Mọi việc vẫn diễn ra bình thường, chỉ là tôi có thể dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cũng không mất liên lạc với những người bạn thật sự sau 5 tháng xóa Facebook.

Đây là những gì đã thay đổi khi tôi xóa Facebook

Dưới đây là câu chuyện của Brian X. Chen, phóng viên công nghệ tờ New York Time về những gì xảy ra với anh ta sau khi xóa Facebook. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống vẫn bình thường, duy chỉ có quảng cáo trên internet đã không còn như trước.

Khi Facebook và các ứng dụng liên quan gặp sự cố kéo dài suốt một ngày vào tuần trước, hàng triệu người đã cảm nhận được cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào nếu không có mạng xã hội này. Tôi có thể nói với bạn nhiều hơn về điều đó: Tôi đã xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook của mình cách đây 5 tháng.

Vậy hậu quả để lại của việc này là gì?

Từ lâu, mạng xã hội là nơi kết nối mọi người để chúng ta có thể sống trong một thế giới cởi mở hơn. Nhưng khi rời khỏi Facebook vào tháng 10 năm ngoái, tôi không cảm thấy cuộc sống của mình bị ảnh hưởng.

Mặc dù tôi không còn thấy những dòng cập nhật trạng thái và hình ảnh trên News Feed. Tôi và những người bạn vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch qua email và ứng dụng nhắn tin. Gia đình cũng vậy, vẫn như cũ.

Tuy nhiên, tôi đã có những trải nghiệm rất kỳ lạ với quảng cáo trực tuyến. Từ lâu, Facebook sử dụng thông tin của người dùng để nhắm đến mục tiêu quảng cáo phù hợp nhất.

Vì thế, sau vài tháng xóa mạng xã hội này, tôi bắt đầu thấy quảng cáo ngẫu nhiên xuất hiện trên các trang như Instagram (mà Facebook sở hữu). Đó là những chương trình khuyến mãi dành cho phụ nữ như ví và đồ bơi.

Tôi cũng nhận ra rằng mình đã ít chi tiền hơn trong việc mua sắm quần áo hay dụng cụ nấu ăn, vì không còn thấy kích thích bởi những quảng cáo liên quan trên Facebook. Trong 5 tháng ngưng sử dụng, số tiền mua sắm trực tuyến của tôi đã giảm 43%.

Vậy còn hội chứng sợ bỏ rơi (FOMO – Fear of missing out) thì sao? Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều người không thể từ bỏ Facebook.

Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không nhìn thấy bài đăng về một chuyến đi chơi với người bạn ở xa? Hay một lời mời dự tiệc được chia sẻ trên mạng xã hội?

Hóa ra tôi thật sự không bỏ lỡ nhiều thứ như vẫn nghĩ trước đó. Tôi đã học được rất nhiều điều sau khi từ bỏ Facebook.

Tôi không nhớ bạn bè của mình

Trong 14 năm sử dụng Facebook, tôi có khoảng 500 người bạn. Hầu hết là bạn học cũ mà tôi đã mất liên lạc. Trong đời thực, tôi thường xuyên nói chuyện với khoảng 20 người.

Dù xóa mạng xã hội này, tôi vẫn giữ liên lạc với những người bạn đó qua iMessage, Signal hay email. Chúng tôi cũng hay ăn tối hoặc đi xem phim cùng nhau.

Tôi vẫn có thể nghĩ đến người bạn trên Facebook Messenger, chúng tôi gởi email và trò chuyện với nhau. Dù nói chuyện ít hơn trước đây nhưng khi gặp nhau, chúng tôi vẫn thân thiết như cũ.

Và tôi cũng không bỏ lỡ việc tham dự một sự kiện được mời. Vì thế, tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp FOMO.

Tôi cũng không hoàn toàn bỏ lỡ thông tin trên Facebook như: những người thường xuyên đăng các câu đố trực tuyến, tin tức chính trị hay suy nghĩ của họ về những sự kiện lớn. Đôi lúc có những bài viết thú vị và hài hước, nhưng hầu hết là làm lãng phí thời gian.

Gần đây, tôi bắt đầu đọc nhiều sách hơn. Có lẽ là do tôi không còn dành thời gian và công sức trên Facebook nữa.

Quảng cáo không còn theo dõi tôi

Từ lâu, nhà quảng cáo đã nhắm mục tiêu vào người dùng thông qua các công cụ của Facebook. Chẳng hạn, bạn có thể thấy quảng cáo đồng hồ trên mạng xã hội này chỉ vì lỡ nhấn theo dõi fanpage Timex.

Khi duyệt trang web bên ngoài Facebook, mạng xã hội này vẫn có thể theo dõi hoạt động của bạn để giúp các thương hiệu nhắm chính xác mục tiêu. Ví dụ như, khi truy cập một trang web bán giày, bạn có thể thấy một quảng cáo tương tự khi đi đến một trang khác.

Mạng xã hội thường sử dụng nhiều cách khác nhau để thu thập thông tin của người dùng web. Một trong số đó là Pixel Facebook, đoạn mã có chức năng thông tin liên lạc mà các nhà quảng cáo có thể nhúng vào trang web của họ.

Nghĩa là, khi bạn có bất kỳ một hành vi nào khác trên trang web, Pixel Facebook sẽ gởi thông tin về thiết bị và hoạt động duyệt web cho công ty. Sau đó, Facebook có thể sử dụng dữ liệu này để giúp nhà quảng cáo nhắm mục tiêu vào bạn.

Khi xóa Facebook, tôi muốn tất cả mục tiêu quảng cáo đó biến mất. Do đó, tôi không chỉ xóa tài khoản mạng xã hội này, mà còn cài đặt ứng dụng theo dõi trên trình duyệt máy tính và thiết bị di động để ngăn các nhà quảng cáo sử dụng cookie từ web.

Dù vậy, nhà quảng cáo vẫn có thể theo dõi tôi bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng họ buộc phải từ bỏ vì lý do kinh tế.

Với công cụ của Facebook, điều này tương đối hợp lý và hiệu quả cho việc theo dõi và nhắm mục tiêu. Nhưng nếu không có những thứ đó, họ sẽ tốn kém rất nhiều. Michael Priem, giáo đốc điều hành Modern Impact, một công ty quảng cáo ở Minneapolis cho rằng “Bạn có thể trả giá đắt để theo đuổi họ”.

Chi tiêu của tôi đã giảm đi rất nhiều

Facebook thường bảo vệ quảng cáo nhắm mục tiêu bằng cách nói rằng người dùng internet cảm thấy khó chịu khi thấy những tin tức không liên quan. Tôi không đồng ý quan điểm trên. Dù quảng cáo bây giờ không liên quan đến mình, nhưng rõ ràng chi tiêu của tôi đã giảm rõ rệt.

Cách đây một năm, tôi nhớ lại việc mua sắm trên trang Taylor Stitch, một nhà bán lẻ quần áo nam. Tôi nhìn chiếc áo khoác và đóng lại cửa sổ khi quyết định không mua sản phẩm này.

Những tuần sau đó, một quảng cáo cho chiếc áo khoác trên đã xuất hiện trên Facebook, Instagram và các trang web khác. Bạn thử đoán xem điều gì đã xảy ra?

Tôi đã mua chiếc áo đó.

Sau khi xóa Facebook, tôi thường hủy bỏ các giao dịch trực tuyến khi tự hỏi: liệu mình có cần một chiếc áo kẻ sọc, chảo rán hay bình pha chế cocktail? Câu trả lời là không. Vì bây giờ, không gì có thể thay đổi được suy nghĩ của tôi và thẻ tín dụng vẫn còn nguyên.

Tôi dùng Mint, công cụ quản lý tài chính cá nhân qua thiết bị di động, để có thể được thông tin rõ ràng về số tiền tiết kiệm. Từ tháng 10/2018 đến giữa tháng 3/2019, tôi đã chi khoảng 341 USD cho quần áo và 1.100 USD để mua hàng trên Amazon.

Đây là sự sụt giảm đáng kẻ cho việc mua sắm trên internet trước khi tôi ngừng sử dụng Facebook. Từ tháng 10/2017 đến giữa tháng 3/2018, tôi đã chi 1.008 USD cho quần áo và 1.542 USD mua hàng trên Amazon.

Instagram nghĩ tôi là phụ nữ

Đây là những gì đã thay đổi khi tôi xóa Facebook

Trong nhiều năm, tôi đã thấy quảng cáo giày, cặp tài liệu và game dành cho nam giới trên tài khoản cá nhân của mình. Hiện tại, tôi nhận được quảng cáo các sản phẩm dành cho phụ nữ, chẳng hạn như đồ lót.

Tôi nghi ngờ rằng khi không có tài khoản Facebook, Instagram sẽ thiếu những thông tin kèm theo về việc tôi là ai và thích gì. Do đó, họ sẽ không có dữ liệu để đưa ra quảng cáo chính xác.

Vì tôi và vợ chưa cưới dùng chung tài khoản Instagram để đăng ảnh chú chó của mình, nên ứng dụng này đã nghĩ tôi là phụ nữ. (Instagram không yêu cầu mọi người chia sẻ giới tính của mình khi đăng ký tài khoản).

Điều này hơi kỳ lạ nhưng tôi không khó chịu. Thay vào đó, tôi thấy buồn cười vì những quảng cáo không liên quan. Ít nhất họ đã cho tôi ý tưởng về những món quà trong tương lai.

Theo New York Times

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo