Ứng dụng chuyển đổi khuôn mặt Zao của Trung Quốc vừa ra mắt thứ sáu tuần trước đã nhanh chóng trở nên thịnh hành, là phần mềm có lượt tải nhiều nhất tại nước này. Tuy nhiên các chuyên gia bảo mật vừa cảnh báo những ứng dụng Deepfake như Zao có thể bị lợi dụng để phát tán thông tin sai lệch quy mô lớn, gây ra những nguy hại khôn lường.

Ứng dụng Deepfake của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ phát tán tin giả quy mô lớn

Cách thức hoạt động của Zao khá đơn giản. Người dùng chỉ cần tải lên bức ảnh selfie của mình với những biểu cảm như chớp mắt, cười, khóc… ứng dụng sẽ đưa gương mặt bạn vào phim hoạt hình, chương trình TV hoặc những nội dung giải trí khác có sẵn trong ứng dụng.

Một số chuyên gia bảo mật đã phát hiện và báo cáo chính sách của phần mềm này có nhiều lỗ hổng. Điều khoản trong đó ghi những chi tiết như miễn phí, không thể hủy ngang, vĩnh viễn, có thể chuyển nhượng và có thể phát hành lại với tất cả nội dung được tạo ra bằng ứng dụng. Đồng nghĩa nhà phát triển có thể sử dụng dữ liệu người dùng vào những mục đích khác mà không cần thông báo. Ngay sau báo cáo, Momo Inc – chủ sở hữu ứng dụng Zao – buộc phải thay đổi thỏa thuận sử dụng của phần mềm, tuyên bố tất cả những bức ảnh được cung cấp sẽ không dùng vào bất kỳ mục đích nào khác ngoài nâng cấp và cải thiện chương trình.

“Chúng tôi hiểu những lo ngại về quyền riêng tư. Chúng tôi nhận được phản hồi và sẽ khắc phục các vấn đề mà trước đó đã không xem xét, nhưng việc này sẽ mất một khoảng thời gian”, đại diện Momo Inc cho biết. Hãng cũng cam kết sẽ loại bỏ khỏi máy chủ tất cả nội dung mà người dùng đã xóa trên ứng dụng.

Dù đã được cảnh báo chứa mối nguy tiềm ẩn, sức hút của Zao vẫn không hề giảm. Theo thống kê của nhà cung cấp dữ liệu thị trường ứng dụng App Annie, tính đến đầu tuần này Zao vẫn là phần mềm miễn phí được tải xuống hàng đầu ở Trung Quốc.

Sự phát triển ngày càng tinh vi của những ứng dụng Deepfake sử dụng trí thông minh nhân tạo để chuyển đổi khuôn mặt người dùng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, kéo theo hàng loạt mối nguy về quyền riêng tư. Các chuyên gia cho rằng công nghệ này có thể được áp dụng để tạo ra những video có mục đích xấu như thao túng bầu cử, truyền bá thông tin sai lệch quy mô lớn…

Mối lo ngại về những cuộc tấn công bằng ứng dụng Deepfake đã gia tăng đáng kể từ sau chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo điều tra của chính phủ nước này, công nghệ deepfake đã tạo ra một loạt thông tin sai lệch trực tuyến, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả bỏ phiếu.

Zao không phải ứng dụng đầu tiên lợi dụng những chính sách mơ hồ để thu thập dữ liệu người dùng. Giữa tháng 7, các chuyên gia cũng cảnh báo ứng dụng deepfake FaceApp của Nga cũng có hành vi tương tự. Ngày nay mọi người dễ bị cuốn hút bởi những xu hướng giải trí phổ biến và hợp thời đại, sau đó quên mất một số thói quen bảo mật cơ bản, ví dụ như cấp quyền cho những ứng dụng Deepfake mà không đọc kỹ thỏa thuận sử dụng.

Mặt khác, công nghệ này cũng khá phổ biến trên mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều mối nguy phức tạp và khó kiểm soát. Tháng 6 vừa qua, CEO Facebook Mark Zuckerberg vừa cho biết mạng xã hội đang phải “vật lộn” để đối phó với những video sử dụng công nghệ deepfake. Theo Mark, kẻ xấu có thể tạo ra ngày càng nhiều thông tin sai sự thật để thao túng người dùng.

Theo The Guardian

Góc quảng cáo