Trẻ em thời đại công nghệ và sớm tiếp cận smartphone từ thuở lọt lòng, do vậy việc giáo dục con để sử dụng và quý trọng chiếc điện thoại là điều các bậc phụ huynh nên làm.
Những ai giờ đã làm cha, mẹ chắc chắn đã trải qua và chưa thể quên quãng thời gian tuổi thơ trước khi smartphone xuất hiện. Chính vì vậy, phụ huynh thường hiểu rõ giá trị của thiết bị công nghệ giúp con người thực hiện nhiều công việc khác nhau và dễ dàng bỏ vào túi quần, mang theo bên mình.
Tuy nhiên, trẻ con hiện nay không phải trải qua giai đoạn đó, không hiểu được những vất vả của người lớn và niềm vui thú khi trải nghiệm thế giới từ lòng bàn tay.
Theo Phone Arena, cách đơn giản nhất để trẻ hiểu là tự trải nghiệm chính cảm giác đi từ sự thiếu thốn tới smartphone không cần mất tới 20 năm như những gì phụ huynh phải trải qua.
Sự phát triển của điện thoại trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và mục tiêu của “khoá huấn luyện sự quý trọng smartphone” sẽ đưa trẻ em qua một số giai đoạn nhất định trên chặng đường đó. Việc này không chỉ giúp trẻ hiểu được sự phát triển của công nghệ mà còn biết trân trọng hơn những gì mà thế giới hiện đại mang đến cho cuộc sống con người.
Công cụ giáo dục trực quan nhất trong trường hợp này chính là các mẫu điện thoại cũ. May mắn thay, các model “cổ lỗ sĩ” này không hề khó tìm, thậm chí không ít phụ huynh vẫn còn giữ những sản phẩm này như một kỷ niệm.
Cha mẹ không cần đưa cho con các mẫu máy “to như cục gạch” theo đúng nghĩa đen, sản xuất cách đây vài chục năm. Một số gợi ý thiết bị có thể dành cho trẻ trong trường hợp này gồm (sắp xếp theo thứ tự thời gian nên sử dụng): điện thoại bàn phím cứng với màn hình đơn sắc, sau đó nâng cấp lên mẫu màn hình màu (vẫn dùng phím cứng) kèm camera siêu tệ.
Thiết bị trải nghiệm tiếp theo sẽ là điện thoại màn hình cảm ứng kích thước nhỏ, camera tệ và vào internet chậm chạp. Chiếc máy thứ 4 sẽ là smartphone, nhưng có tuổi đời đã vài năm và không nên có 4G.
Mẫu thứ 5 – cũng là máy cuối cùng nên là sản phẩm mà phụ huynh muốn hướng con mình sử dụng hoặc muốn dành cho con.
Các lựa chọn trên có thể thay đổi, phụ thuộc vào khả năng lựa chọn và sở hữu điện thoại của phụ huynh. Nếu nhà không có sẵn, đừng ngại hỏi mượn bạn bè hay các thành viên khác trong gia đình. Thời gian trải nghiệm một mẫu chỉ vài tuần và thường việc mượn các loại điện thoại cũ cũng không ảnh hưởng đến việc sử dụng hàng ngày của chủ máy (vì đa phần đang dùng điện thoại đời cao hơn).
Phụ huynh có thể điều chỉnh thêm hoặc bớt vài máy vào quy trình, nhưng ít nhất nên có 3 giai đoạn chuyển đổi (tương đương 3 đời máy sử dụng). Mỗi giai đoạn không nhất thiết phải dùng chiếc máy tốt nhất. Thực tế, máy tệ vẫn mang lại kết quả tốt.
Nếu có điều kiện, các bậc cha mẹ cũng có thể cho con trải nghiệm nhiều thiết kế máy khác nhau như điện thoại gập, trượt, bàn phím Full QWERTY vật lý (như mấy chiếc BlackBerry đời cũ rất dễ mua hiện nay, có mức giá chỉ vài trăm ngàn đồng tới dưới một triệu đồng).
Thời gian lý tưởng cho mỗi giai đoạn dùng máy không cố định, có thể từ vài tuần tới đôi ba tháng, thậm chí hơn, miễn sao phụ huynh cảm thấy phù hợp. Hoặc việc nâng cấp đời máy có thể thực hiện qua hình thức trao thưởng như có kết quả học tập tốt, đọc xong bao nhiêu quyển sách, từ bỏ thành công một thói quen xấu…
Cha mẹ có thể thiết kế các nhiệm vụ để con mình thực hiện với sự trợ giúp của chiếc điện thoại trong từng giai đoạn, nhằm giúp trẻ khám phá từng tính năng của máy. Nếu có thời gian, phụ huynh nên kể cho con những câu chuyện liên quan tới từng máy, hay mình bao nhiêu tuổi khi cầm trên tay thiết bị này, có trải nghiệm ra sao…
Theo Phone Arena