Benchmark là điểm số thể hiện cái nhìn khách quan về cấu hình, hiệu năng thiết bị, và đánh giá sự tiến bộ của sản phẩm sau mỗi thế hệ.
Điểm Benchmark không còn xa lạ với những người yêu công nghệ nữa. Đây là một điểm số khách quan đánh giá cấu hình và hiệu năng làm việc của một chiếc điện thoại, nhằm giúp người dùng có một cái nhìn chuẩn xác hơn về thiết bị. Hiện nay, trên thị trường có nhiều hãng cố dùng chiêu trò để gian lận điểm Benchmark, nhằm đánh lừa và gây ấn tượng với khách hàng khiến cho điểm số này không còn đáng tin cậy.
Tuy nhiên, Benchmark vẫn cần thiết để so sánh sơ bộ và tổng quan sản phẩm. Bởi vì nếu không có những thử nghiệm đánh giá thiết bị, làm sao chúng ta có thể biết thiết bị có hoạt động tốt hơn hay không.
Cuộc chiến công nghệ
Thực tế thì các bài test hiệu năng chỉ dành cho những người đam mê công nghệ, với mong muốn tìm ra giới hạn của chiếc điện thoại mình yêu thích. Nguyên nhân chính khiến cho điểm Bechmark bị hoài nghi là do nhiều nhà sản xuất đã dùng một số thủ thuật gian lận, khi phần mềm đo điểm chạy, hệ thống sẽ tự động nhận biết và tối ưu hóa thiết bị để có được điểm số cao.
Dù thực tế ít người dùng nào ra cửa hàng để hỏi về điểm Benchmark trước khi mua điện thoại hay máy tính bảng, nhưng các thương hiệu vẫn đang chạy đua nhằm ghi điểm với khách hàng và giành được nhiều sự chú ý vì những tính năng vượt trội. Các nhà phát triển ứng dụng benchmark thì đang cố gắng cải thiện độ chính xác của điểm số để lấy lại lòng tin từ khách hàng.
Điểm Benchmark thể hiện những gì?
AnTuTu và Geekbench là 2 công cụ đo lường được nhiều người quan tâm nhất hiện nay. Những ứng dụng này sẽ thực hiện các bài kiểm tra hiệu suất phức tạp.
Ví dụ, vận tốc của một chiếc xe hơi chạy quanh đường đua thì sẽ không giống với vận tốc thực tế bạn đi lại mỗi ngày. Nhưng ít ra với thử nghiệm, bạn biết chiếc xe của mình có thể chạy được rất nhanh. Với điện thoại cũng thế. AnTuTu và Geekbench sẽ tiến hành chạy ứng dụng, đo lường hiệu suất của thiết bị, khả năng xử lý đồ họa, thời lượng pin… để cho ra một cái nhìn khái quát về sản phẩm.
Nội dung kiểm tra, đánh giá thiết bị thường nhất quán, mọi sản phẩm đều được trải qua test như nhau nên dễ dàng đánh giá được sự tiến bộ của điện thoại sau mỗi thế hệ. Chẳng hạn, khi nhà sản xuất nói GPU (bộ xử lý đồ họa) mới hoạt động tốt hơn 25% so với phiên bản cũ. Người dùng cần ứng dụng đo Benchmark để kiểm chứng xem điều đó có thật không.
Ngày nay, smartphone đã đạt được những trải nghiệm cao cấp đến mức khó phân biệt được model sau có thực sự tốt hơn đời trước hay không. Nếu không có các ứng dụng đo điểm thì chúng ta không thể biết được chip nào mạnh hơn chip nào, hiệu năng điện thoại bạn đang dùng có hơn chiếc điện thoại được sản xuất trước đó không, hay chỉ là lời nói suông của nhà sản xuất.
Bạn có thể trông đợi gì ở điểm Benchmark?
Điểm Benchmark sẽ giúp bạn có thể đánh giá sơ bộ, khách quan về các tính năng, hiệu năng sản phẩm. Smartphone đang ngày càng hiện đại với nhiều tính năng hơn nên Benchmark cũng nên bổ sung thêm những tiêu chuẩn mới, tinh vi hơn, giúp người dùng hiểu rõ về thiết bị. Ví dụ như kiểm tra tính năng hỗ trợ AI, đây là một khái niệm còn khá mới và tối nghĩa, đa phần chúng ta chưa thực sự hiểu và thấy được hiệu quả của tính năng nghe có vẻ rất hàn lâm này.
Trong tương lai, Benchmark sẽ có nhiều cải thiện và tốt dần lên. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá tin tưởng vào điểm số này bởi đây chỉ là công cụ để tham khảo. Hãy trải nghiệm thực tế, dùng thử để có đánh giá chính xác về chiếc điện thoại định mua và tránh được những thất vọng không đáng có vì chưa tìm hiểu kỹ sản phẩm.
Theo: Phone Arena