Xem nhanh
- 1. Tìm hiểu kỹ triệu chứng cơ bản của bệnh
- 2. Thận trọng với thuyết âm mưu
- 3. Xác minh hình ảnh và video trước khi chia sẻ
- 4. Kiểm tra kỹ số trường hợp nhiễm bệnh, số người chết và tỷ lệ tử vong
- 5. Không chia sẻ phương pháp phòng ngừa hoặc điều trị bệnh từ nguồn không chính thống
- 6. Tìm hiểu kỹ về những thông tin chưa biết
Rất nhiều kẻ xấu đang lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát để phát tán tin giả, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng. Bài viết này đưa ra 6 biện pháp giúp bạn tránh bị những nguồn tin sai lệch “dẫn dắt”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), trên mạng Internet, nhất là mạng xã hội, đang lan truyền rất nhiều thông tin sai lệch về phương pháp chữa trị, thuyết âm mưu, hình ảnh, thống kê số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong… Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, bạn còn phải luôn cảnh giác, tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt. Để tránh bị mắc bẫy những nguồn tin sai lệch, hãy tham khảo 6 cách dưới đây.
1. Tìm hiểu kỹ triệu chứng cơ bản của bệnh
Đầu tiên, bạn cần nắm rõ những dấu hiệu cơ bản của bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona, cách lây lan, triệu chứng giống với những bệnh gì. Càng có nhiều kiến thức, bạn càng dễ phát hiện và không bị hoang mang trước những thông tin giả. Để tránh mối lo về những thông tin sai lệch, tốt nhất nên tìm đọc những nguồn tin chính thống như WHO, trang tin của chính phủ.
2. Thận trọng với thuyết âm mưu
Lúc đầu, rất khó biết dịch bệnh bắt nguồn từ đâu, đặc biệt với những căn bệnh lạ và nguy hiểm như Covid-19. Lợi dụng điều này, rất nhiều thuyết âm mưu đã xuất hiện. Một số nguồn tin khẳng định virus Corona là một loại vũ khí sinh học, được tạo ra từ phòng thí nghiệm hoặc do một thế lực nào đó phát triển để kiếm tiền.
Hiện tại, bạn cần tỉnh táo, không chia sẻ những tin đồn vô căn cứ, gây hiểm lầm và hoang mang dư luận. Dịch bệnh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bạn nên cảnh giác trước những phát ngôn gây chia rẻ trong cộng đồng.
3. Xác minh hình ảnh và video trước khi chia sẻ
Thời gian gần đây có rất nhiều tài khoản mạng cố tình tung hình ảnh và video giả mạo về triệu chứng bệnh tình trạng những người bị nhiễm, gây nhiễu loạn thông tin. Bạn nên cẩn trọng với những hình ảnh và video đang được lan truyền trên mạng. Nếu nghi ngờ, hãy sử dụng những công cụ đáng tin cậy như Google Reverse Image Search, RevEye và InVid để truy nguồn gốc ảnh và video đó.
4. Kiểm tra kỹ số trường hợp nhiễm bệnh, số người chết và tỷ lệ tử vong
Những số liệu trên được thống kê hằng ngày để đo lường mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý hoang mang của cộng đồng, cố ý thổi phồng số lượng người mắc bệnh và chết do virus Corona. Càng nhiều người quan tâm đến tình hình dịch bệnh lại càng tạo cơ hội cho kẻ xấu phát tán tin giả.
Để biết chính xác những số liệu trên, bạn chỉ nên tin vào những thông tin trên các trang web chính thống từ Bộ Y Tế hoặc báo cáo trực tiếp từ WHO.
5. Không chia sẻ phương pháp phòng ngừa hoặc điều trị bệnh từ nguồn không chính thống
Khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới, nhiều bài viết trên mạng xã hội đã chia sẻ những phương pháp ngăn ngừa và điều trị bệnh để đánh lừa những người nhẹ dạ. Hầu hết những thông tin đưa ra đều trái khoa học, thậm chí gây nguy hiểm nếu áp dụng, ví dụ uống thuốc tẩy, tự uống kháng sinh quá liều…
Cách tốt nhất để tự bảo vệ bản thân và gia đình là tìm hướng dẫn từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quốc gia, Cơ quan Y tế Công cộng địa phương hoặc cập nhật thông tin từ WHO.
6. Tìm hiểu kỹ về những thông tin chưa biết
Hiện tại nhiều chi tiết về dịch Covid-19 vẫn chưa được làm sáng tỏ, ví dụ dịch bệnh lây lan qua đường nào, mức độ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong, thời điểm nào dễ lây lan… Nhiều thông tin phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng để nghiên cứu. Trong khi đó, thông tin xấu và bịa đặt lại tăng lên từng ngày từng giờ.
Để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, bạn nên dựa vào các thông tin cơ bản, sau đó tìm kiếm nguồn đáng tin cậy để cập nhật những điều chưa biết.