Tại sao camera của flagship LG G6 lại có số điểm ngang bằng với điện thoại tầm trung Moto G4 Plus của Motorola?
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này, đồng thời giải thích tại sao bạn không nên tin vào điểm số trên DxOMark.
Tổng điểm cho một camera của DxO được lấy từ điểm số trung bình trong từng bài kiểm tra nhất định: độ phơi sáng, tương phản, lấy nét màu tự động, nhiễu ảnh, ảnh giả và khả năng chống rung (hay còn gọi là ổn định hình ảnh). Điểm trung bình lại được lấy từ điểm chấm bằng máy móc tự động và điểm chấm cảm quan.
Điểm chấm cảm quan bao gồm một người sử dụng camera smartphone chụp trong mọi điều kiện môi trường. Đối với bài kiểm tra tự động, DxO sử dụng phần mềm như phần mềm DxO Analyzer, vẫn thường được sử dụng bởi các nhà sản xuất camera hàng đầu thế giới để đo chất lượng ảnh sản phẩm.
Những con số cùng lúc vừa quá mơ hồ vừa quá cụ thể
Quy chụp chất lượng của camera smartphone về một con số cùng lúc vừa quá mập mờ, lại vừa quá cụ thể. Một con số không đủ để đánh giá một cách công bằng tính phức tạp của máy ảnh điện thoại, khi mà khả năng chụp ảnh của camera có thể thay đổi rõ rệt tùy theo điều kiện chụp, và không phải tất cả các tiêu chí mà DxO đặt ra đều có tầm quan trọng ngang nhau.
Lấy ví dụ chiếc OnePlus 5, Huawei P10 và Samsung Galaxy S6 edge+ đều có camera tốt ngang nhau, theo như số điểm chấm 87 của DxOMark. Trong khi đó, chiếc LG G6 và Moto G4 Plus cũng có số điểm ngang nhau là 84. Tuy nhiên bất cứ ai đã từng sử dụng hai smartphone này để chụp ảnh đều có thể khẳng định với bạn rằng hai camera này không hề cùng đẳng cấp.
Một ví dụ khác, DxO chấm Galaxy S6 edge+ điểm số 87, nhưng chiếc Galaxy Note 5 ra mắt cùng thời điểm, có cùng cảm biến ảnh và cấu hình phần cứng lại chỉ đạt 86 điểm. Có 1 điểm chênh lệch giữa hai điện thoại này (dù không rõ lý do tại sao), đồng nghĩa trong nhiếp ảnh hai thiết bị này có khả năng chụp ảnh hoàn toàn tương đương. Giữa chiếc Galaxy S8 và Xperia Z5 cũng có 1 điểm chênh lệch, nhưng 1 điểm đó lại chuyển thành khác biệt rất lớn trong hiệu suất thực tế.
Các ví dụ trên cho thấy sự thiếu chính xác của việc sử dụng một con số để đánh giá chất lượng của camera, đặc biệt là khi 2 điện thoại có cấu hình phần cứng giống hệt nhau lại cho ra 2 kết quả chênh lệch. Hoặc hai điện thoại có điểm chấm tương đồng, lại cho chất lượng sử dụng khác xa nhau.
Điểm chấm của DxOMark thường không phản ánh chính xác hiệu năng sử dụng đời thực
Các bài viết đánh giá của DxO mặt khác lại cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích, đi sâu vào từng chi tiết và điểm mạnh, điểm yếu của camera. Thế nhưng ngay trên đầu trang bài viết lại là thanh chấm điểm kèm số điểm tính trên thang điểm 100 mà các nhà sản xuất như OnePlus 5 thường hay lấy làm tư liệu marketing. Số liệu luôn mang tính chính xác, vậy liệu người đọc có chịu đọc hết bài đánh giá hay sẽ chỉ dựa vào một con số vô nghĩa để lựa chọn sản phẩm?
Tiếp theo là một vấn đề rất hiển nhiên – và rất có thể là xung đột về lợi ích. Đó là việc bán phần cứng dùng để kiểm tra cho nhà sản xuất điện thoại, rồi sau đó khi sản phẩm chính thức ra mắt thì DxOMark lại đi đánh giá camera sản phẩm đó bằng chính những máy móc đã bán.
Ý tưởng ban đầu là giúp các nhà sản xuất có thể tạo ra được camera tốt hơn bằng cách cho họ sử dụng kết quả kiểm tra về chất lượng hình ảnh. Nhưng điều này, xét trên khía cạnh khác, chẳng khác nào “cho học sinh biết trước đề thi”.
Các nhà sản xuất hợp tác với DxO sẽ được quyền tiếp cận với phần cứng và phần mềm của DxO, từ đó cho phép họ tinh chỉnh thuật toán xử lý hình ảnh trên sản phẩm của mình sao cho ăn khớp nhất với các bài đánh giá tổng hợp của DxO là được. Kết quả, điểm chấm thành phẩm trên DxO sẽ cao hơn, do các camera này đều đạt điểm xuất sắc trong các bài test nhỏ của DxO, bởi họ đã được tiếp cận với phần cứng đảm nhận việc kiểm tra đánh giá của DxO bấy lâu nay. Như vậy, hiển nhiên nhà sản xuất nào không bắt tay với DxO sẽ nghiễm nhiên ở “chiếu dưới” khi DxOMark chấm điểm camera của các hãng này, mặc dù trải nghiệm sử dụng thực tế có thể tốt hơn nhiều.
Đó cũng là lời giải thích tại sao chiếc Moto G4 có điểm chấm ngang với LG G6, và cùng thấp hơn chiếc flagship giá rẻ OnePlus 5.
Nói vậy không phải để chỉ trích DxOMark chấm điểm thiếu trách nhiệm. Công ty đã phong chiếc Google Pixel là smartphone có camera tốt nhất 2016 cũng như chấm cho HTC U11 điểm số cao nhất từng có – hai smartphone mà phần lớn các trang công nghệ uy tín đều đồng ý đang sở hữu máy ảnh tốt nhất hiện tại.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng điểm số của DxOMark phản ánh chính xác hiệu năng thực tế (xin nhắc lại trường hợp chiếc flagship 2017 của LG có số điểm ngang hàng điện thoại tầm trung năm ngoái của Motorola) và người dùng thực sự chỉ nên xem những điểm chấm DxOMark đưa ra cho smartphone là một cơ sở tham khảo, thay vào đó nghiên cứu bài viết đánh giá để có cái nhìn chính xác hơn về smartphone mình định mua.
Lời kết: Các bài viết đánh giá của DxO chứa rất nhiều thông tin hữu ích và khách quan về camera smartphone. Nhưng còn số điểm ngay đầu trang mà bạn nhìn thấy? Hãy quên nó đi.
Nguồn: ICTnews