Xem nhanh
Android gốc hay các bản còn lại đều sử dụng các ứng dụng của Google, nhưng chứa một số thay đổi, tùy biến riêng để phù hợp với nhà sản xuất điện thoại và đối tượng khách hàng.
Bài viết này sẽ đưa ra cách phân biệt giữa 3 phiên bản Android để người dùng có thể dễ dàng phân biệt, từ cách dùng mã nguồn mở, cách phát hành bản cập nhật bảo mật, ứng dụng được cài sẵn…
Trải nghiệm về Android
Cách hoạt động của những OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) truyền thống như Samsung, LG hay Huawei là Google sẽ đưa ra mã nguồn cho Android, sau đó các đơn vị lấy mã nguồn đó về để xây dựng bản ROM tùy biến của hãng.
Điều quan trọng là các dịch vụ Google như Play Store, Youtube, Maps… sẽ không có sẵn trong Android Open Source Project (AOSP) vì các ứng dụng này không phải là mã nguồn mở. Vì vậy để sử dụng, nhà sản xuất phải có chứng nhận Google Mobile Services trên phiên bản ROM tùy biến đó.
Hầu hết các OEM đều sử hữu những tùy biến, giao diện và những trải nghiệm cải tiến riêng trên hệ điều hành Android của họ, ví dụ như Samsung có TouchWiz, Sense của HTC hay EMUI của Huawei.
Trong những bản ROM tùy biến mà được nhiều người sử dụng nhất, chúng tôi đã lựa ra 3 bản thuần Android hơn cả để so sánh.
Android gốc
Stock Android (Android gốc) được cho là thuần Android nhất và sử dụng từ trước đến nay trên các dòng điện thoại Nexus như Nexus 5x hay Nexus 6P. Có những khác biệt nhỏ giữa Nexus đời cuối và Pixel đời đầu, nhưng dòng Nexus đã bị khai tử và ngừng cập nhật, nên chúng tôi sẽ sử dụng cách gọi Android gốc cho những sản phẩm do Google sản xuất.
Những thiết bị này sử dụng Android trực tiếp do Google làm ra, vì vậy sẽ luôn sở hữu các bản cập nhật mới nhất đầu tiên. Cùng với đó, Android gốc cũng không bị cài thêm những phần mềm bổ sung từ các OEM giúp hệ điều hành nhẹ hơn.
Các yếu tố này góp phần cho nhu cầu sử dụng stock Android ngày càng tăng đối với những người thích tối ưu và đam mê “vọc” vào hệ điều hành.
Android One
Android One được ra mắt ở Ấn Độ vào năm 2014 và nhắm vào thị trường điện thoại giá rẻ. Trong những năm qua, nền tảng này đã có sự phát triển vượt qua mục tiêu đó. Android One đã có mặt trên cả những mẫu điện thoại cao cấp hơn định nghĩa giá rẻ ban đầu, như Moto X4.
Đối với những thiết bị chạy Android One, Google đã cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các nhà sản xuất. Nguyên nhân có thể do các đơn vị làm phần cứng tốt, giỏi tiếp thị và bán lẻ nhưng không giỏi về phần mềm.
Và Google cung cấp Android One cho họ kèm theo những cam kết cập nhật bảo mật thường xuyên và nhanh chóng. Chính vì vậy nền tảng này đem đến những trải nghiệm từ Android gốc với một số điều khoản nhất định.
Có rất ít thông báo công khai về việc này, nhưng Android One có thể được coi như là dịch vụ phải trả phí do Google cung cấp cho OEM. Dù định nghĩa của Android là mã nguồn mở và miễn phí, Google vẫn có thể thu phí Android One từ những nhà OEM để xử lý nhu cầu phần mềm.
Chi phí này có thể tính được bằng lượng người dùng các dịch vụ Google, lưu lượng tìm kiếm và sử dụng ứng dụng, các quảng cáo trên hệ điều hành.
Android Go
Cuối cùng là Android Go. Đây là hệ điều hành thay thế Android One trên các thiết bị giá rẻ, tối giản các ứng dụng được cài đặt sẵn bằng những phiên bản “lite” hay “Go” như Maps Go, Mail Go… nhằm hỗ trợ các thiết bị cấu hình thấp hoạt động trơn tru hơn.
Sự khác biệt lớn giữa Android Go và Android One là phiên bản Go không đến trực tiếp từ Google. “Gã khổng lồ phần mềm” gửi Android Go đến những nhà sản xuất OEM, ví dụ Nokia. Sau đó, các OEM mới phát hành.
Điều này cũng tạo nên độ trễ nhất định sau khi các bản cập nhật được Google tung ra.
Điểm khác biệt giữa 3 phiên bản Android
Để kiểm tra sự khác biệt giữa chúng, chúng ta cùng xem xét trên 3 thiết bị:
- Google Pixel với phiên bản Android gốc 8.1 Oreo.
- Motorola X4 với Android One phiên bản 8.0 Oreo.
- Nokia A1 với Android 8.1 Go.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất nằm ở giao diện với các tiện ích, hình nền và màu sắc.
Các thiết bị Android One như Moto X4 được cài đặt sẵn nhiều ứng dụng nhất, kể cả chương trình phụ như Google Dịch. Pixel thì ít hơn và Nokia 1 lại có rất ít ứng dụng cài sẵn (dù đều có thể tải xuống từ Play Store). Điểm khác biệt cũng có ở những phần mềm mặc định theo máy, ví dụ như máy ảnh phụ thuộc vào phần cứng của điện thoại.
Tóm lại
Nhìn chung, Android gốc được phát hành trực tiếp bởi Google dành cho các thiết bị như Pixel. Google cũng chịu trách nhiệm cung cấp các bản cập nhật và nâng cấp cho nền tảng này.
Android One cũng đến trực tiếp từ Google nhưng dành cho các thiết bị phần cứng không phải của hãng làm ra, tuy nhiên “người khổng lồ công nghệ” vẫn chịu trách nhiệm cung cấp các bản cập nhật.
Android Go thay thế cho Android One trên những thiết bị giá rẻ và cung cấp trải nghiệm tối ưu cho cấu hình thấp. Không giống như 2 bản kia, các bản cập nhật sẽ thông qua OEM để phát hành.