Vì hầu hết người dân đang phải ở nhà tránh dịch Covid-19, các dịch vụ đi chợ thuê gần đây phát triển nhanh chóng và tăng trưởng mạnh.

Dịch vụ đi chợ thuê đã bắt đầu xuất hiện trên thị trưởng từ 2 năm trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây xu hướng sử dụng dịch vụ này bắt đầu tăng mạnh do mọi người hạn chế ra đường. Hiện tại, hầu như ứng dụng gọi xe nào cũng có tích hợp tính năng đi chợ thuê. Dịch vụ được triển khai khá bài bản, dễ sử dụng, khách hàng có nhiều lựa chọn mua sắm và tùy ý áp dụng những phương thức thanh toán khác nhau. Các bên cung cấp dịch vụ đi chợ thuê đều ghi nhận lượng đơn hàng đi chợ và mua đồ ăn uống tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây.

Cuối tháng Ba, Grab thử nghiệm dịch vụ GrabMart tại TP.HCM, sau khi đạt hiệu quả tốt đã mở rộng thêm ở Hà Nội. Dịch vụ này hỗ trợ khách hàng đặt mua hàng hóa trên ứng dụng, gồm các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị…

Dịch vụ đi chợ thuê "nở rộ" trong mùa dịch Covid-19

Dịch vụ này đang tăng trưởng khá tốt, đơn hàng đặc biệt nhiều trong thời điểm người dân ở nhà tránh dịch Covid-19. Nhìn chung, mức giá 15.000 – 20.000 đồng cho 5km đầu tiên khá hợp lý với hầu hết người dùng. Điểm hạn chế duy nhất là hiện tại số lượng thương nhân liên kết với GrabMart chưa nhiều. Ngoài ra, Grab còn có thêm dịch vụ Assisstant, tính năng cộng thêm của giao hàng. Khi sử dụng dịch vụ này, khách hàng có thể ghi chú và yêu cầu tài xế mua bất kỳ món gì, kể cả đi siêu thị mua hàng.

Không riêng Grab, ứng dụng “be” cũng ra mắt dịch vụ “be Đi Chợ” (Shopping) hồi đầu tháng 3, hỗ trợ khách hàng mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết hằng ngày mà không cần ra khỏi nhà. Dịch vụ đang được triển khai tại 9 tỉnh thành trên cả nước, người dùng chỉ việc chọn siêu thị, cửa hàng bất kỳ, ghi chú món hàng cần mua là tài xế “be” sẽ đi mua hộ. Chi phí cho mỗi lần đi chợ thuê là 30.000 đồng, tùy theo khoảng cách có thể tăng thêm.

Dịch vụ đi chợ thuê "nở rộ" trong mùa dịch Covid-19

Phía be cho biết, trong tuần đầu ra mắt, mỗi ngày dịch vụ “be Đi Chợ” chỉ nhận được trung bình khoảng 100 đơn hàng, nhưng hiện tại số lượng đơn đã tăng lên gấp nhiều lần.

Nhìn chung, tính năng “be Đi Chợ” vẫn còn khá đơn giản, người dùng phải mất thời gian thao tác nhiều, ghi chú chính xác về mặt hàng cần mua, số lượng, khối lượng, nhãn hàng… Việc này rất dễ gây nhầm lẫn, phiền phức cho cả khách hàng lẫn tài xế. Phía be cho biết sẽ sớm cập nhật phiên bản mới, thêm tính năng hỗ trợ việc “đi chợ” dễ dàng và thuận tiện hơn.

Ngoài ra không thể không kể đến Now với dịch vụ NowFresh. Đây là một trong những ứng dụng đầu tiên khai thác dịch vụ đi chợ thuê tại Việt Nam. Now đã triển khai tính năng này từ năm 2018 và hiện có một lượng đối tác lớn ổn định. Khách hàng có thể mua từ những thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, trứng… đến các loại thực phẩm khô và nhiều mặt hàng khác thông qua dịch vụ NowFresh.

Gần đây nhất, Bách hoá Xanh cũng bắt đầu mở dịch vụ “Đi chợ giùm bạn” trên trang chủ bachhoaxanh.com. Người dùng chỉ cần truy cập trang web, nhấp vào dịch vụ sau đó chọn hàng hóa cần mua. Phí vận chuyển cho mỗi đơn hàng là 30.000 đồng. Dịch vụ mới chỉ triển khai ở các quận nội thành TP.HCM.

Dù vẫn còn nhiều thiếu sót như hàng hóa không giao đúng hạn, hệ thống quá tải khiến việc giao nhận chậm trễ, nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao khiến khó tìm tài xế… nhưng về cơ bản dịch vụ đi chợ thuê đã hỗ trợ người dùng rất nhiều trong bối cảnh hiện tại. Mặt khác, sự phát triển nhanh và hiệu quả của các ứng dụng trực tuyến cũng góp phần giúp các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ… tăng doanh thu, giảm tình trạng “ế khách” trong mùa dịch Covid-19.

Góc quảng cáo