nhằm chắc chắn không còn lỗi kỹ thuật nào nữa. Hay trước đó, xe cỡ nhỏ Excel với mức giá rẻ 10000 USD bị vướng vào cơn bão thu hồi những năm 90 vì chất lượng kém đã được hãng xe Hàn Quốc bảo đảm với gói bảo dưỡng tới 160000km trong vòng 10 năm – con số lớn nhất trong ngành công nghiệp ôtô.
“Các hãng sản xuất của Hàn Quốc giờ đây đã không chỉ còn phụ thuộc vào số lượng bởi họ đã nhìn thấy Samsung đi lên nhờ chất lượng”, ông Southerton nhận định.
Lý do thứ hai giúp xe Hàn đang vượt qua xe Nhật là sự lãnh đạo của Chung Moong-koo. Ông chính thức trở thành Chủ tịch kiêm CEO Hyundai lẫn Kia kể từ năm 2000. Kể từ thời điểm đó, Chung Moong-koo đã có hàng loạt quyết sách mang tính lịch sử làm thay đổi cán cân Nhật-Hàn trên bản đồ xe hơi thế giới. Không những thế, tầm ảnh hưởng của ông dễ dàng được nhận ra khi cấp dưới phục tùng một cách tuyệt đối. Mọi quyết định của ông đều được họ thực hiện gần như tức thì, cẩn thận mà không vướng phải thắc mắc nào.
Điểm mấu chốt thứ ba đóng góp vào thành công của xe Hàn Quốc là ý thức thiết kế các sản phẩm của họ không bắt mắt. Cụ thể, vào năm 2006, sau hàng loạt phàn nàn của khách hàng Mỹ về kiểu dáng xe, Hyundai đã cất công tìm tới Peter Schreyer – nhà thiết kế của Audi nổi tiếng với mẫu xe thể thao 2 cửa Audi TT. Đánh giá từ phía khách hàng ngay sau đó được cải thiện. Kia Soul và các dòng xe khác với thiết kế bắt mắt hơn đã được ra đời dưới sự dìu dắt của ông. Và tới nay, vào đầu tháng 6, Hyundai lại tiếp tục chiêu mộ Luc Donckerwolke, một nhà thiết kế khác của Audi để thay thế Schreyer khi ông này sẽ về hưu trong 2 năm nữa nhằm duy trì đà thắng thế đang tạo ra được với các đối thủ Nhật Bản.
Mạc Vũ
Nguồn: xedoisong
Tiêu đề và nội dung được biên tập lại bởi Techsignin