Bài viết cung cấp thêm một số góc nhìn từ người trong và ngoài cuộc về các hoạt động ngầm trong mạng Dark Net, góc khuất tăm tối nhất của Internet.

Hôm 15/7/2015 tại thành phố Pittsburgh (Pennsylvania – Mỹ), Chưởng lý Liên bang Mỹ David J. Hickton đã thông báo về thắng lợi mới nhất của các cơ quan liên bang trong cuộc chiến chống tội phạm mạng. Ông nói: “Chúng tôi đã phá được một tổ ong bầu của bọn hacker tội phạm, nơi nhiều người đã tin rằng không thể thâm nhập được. Chúng tôi đang trong quá trình truy bắt và buộc tội những con ong này.”

Mạng bí ẩn Dark Net: miền Viễn Tây hoang dã của Internet

Sáng hôm sau, hơn 70 người trên khắp thế giới đã bị buộc tội, bị bắt hoặc khám xét trong một chiến dịch mà Bộ Tư pháp Mỹ gọi là “nỗ lực thực thi pháp luật phối hợp quốc tế lớn nhất từng có nhắm vào một diễn đàn tội phạm trên mạng.”

Sau cuộc điều tra quốc tế 18 tháng do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đứng đầu, được gọi là Chiến dịch Chân trời Che giấu (Shrouded Horizon), những hacker trên một trang mạng tên là Darkode đã bị buộc tội chuyển ngân lậu, rửa tiền và âm mưu lừa đảo thông qua máy tính. Những kẻ chuyên về máy tính này để lại dấu vết khắp nơi, trong đó có một thành viên thâm nhập được các công ty như Microsoft và Sony, và một thành viên khác xóa sạch dữ liệu của hơn 20 triệu nạn nhân.

Ông Hickton cho biết Darkode gây ra “một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tính toàn vẹn của dữ liệu máy tính ở Mỹ và trên khắp thế giới”. Những máy tính của trang mạng này được xem là “bất khả xâm phạm”, có thể tránh bị luật pháp đụng tới nhờ đặt các máy chủ ở hải ngoại – trong đó có một máy được truy dấu vết tới Seychelles, đảo quốc hẻo lánh ở Ấn Độ Dương.

Phó Giám đốc FBI Mark F. Giuliano nói: “Bọn tội phạm mạng không nên được có một nơi trú ẩn an toàn để lựa chọn các công cụ hành nghề của chúng, và Chiến dịch Chân trời Che giấu cho thấy chúng tôi sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình để triệt phá những hoạt động phi pháp của chúng.”

Tuy nhiên…

Chiến dịch này có thể xem là thành công trong tạm thời. Hai tuần sau, “Sp3cial1st” – quản trị viên chính của mạng Darkode, đăng một phát biểu trả đũa trên một trang mới – điều này càng cho thấy rõ nỗi vất vả của các cơ quan liên bang trong việc giữ gìn trật tự trị an cho Internet. Sp3cial1st viết: “Phần lớn thành viên vẫn bình an cùng với các thành viên cao cấp. Dường như các cuộc bố ráp tập trung vào những người mới gia nhập hoặc những người đã giải nghệ từ nhiều năm. Diễn đàn sẽ trở lại.” Hắn thề là tổ chức này sẽ tập hợp trở lại ở vùng sâu thẳm nhất, khó thâm nhập nhất trên mạng gọi là Dark Net – một nơi mà bất cứ ai, trong đó có giới tội phạm, có thể hoạt động gần như ẩn danh. Và Dark Net có thể không bao giờ bị phá bỏ – mà trớ trêu thay, nhờ các cơ quan liên bang đã tạo ra nó và vẫn đang tài trợ cho nó lớn mạnh.

Dark Net (đôi khi được gọi là Dark Web) vận hành trên trình duyệt Tor, phần mềm miễn phí che giấu vị trí và hoạt động của người lướt web. Ban đầu được Phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ thiết kế, Tor nhận được 60% tài trợ từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ để là một mạng lưới an toàn cho các cơ quan chính phủ cũng như những người bất đồng chính kiến chống lại các chế độ áp bức. Nó là một công cụ bảo vệ tính riêng tư đã được dùng cho các mục đích cả thiện lẫn ác.

Trong thập niên vừa qua, Tor đã giúp cho giới hoạt động biểu tình lan truyền tin tức trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập; nó đã giúp các nạn nhân bạo hành gia đình trốn tránh những kẻ rình rập trên mạng; và nó đã giúp thường dân lướt web mà không bị các hãng quảng cáo theo dõi. Nhưng đồng thời, Dark Net mà Tor tạo điều kiện để vận hành – đã trở thành nơi ẩn náu chính cho bọn tội phạm như Ross Ulbricht, sáng lập viên của mạng Silk Road (Con đường Tơ lụa) nay đã bị cầm tù; những hacker đứng sau các vụ tấn công gần đây vào trang mạng ngoại tình Ashley Madison; và nhóm quốc tế bị cơ quan liên bang triệt phá hồi tháng 7.

Là một công cụ cho cả giới hoạt động đấu tranh lẫn giới tội phạm, Tor trở thành một vấn nạn ngày càng nan giải cho các cơ quan thực thi pháp luật – gây khó khăn hơn cho trò may rủi gặp đâu đánh đó của những người cố gắng giữ trật tự cho vùng mất trật tự nhất của Internet. Và cuộc chiến về tương lai của Dark Net có thể quyết định số phận của tính riêng tư trên mạng ở Mỹ và ngoại quốc. Như ông Hickton phát biểu với tạp chí Rolling Stone, “Đó là miền Viễn Tây của Internet.”

Việc mua bán ma túy gần như không thể truy dấu vết được trên mạng Silk Road (Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ)

Việc mua bán ma túy gần như không thể truy dấu vết được trên mạng Silk Road (Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ)

Thử tưởng tượng mạng Internet như một núi băng trôi, phần lớn mọi người chỉ thấy Mạng Bề mặt (Surface Web) trên mặt nước: đó là Internet ta vẫn lướt hàng ngày, từ những tin tức tới đủ chuyện tầm phào và phim ảnh khiêu dâm mà chỉ gần gõ tìm trên Google là ra liền.

Nhưng lặn xuống dưới thì ta sẽ thấy Mạng Sâu thẳm (Deep Web) rộng mênh mông: toàn bộ những dữ liệu mà các trang mạng tìm kiếm không thể tìm ra, Mạng Sâu thẳm này lớn hơn nhiều so với Mạng Bề mặt. Mạng lưới Sâu thẳm này chuyển tải những lưu lượng truy cập Internet thường nhật khổng lồ, nhưng được cố ý giữ kín, gồm bất cứ thứ gì cần bảo mật như giao dịch ngân hàng trực tuyến, lưu trữ hồ sơ y khoa, hệ thống trả phí để sử dụng [paywall] (như Netflix), một trang mạng được bảo vệ bằng mật khẩu (như e-mail của ta) hoặc một trang mạng bắt buộc bạn phải tìm kiếm ở đó (giống như khi ta muốn tìm hồ sơ tòa án).

Mạng Sâu thẳm này hoàn toàn không có gì bất chính hay phi pháp, và theo một số ước tính có quy mô lớn gấp 500 lần so với Mạng Bề mặt, mạng của những trang quen thuộc như YouTube, Twitter và Tumblr. Dark Net ẩn náu trong Mạng Sâu thẳm vì những trang mạng ở đó cũng không bị các trang mạng tìm kiếm tìm ra. Nhưng điểm khác biệt lớn là ở chỗ: Dark Net gồm những người và những trang mạng muốn ẩn danh và, trừ phi bạn dùng trình duyệt Tor, gần như không thể tìm ra được.

Tor cho ta sử dụng Mạng Bề mặt, nhưng cũng cho ta lướt mạng Amazon và Silk Road. Dùng một trình duyệt thông thường như Firefox, ta có thể bị nhận dạng bằng địa chỉ Giao thức Internet (IP) của ta, tức là mã số có thể được truy dấu vết tới thiết bị cụ thể của ta. Nhưng trên Dark Net, vị trí của ta – và vị trí của những người giám sát các trang mạng mà ta tìm kiếm – được giấu kín. Phần lớn sử dụng Tor với những mục đích bảo vệ tính riêng tư hợp pháp. Thực vậy, theo Dự án Tor – tổ chức phi vụ lợi được chính phủ tài trợ chịu trách nhiệm duy trì trình duyệt này – việc lướt mạng Dark Net chỉ chiếm 3% trong lượng sử dụng Tor. (Và các hoạt động tội phạm chỉ là một phần nhỏ trong đó). Nhưng vì Dark Net dường như quá mờ ám và bí hiểm, nó đã trở nên quá đáng ngại trong trí tưởng tượng của công chúng, một kiểu vơ đũa cả nắm đáng sợ gộp chung mọi thứ kinh hoàng lẩn quất trên mạng: bọn khủng bố, bọn ấu dâm, bọn buôn bán ma túy, những hacker làm mướn.

Trong năm qua, một số phần tử đáng sợ này đã nổi lên. Hồi tháng 5, chính quyền liên bang kết án tù chung thân đối với Ulbricht, sáp lập viên của Silk Road – thị trường chợ đen trên mạng với doanh thu khoảng 200 triệu USD. Hồi tháng 8, một nhóm hacker đã tiết lộ trên Dark Net thông tin cá nhân của khoảng 36 triệu người sử dụng trang mạng ngoại tình Ashley Madison. Sau khi Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm về vụ nổ súng bên ngoài một cuộc thi biếm họa về Nhà Tiên tri Mohammed ở Texas hồi tháng 5, Dark Net là chỗ duy nhất bị đổ lỗi.

Michael B. Steinbach, phó giám đốc phụ trách chống khủng bố của FBI, nói với Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ rằng các công cụ mã hóa đã giúp những tên khủng bố như vậy có “một vùng tự do để chiêu mộ, biến thành kẻ cực đoan, âm mưu và lập kế hoạch”. Ông Steinbach cũng nói rằng nếu không có khả năng theo dõi sát sao bọn khủng bố trên mạng, “trong một số trường hợp chúng ta đã qua thời kỳ đi vào vùng u tối. Chúng ta hiện đang u tối.”

Ma túy bị tịch thu từ một người bán trên Dark Net ở Đức hồi tháng 3 (Ảnh: Polizei Sachsen)

Ma túy bị tịch thu từ một người bán trên Dark Net ở Đức hồi tháng 3/2015 (Ảnh: Polizei Sachsen)

Tuy đã có những chiến dịch đình đám triệt phá Darkode và Silk Road, Dark Net đang phát triển mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu hồi tháng 8 của các nhà nghiên cứu ở Đại học Carnegie Mellon, bọn tội phạm kiếm được khoảng 100 triệu Mỹ kim mỗi năm nhờ bán ma túy và các hàng lậu khác trên những trang mạng ẩn kín bằng cách dùng tiền ảo Bitcoin, loại tiền số hóa không cần thẻ tín dụng hay ngân hàng để xử lý giao dịch.

Các cơ quan liên bang không chỉ đang chống bọn xấu giỏi ẩn mình trên mạng, mà họ còn đang đương đầu với số lượng đông đảo thường dân đổ xô kiếm lợi ẩn danh trên mạng. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Carnegie Mellon kết luận, “Do có nhu cầu rất cao về các sản phẩm được bán, chưa rõ là các vụ triệt phá có sẽ hiệu quả hay không.”

Ross Ulbricht 
Ross Ulbricht – sáng lập viên của mạng Silk Road

Ước tính Ross Ulbricht – sáng lập viên của mạng Silk Road, kiếm được khoảng 20.000 USD mỗi ngày dù hoạt động trên máy ở các thư viện công cộng và tiệm cà phê, trong khi trang mạng này (bắt đầu hoạt động từ năm 2011) có doanh thu tổng cộng 1,2 tỉ Mỹ kim. Trích dẫn thông tin của các điều tra viên liên bang, New York Times cho biết trong gần 3 năm hoạt động của Silk Road, hơn 1,5 triệu giao dịch đã được thực hiện trên trang này, liên quan tới hơn 100.000 tài khoản người mua và gần 4.000 tài khoản người bán; vào lúc bị đóng, trang này niêm yết bán hơn 13.000 món ma túy. Khi bị bắt, Ross Ulbricht được cho là có tài sản khoảng 30 triệu Mỹ kim, nhưng không bằng tiền chính thức, mà toàn bằng tiền ảo Bitcoin.

Dù nhiều người nghĩ rằng phải cỡ hacker mới lướt mạng Dark Net được, nhưng chuyện mua bán hàng và dịch vụ phi pháp hóa ra dễ đến mức đáng ngạc nhiên. Nhấp chuột trên Tor là thấy nó giống như bất cứ trình duyệt nào – có thêm logo hình củ hành của nó – dù nó chạy chậm vì cách định tuyến phức tạp ở hậu trường. Thay vì có đuôi .com hay .org trong địa chỉ trang mạng, các trang mạng trên Dark Net có đuôi .onion và thường được gọi là các trang mạng onion (củ hành). Vì Google không dò tìm trên các trang mạng onion, ta cần dùng trang tìm kiếm thô sơ trên Dark Net và các danh mục như Hidden Wiki hay Onion Link.

Mạng bí ẩn Dark Net: miền Viễn Tây hoang dã của Internet

Các trang mạng chợ đen trên Dark Net rất giống bất cứ trang bán lẻ nào, ngoại trừ có những loại hàng ví dụ như thuốc an thần benzo, chất thức thần psychedelic, và súng AK-47 xài rồi, thay vì nồi niêu hay đồ trang trí bãi cỏ. Trên Silk Road 3, một trang không có liên hệ với trang mạng Silk Road nguyên thủy, ta có thể tìm theo loại, hoặc kéo chuột xuống để thấy hình ảnh và mô tả của những món bán chạy nhất: 1 gam cocaine 90% nguyên chất, gói 10 viên methylphenidate XL 18 mg (Concerta/Ritalin), vân vân. Người bán được cộng đồng xác thực và chấm điểm, giống như trên eBay và các trang mạng mua sắm khác.

Tuy lướt mạng Dark Net dường như khá dễ dàng, cơ quan thực thi pháp luật lại gặp khó khăn nhiều hơn trong việc triệt phá kẻ xấu chỉ vì một lý do đơn giản: Chính những công cụ giúp những đặc vụ của chính phủ và giới bất đồng chính kiến ẩn danh trên mạng cũng giúp bọn tội phạm gần như vô hình. Karen Friedman Agnifilo, phó chưởng lý khu vực Manhattan, một trong những người dẫn đầu cuộc chiến chống tội phạm trên mạng, nói: “Đây là hiện trường tội ác của thế kỷ 21, và những kẻ buôn lậu này tìm đủ mọi cách để che đậy dấu vết của chúng.”

Paul Syverson, một nhà toán học 57 tuổi ở Phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ, đã tạo ra Tor làm phương tiện cho người ta trao đổi thông tin một cách an toàn trên mạng. Mặc chiếc áo thun M.C. Escher, ngồi trong văn phòng bừa bộn của ông ở Washington, D.C., ông Syverson nói: “Lúc đó chúng tôi đương nhiên hiểu rằng kẻ xấu có thể dùng nó, nhưng mục tiêu của chúng tôi là có cái gì đó cho những người lương thiện muốn tự bảo vệ mình.”

Những người sáng tạo Tor: Syverson, (giữa, hàng cuối), Dingledine và Mathewson (trên cùng, từ bên trái). (Ảnh: Brennan Novak)
Những người sáng tạo Tor: Syverson, (giữa, hàng cuối), Dingledine và Mathewson (trên cùng, từ bên trái). (Ảnh: Brennan Novak)

Từ khi ra đời vào năm 1923, Phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ là cơ sở nghiên cứu và phát triển được kính trọng nhất của quân đội, phát minh đủ thứ từ radar tới GPS. Năm 1995, Syverson và các đồng nghiệp nghĩ ra một cách giúp cho việc trao đổi thông tin trên mạng càng an toàn càng tốt, mục đích là tạo ra một phương tiện để bất cứ ai – trong đó có các nhân viên và đặc vụ của chính phủ – cũng có thể chia sẻ thông tin mà không để lộ danh tánh hoặc vị trí của mình.

Với tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ, Syverson tuyển hai sinh viên đầu bù tóc rối tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Roger Dingledine và Nick Mathewson, để giúp hiện thực hóa ý tưởng của ông. Giống như Syverson, Dingledine – nhà hoạt động đấu tranh vì quyền riêng tư, người gốc Chapel Hill, North Carolina – thấy dự án này là cách để giúp mọi người tự bảo vệ trong thời đại bị theo dõi trên mạng. Dingledine đặt câu hỏi: “Làm sao chúng tôi có thể xây dựng được một hệ thống giúp bạn có quyền riêng tư trong khi các chính phủ lớn đang ráng hết sức theo dõi Internet sát sao. Đó quả thật là một vấn đề nghiên cứu khó.”

Để hiểu cách vấn đề này được giải quyết, thử hình dung một điệp viên đi xe lửa từ Paris sang Berlin. Nếu điệp viên này đi thẳng thì có thể dễ dàng bị theo dõi. Nhưng nếu anh ta đáp nhiều chuyến tàu qua nhiều thành phố – Paris tới Amsterdam, Amsterdam tới Madrid, Madrid tới Berlin – thì khó bị theo dấu hơn. Về căn bản đó chính là cách Syverson và nhóm của ông thiết kế giải pháp. Thay vì một điệp viên ở Paris trực tiếp truy cập một computer ở Berlin, anh ta sẽ được định tuyến qua một loạt các computer ngẫu nhiên, che giấu vị trí thực của anh ta. Họ gọi mạng lưới này Onion Routing (Định tuyến Củ hành), hàm ý là cách truy cập mạng này thực hiện qua nhiều lớp như các lớp vỏ củ hành.

Năm ngoái, Andrew Lewman, giám đốc điều hành của Dự án Tor, mô tả với BBC: “Tor Network là một mạng lưới gồm khoảng 6.000 điểm chuyển tiếp, đó là các máy chủ dàn trải trên khoảng 89 nước. Và công việc của chúng tôi là chuyển tiếp lưu lượng truy cập mạng qua 3 trong những điểm chuyển tiếp này theo một kiểu thứ tự ngẫu nhiên, sao cho vị trí thật của bạn trên thế giới khác với vị trí tưởng như là điểm xuất phát của bạn. Ví dụ bạn đang ngồi ở Anh đây, và mở trình duyệt Tor để lướt mạng. Bạn có thể dường như xuất hiện từ Nhật, Argentina, hay Mỹ.”

Mạng bí ẩn Dark Net: miền Viễn Tây hoang dã của Internet

Tuy nhiên, nếu chỉ có người trong quân đội sử dụng Tor, rõ ràng là lưu lượng truy cập mạng chỉ liên quan tới chính phủ. Syverson nói: “Chúng tôi muốn có một mạng lưới tải lưu lượng truy cập cho nhiều loại người sử dụng khác nhau, để ta không thể biết đây là một người thoát bệnh ung thư tìm thông tin hay là người của Hải quân.” Để làm được vậy, Syverson và nhóm của ông ra một quyết định mà ông gọi là “quan trọng cho tính an ninh của hệ thống”: Họ thiết kế Tor để cung cấp miễn phí trên mạng và dưới dạng nguồn mở, nghĩa là bất cứ ai trên thế giới cũng có thể đánh giá và cải tiến nó.

Mạng Tor không chỉ nhằm mục đích che giấu ai đang truy cập các trang mạng, mà nó còn được tạo ra để giúp các trang mạng có thể che giấu vị trí của các máy chủ duy trì trang mạng. Một trong những mục đích là cung cấp một kiểu hầm trú ẩn bí mật cho các trang mạng chính phủ, để nếu chúng bị tấn công, các đặc vụ của chính phủ có thể truy cập một phiên bản ẩn kín của trang mạng trực tuyến mà không bị hacker lần ra dấu vết. Đó là những trang mạng có đuôi .onion. Nhóm sáng tạo mạng Tor gọi chúng là các trang mạng “dịch vụ ẩn kín” (“hidden services”) – ngày nay, nó được gọi bằng cái tên giật gân hơn: Dark Net.

Năm 2003, phần mềm Tor được cung cấp công khai. Tin về trình duyệt này lan truyền trên các diễn đàn trong giới đấu tranh vì quyền riêng tư và giới nghiên cứu, và nó trở thành công cụ vững chắc và quan trọng nhất cho bất cứ ai muốn ẩn danh trên mạng. Giới nghiện và chuyên về máy tính, các đặc vụ của chính phủ và giới hoạt động đấu tranh lập nên một mạng lưới tự nguyện gồm nhiều điểm nối (node) định tuyến lưu lượng truy cập Tor một cách ẩn danh trên toàn thế giới. Chẳng mấy chốc, người ta đã có thể yên tâm lướt mạng Internet mà không bị theo dõi dấu vết – vô hình đối với bất cứ ai muốn biết họ là ai, họ đi tới đâu hoặc họ định làm gì.

Nima Fatemi từng dùng Tor để loan tin về cuộc nổi dậy ở Iran và nay là người đi đầu cổ xúy cho trình duyệt này (Ảnh: Mariel Iezzoni)
Nima Fatemi từng dùng Tor để loan tin về cuộc nổi dậy ở Iran và nay là người đi đầu cổ xúy cho trình duyệt này (Ảnh: Mariel Iezzoni)

Những người sớm sử dụng Tor không phải là tội phạm mà là những người bất đồng chính kiến. Một trong số họ là Nima Fatemi, một thanh niên Iran 27 tuổi góp phần lớn trong việc truyền bá Tor – giúp nhiều người khác trên khắp thế giới dùng phần mềm này để chống lại các chế độ áp bức. Anh nói với cây bút David Kushner của tạp chí Rolling Stone: “Chúng tôi cần một thứ khác để kết nối Internet cho an toàn. Tôi đã tìm được Tor và nghĩ rằng ‘Đây chính là công cụ.’ Rất an tâm.”

Vào mùa hè năm 2009 ở Tehran, Fatemi bị cảnh sát chống bạo động rượt chạy thục mạng sau khi anh chụp ảnh một cuộc biểu tình. Anh thoát nhờ chạy được vào sân sau của một nhà và được gia đình đó che chở. Anh kể: “Tôi thấy đó là bổn phận vì quá nhiều người bên ngoài Iran không hề biết rằng chúng tôi đang biểu tình. TV nhà nước chỉ chiếu ảnh chụp hoa lá này nọ thôi.”

Ở một số nơi trên thế giới, hoạt động đấu tranh trên mạng xã hội là việc nguy hiểm. Gần đây, một blogger ở Brazil bị chặt đầu, và một blogger khác ở Bangladesh bị chém chết bằng mã tấu. Ở Iran, blogger Soheil Arabi bị Tối cao Pháp viện kết án treo cổ vì “xúc phạm Đấng Tiên tri Mohammed” trong các bài đăng trên Facebook. (Án của anh sau đó được giảm xuống còn hai năm bắt buộc học thần học, nhưng anh đang thụ án 7 năm rưỡi vì tội xúc phạm Lãnh tụ Tối cao.) Năm nay, chỉ riêng ở Bangladesh đã có bốn blogger thế tục bị giết.

Tới trước lúc suýt bị bắt, Fatemi đã tải lên những bức ảnh được sử dụng trên Facebook và Twitter để loan tin mới nhất về việc chính quyền Iran đàn áp giới bất đồng chính kiến. Do bị theo dõi sát sao hơn, anh chuyển sang dùng Tor để tiếp tục hoạt động ẩn danh – và để giúp chính mình và bạn hoạt động đấu tranh của mình tránh bị cầm tù. Fatemi đã tổ chức các hội thảo riêng ở Iran, dạy cho bạn bè và gia đình cách dùng phần mềm này và qua đó củng cố mạng này, vì nhiều người sử dụng hơn có nghĩa là có thêm nhiều điểm nối để chuyển tiếp và che giấu lưu lượng truy cập mạng. Anh nói: “Chúng tôi truyền bá công cụ này ở khắp nơi.”

Trong thập niên sau khi phần mềm Tor được công bố, Tor đã lan truyền nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi của chính phủ Mỹ và đi vào cộng đồng hoạt động đấu tranh. Điều này được thúc đẩy một phần nhờ Electronic Frontier Foundation (Sáng hội Biên giới Điện tử, EFF), tổ chức đấu tranh vì các quyền kỹ thuật số trước đây đã tài trợ và hiện nay vẫn cổ xúy Tor là công cụ mạnh để đấu tranh vì dân chủ.

Jacob Appelbaum, nhà hoạt động đấu tranh nổi tiếng đã làm việc sát sao với Edward Snowden và Julian Assange, gọi nó là “phản kháng việc theo dõi”. Bằng cách dùng Tor thay cho một trình duyệt khác, giới phản kháng và giới ký giả có thể đăng nhập vào Twitter hoặc vào các diễn đàn trao đổi (chat room) bất đồng chính kiến và giảm đáng kể rủi ro bị theo dõi bởi một chính quyền có thể tống giam họ hoặc có hành động tệ hại hơn. Jeremy Gillula, nhân viên kỹ thuật của EFF, nói: “Có những nước mà chỉ cần vào đọc một trang mạng chính trị về dân chủ là đủ để ta bị bỏ tù. Chính vì lý do sống còn đó mà Tor cần tồn tại.”

Trong biến cố Mùa xuân Ả Rập, Tor đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc biểu tình trên khắp Trung Đông. Nasser Weddady, một nhà hoạt động đấu tranh 39 tuổi người Mỹ gốc Mauritania, sống ở Mỹ và bắt đầu truyền bá trình duyệt ngầm này – trở thành một trong những nhà bất đồng trên mạng xã hội có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn nổi dậy này. Anh nói: “Không thể truy cập được Twitter hay Facebook ở một số nơi như vậy nếu ta không có Tor. Bỗng nhiên những nhà bất đồng này xuất hiện, và thế là ta có ngay một cuộc cách mạng.”

Khi Dự án Tor vẫn chủ yếu nhận tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ, Mathewson và Dingledine đã để cho phần mềm và cộng đồng phát triển. Với Mathewson, việc Tor tiếp tục lan truyền trong giới hoạt động đấu tranh trên khắp thế giới đã vượt quá mơ ước của anh. Anh nhớ lại: “Tôi cứ nhận được email từ nhiều người nói ‘Tôi đoan chắc là phần mềm của anh đã cứu mạng tôi. Tôi đáp ‘Tôi rất mừng là anh còn sống, nhưng tôi chỉ là người xưa nay viết phần mềm – Tôi hy vọng mình không làm hỏng gì!”

Vào ngày 27/1/2011, Ross Ulbricht, dùng biệt hiệu Altoid, thông báo mở trang mạng chợ đen đầu tiên để khai thác những khả năng che giấu của Dark Net. Giả danh là một khách hàng, hắn viết trên diễn đàn ma túy Shroomery.org, “Tôi tình cờ tìm được trang mạng gọi là Silk Road. Đó là một dịch vụ ẩn kín Tor tuyên bố là cho phép ta mua và bán ẩn danh trên mạng bất cứ thứ gì.”

Ulbricht, từng là chủ trang Dread Pirate Roberts, là người đầu tiên khai thác tiềm năng của Tor để phát triển một kiểu làm ăn phi pháp mới. Đó là một ý tưởng mới mẻ, chứ chẳng phải kỳ công kỹ thuật gì. Ulbricht, hay bất cứ ai có một trang mạng phi pháp, chỉ cần lập nó trên mạng ẩn Tor. Như vậy không chỉ khiến khó tìm ra ai làm chủ địa chỉ trang mạng đó, mà còn khó biết ai truy cập trang đó. Nhưng Ulbricht còn đi xa hơn bằng cách dùng Bitcoin để các giao dịch sau đó cũng khó bị truy dấu vết.

Tới mùa hè năm 2011, tin về Dark Net đã tới tai báo chí và giới chính khách. Trong một cuộc họp báo vào tháng 7 về Silk Road, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, đại diện tiểu bang New York, lên án những kẻ mua bán ma túy “giấu tông tích của mình bằng một chương trình giúp chúng gần như không thể bị truy dấu vết”, và kêu gọi Cơ quan Chống Ma túy (DEA) truy lùng chúng. Tạp chí Time gọi Dark Net là “nơi trú ẩn của bọn tội phạm … nơi nương náu trên mạng của ma túy, phim ảnh khiêu dâm và nạn sát nhân”. Tờ Daily Mail cảnh báo rằng “thuê kẻ giết mướn chưa bao giờ dễ hơn bây giờ”.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động đấu tranh trong cộng đồng Tor bực mình khi nghe từ “Dark Net”. Theo họ, các trang mạng tội phạm chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong lưu lượng truy cập các trang có đuôi .onion. Họ cho rằng thiên hạ quá chú ý vào hoạt động phi pháp nên đã không nhận ra mục đích tổng thể của Tor. Mathewson than: “Tôi không bận tâm lắm về thuật ngữ ‘Dark Net’. Tôi nghĩ nó là do báo chí nghĩ ra.”

Bất luận nó được gọi là gì đi nữa, những cơ quan uy quyền vẫn xem Dark Net là chuyện đáng quan tâm. Theo một tiết lộ của Edward Snowden vào tháng 10/2013, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), trong một bài thuyết trình tuyệt mật năm 2012, đã xem Tor là một mối đe dọa. Một slide của NSA có tít: “Tor quá tởm”. “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể phát giác tông tích của tất cả những người sử dụng Tor [mà] chỉ có thể phát giác một phần rất nhỏ.” (Khi được tạp chí Rolling Stone liên hệ, NSA từ chối bình luận.) Trong một tiết lộ khác của Snowden, cơ quan tình báo Vương quốc Anh, Government Communications Headquarters, đã xem tiềm năng của Tor cho đấu tranh dân chủ là “những mục đích sử dụng chính đáng giả mạo” mà các mục đích này lu mờ nếu so với “những kẻ xấu” thống lĩnh Dark Net.

Vì vậy, các cơ quan thực thi pháp luật bắt đầu tìm những cách mới để thâm nhập Dark Net. Hồi tháng, cảnh sát quốc tế Interpol tổ chức đợt huấn luyện đầu tiên trong lịch sử của mình về “nhận diện các phương pháp và chiến lược được các mạng lưới và cá nhân tội phạm có tổ chức dùng để tránh bị phát giác trên Dark Net”. Trong cùng tháng đó, Giám đốc FBI James Comey giải thích với Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ về tình cảnh của FBI trong việc theo dõi các thông tin liên lạc được mã hóa. Ông nói: “Những công cụ mà chúng tôi được yêu cầu sử dụng đang ngày càng kém hữu hiệu.”

Nhưng theo các email được tiết lộ trên mạng gần đây, có ít nhất một công ty bảo đảm có giải pháp: Hacking Team, một hãng phần mềm ở Milan chuyên trang bị cho các chính phủ cách chống bọn tội phạm, những nhà hoạt động đấu tranh và những người bất đồng trên Dark Net. Như tổng giám đốc David Vincenzetti của Hacking Team viết cho những người trong danh sách email riêng tư của mình sau phát biểu của Comey: “Dark Net có thể bị vô hiệu hóa/giải mật hoàn toàn. Có công nghệ phù hợp để làm được chuyện này … Cứ trông cậy vào chúng tôi.”

Mạng bí ẩn Dark Net: miền Viễn Tây hoang dã của Internet

Những email này nằm trong số các thông tin bị rò rỉ hồi tháng 7 khi một người tấn công vô danh thâm nhập cơ sở dữ liệu nội bộ của Hacking Team. Chúng tiết lộ rằng FBI đã chi tiêu gần 775.000 Mỹ kim cho phần mềm và các dịch vụ của Hacking Team, trong đó có các công cụ mà theo lời của Vincenzetti là đã nhắm cụ thể tới bọn tội phạm trên Dark Net. Trong một e-mail hồi tháng 9, một nhân viên FBI muốn biết liệu phiên bản mới nhất của phần mềm gián điệp (spyware) của Hacking Team vẫn có thể “tiết lộ địa chỉ IP thực của đối tượng sử dụng Tor hay không… . Nếu không, làm ơn giúp chúng tôi cách đánh bại Tor … Cảm ơn!” (Khi được liên hệ, FBI nói không bình luận về các công cụ và kỹ thuật cụ thể.)

Dĩ nhiên, chuyện một bộ phận của chính phủ Mỹ đang cố gắng giải mã bí mật được một bộ phận khác tài trợ nghe thật điên rồ, lãng phí và giả dối. Khi David Kushner của tạp chí Rolling Stone hỏi Syverson ông nghĩ sao về chuyện chính phủ cố gắng phá Tor, ông từ chối bình luận, nói rằng chuyện đó nằm ngoài phạm vi công việc của ông. Tuy nhiên, Mathewson tỏ vẻ không bận tâm lắm về tình huống có vẻ kỳ cục này. Ông mỉa mai: “Nào phải người ta đang bị những đặc vụ ảo theo dõi. Hẳn là chúng ta hình như luôn giả định là NSA cố gắng giải mã tất cả các mật mã mới đáng để ý.”

Eric Rabe, phát ngôn viên của Hacking Team, không chịu khẳng định hay bác bỏ việc FBI sử dụng công cụ của hãng. Nhưng ông không ngại quảng bá cho phần mềm của hãng, nói rằng phần mềm này giúp khách hàng thấy được bất cứ hành động nào mà một đối tượng đang làm trên máy tính hay thiết bị di động, trong đó có lướt mạng Dark Net. Nếu rơi vào tay kẻ bất lương, một công cụ như vậy có thể được dùng để thâm nhập hoặc nhiễm độc máy của nạn nhân. Và thị trường cho sản phẩm này mới bắt đầu lớn mạnh, do các cơ quan chính quyền cố gắng phá Tor, công cụ mà ông Rabe gọi là “cửa chính để bước vào Dark Web”. Ông nói: “Rõ ràng, Tor được sử dụng rất phổ biến cho hoạt động tội phạm. Tôi nghĩ là ngay cả những nhà hoạt động đấu tranh nhân quyền kiên định nhất cũng không nói rằng điều đó không đúng.”

Nhưng phần lớn những nhà hoạt động đấu tranh xem cuộc chiến của chính phủ chống lại Dark Net như sự tuyên truyền về nạn nghiện cần sa, một cuộc tấn công sai lầm nhắm vào một điều đang ngày càng có nguy cơ biến mất: quyền riêng tư và sự ẩn danh trên mạng. Dingledine nói với David Kushner: “Có nhiều chính phủ trên thế giới đang tìm cách ngăn cản không cho người dân truy cập những trang mạng này.” Khi David Kushner hỏi những cơ quan chính phủ nào đang tìm cách phá Tor, anh nhún vai và đáp: “Câu trả lời đơn giản là ‘Tôi không biết’. Và điều đó hết sức đáng ngại.”

Dan Kaufman, trưởng ban sáng tạo ở Cơ quan Các Dự án Nghiên cứu Cao cấp Quốc phòng (DARPA) – nhánh nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Mỹ – trước đây là nhà thiết kế trò chơi điện tử, nhưng bỏ nghề để theo nghiệp chống bọn tội phạm trên đời thực. Trong một phòng họp tắt đèn ở trụ sở tuềnh toàng của DARPA ở Arlington, Virgina, hồi tháng 6, ông bật một màn hình lớn có độ phân giải cao để trình bày cho David Kushner thấy cách DARPA đang tìm cách thắng trong trò chơi căn bản trên mạng: cảnh sát và kẻ cướp trong thời đại kỹ thuật số.

Để minh họa, ông lôi ra một mẩu quảng cáo cho một gái gọi tên là Cherry. Trong bức ảnh, cô gầy gò, gốc Châu Á, và trông như 19 tuổi nhưng có thể đang trong độ tuổi 30. Phần mô tả cho biết cô cao 1,63 mét, tóc nâu xõa ngang vai, và không xăm mình hay xỏ khuyên gì cả. Cherry là một nạn nhân của nạn buôn người, cô là một trong khoảng 600.000 tới 800.000 người bị đưa qua các biên giới quốc tế mỗi năm, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây là ngành tội phạm phát triển nhanh nhất thế giới, kiếm lợi hàng năm lên đến gần 100 tỉ USD.

Và cũng như các loại hình làm ăn phi pháp khác – như ma túy và vũ khí – ngành này đã chuyển từ đường phố sang những ngóc ngách ẩn kín của Internet: các diễn đàn ẩn danh, những cuộc nói chuyện được mã hóa, các dịch vụ thuê bao và những trang mạng khác mà các công cụ tìm kiếm thông tin không thể định vị được. Vấn nạn này khiến DARPA nảy ra ý nghĩ phải ra tay hành động.

Họ đã tạo ra Memex: một công cụ tìm kiếm vận hành trên Deep Web và Dark Net. Memex có thể lùng sục rà soát mạng ẩn kín, tìm ra các trang mạng và lưu trữ dữ liệu để về sau có thể lục tìm được, như ta tìm kiếm trên Mạng Bề mặt bằng Google. Đó là vũ khí mới nhất và quan trọng nhất cho giới điều tra trên mạng, tiêu biểu cho một giai đoạn mới trong cuộc xung đột mà có thể phơi bày mạng Internet ẩn kín ở mức độ xưa nay chưa từng thấy. Như ông Kaufman trình bày với David Kushner, chỉ với địa chỉ email của Cherry và một cú nhấp chuột, Memex phô bày một ma trận gồm những đầu mối thông tin có liên quan: các số điện thoại, các địa chỉ tiệm mát-xa, những bức ảnh liên quan tới các mẩu quảng cáo trên mạng của cô ta.

Mạng bí ẩn Dark Net: miền Viễn Tây hoang dã của Internet

Memex là sản phẩm trí tuệ của tiến sĩ Christopher White, một cựu giám đốc chương trình của DARPA. Chỉ mới 33 tuổi, White đã vinh dự là viên chức cao cấp của DARPA ở Afghanistan, và trong vài năm qua đã chú ý tới Dark Net. Niềm cảm hứng của anh xuất phát từ những lần tham quan các cơ quan thực thi pháp luật và thấy họ dường như không được chuẩn bị đầy đủ để chống tội phạm trên mạng. Anh nói: “Họ dùng Google và Bing trong công việc của mình. Những thứ mà họ tìm kiếm đâu có trên mạng nếu dùng các công cụ đó – chúng nằm ở mạng Dark Net sâu hơn.”

Các cơ quan chính phủ và thực thi pháp luật nay phối hợp chặt chẽ với DARPA để hiệu chỉnh Memex cho thích ứng với nhu cầu của họ, và cũng đang nghiên cứu sử dụng nó để phát hiện những kẻ chiêu mộ ISIS ẩn mình trên mạng. Công nghệ này là một phần của ngành đang bùng nổ dựa trên nhu cầu chế ngự Dark Net. Các hãng gọi là hãng “thông tin về mối đe dọa” (“threat intelligence”) – chẳng hạn như iSight Partners, mà tờ The New York Times so sánh với “các trinh sát quân sự” – cung cấp dịch vụ với chi phí có thể lên tới 500.000 USD cho các khách hàng như ngân hàng và cơ quan chính phủ để lùng sục trên Dark Net tìm những hacker tiềm tàng. Theo hãng nghiên cứu công nghệ Gartner, tới năm 2017 thị trường này có thể đạt giá trị 1 tỉ USD.

Nhưng liệu việc phơi này Dark Net rốt cuộc có thể triệt tiêu nơi cuối cùng còn lại cho sự riêng tư trên Internet hay không? Giới đấu tranh vì quyền tự do trên mạng hy vọng rằng Memex sẽ không có cùng ảnh hưởng đối với những người sử dụng Dark Net vì các mục đích hợp pháp. Một blogger về an ninh mạng gần đây viết trên mạng: “Memex có thể là một công cụ lý thú và rất mạnh, nhưng cũng như bất cứ công cụ nào khác, nó có thể được dùng cho việc thiện lẫn việc ác. Cũng chính công nghệ đó rất có thể được dùng để xâm phạm quyền riêng tư và theo dõi dòng chảy của các dữ liệu chính đáng và riêng tư.”

Kaufman – gần đây đã rời DARPA để trở thành phó giám đốc nhóm Dự án và Công nghệ Cao cấp của Google, nói: “Quyền riêng tư là vấn đề rất lớn.” Memex có những hạn chế cố hữu, nó chỉ có thể lùng sục các nội dung được công khai trên Deep Web và Dark Net – những trang mạng không được bảo vệ bằng mật khẩu hay hệ thống trả phí để sử dụng (paywall). Điều này hạn chế khả năng của Memex trong việc triệt phá một trang mạng Darkode (cần mật khẩu cho người sử dụng). Memex sẽ không tiêu diệt được Dark Net – nhưng sẽ khiến nó bị phơi bày nhiều hơn với cơ quan thực thi pháp luật. Kaufman nói: “Tôi nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có minh bạch.”

Hồi cuối tháng 8, những quản trị viên của trang mạng chợ đen Agora, một trong những tụ điểm lớn nhất để mua ma túy sau khi Silk Road bị triệt phá, đưa lên diễn đàn DarkNetMarkets trên mạng xã hội Reddit một lời cảnh báo. Họ viết: “Gần đây nghiên cứu đã làm sáng tỏ về những nhược điểm trong giao thức Dịch vụ Ẩn kín Tor mà có thể góp phần phát giác tông tích của các vị trí máy chủ.”

Dường như họ nhắc tới một nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT); nghiên cứu này cho là đã phát hiện những điểm yếu quan trọng trong Tor giúp cho các nhà nghiên cứu phá được tính ẩn danh của người sử dụng. Các quản trị viên của Agora viết tiếp: “Gần đây chúng tôi đã phát hiện hoạt động đáng ngờ xung quanh các máy chủ của chúng tôi, khiến chúng tôi tin rằng một số trong những cuộc tấn công được mô tả trong cuộc nghiên cứu đó có thể đang diễn ra.” Và để an toàn, họ tạm thời rút trang mạng khỏi Dark Net cho tới khi tìm ra giải pháp. Tính tới thời điểm tạp chí Rolling Stone viết bài về Dark Net, trang Agora vẫn còn ngoại tuyến (offline).

Hiện thời, những người phòng chống Dark Net có lý do để ăn mừng. Tuy cựu thành viên diễn đàn Darkode khoác lác là sẽ tái xuất trên Dark Net, vẫn chưa thấy chúng đâu cả (dù điều này không có nghĩa là chúng không có ở đó) – và đã có những lời nhận tội đầu tiên của những người sử dụng. Eric “Phastman” Crocker, một thanh niên 29 tuổi ở Binghamton, New York, gần đây đã nhận tội vi phạm luật chống thư rác sau khi bị bắt vì tội bán phần mềm độc hại (malware). Hắn sẽ bị kết án vào ngày 23/11, và có thể bị án tới ba năm tù và phạt 250.000 USD.

Nhưng khi các cơ quan liên bang hân hoan đếm các thắng lợi của mình, những người cần ẩn danh vẫn đang đấu tranh vì mạng sống của mình. Hồi tháng 8, Tối cao Pháp viện của Saudi Arabia đã quyết định xem xét lại trường hợp gây tranh cãi của Raif Badawi, một blogger bị kết án 10 năm tù và bị đánh 1.000 roi, sau khi bị bắt hồi tháng 6/2012 vì tội chỉ trích giới giáo sĩ của vương quốc này. Badawi, người sau đó đã giành Giải Pinter của Hội Văn bút Quốc tế (PEN), là hiện thân của tầm quan trọng của sự ẩn danh và quyền tự do trên mạng – được trở thành hiện thực nhờ chính phần mềm làm nền vận hành cho Dark Net.

Mạnh dạn ủng hộ Tor, Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren đại diện cho tiểu bang California nằm trong số ít các nghị sĩ tin rằng các cơ quan liên bang không nên quên mục đích ban đầu của phần mềm này. Bà nói: “Tor đã được tạo ra với tài trợ của chính phủ Mỹ để cổ xúy tự do. Đó là lý do tại sao chúng ta ủng hộ sáng tạo Tor và vẫn là lý do cốt lõi tại sao Tor tồn tại.”

Khi cuộc chiến về Dark Net vẫn tiếp diễn, phần mềm Tor lại càng phổ biến với các trang mạng chủ lưu. Hiện nay Facebook có phiên bản trang mạng với đuôi .onion trên Tor cho những ai muốn cảm thấy ít bị theo dõi hơn. Hồi tháng 6, phát biểu tại một sự kiện của EPIC, một tổ chức phi vụ lợi về quyền riêng tư và các quyền tự do dân sự, tổng giám đốc Apple – Tim Cook phê phán các nỗ lực của chính phủ nhằm phá mã của các thiết bị tiêu dùng cá nhân. Ông nói: “Tháo gỡ hoàn toàn các công cụ mã hóa khỏi các sản phẩm của chúng tôi – như một số người ở Washington muốn chúng tôi làm – chỉ làm hại cho các công dân tuân thủ pháp luật, những người trông cậy vào chúng tôi để bảo vệ dữ liệu của họ. Những kẻ xấu vẫn sẽ mã hóa, chuyện đó dễ làm và có sẵn công cụ để làm.”

Mathewson tiên đoán rằng những trình duyệt khác như Firefox sẽ lồng Tor vào tính năng hoạt động của mình, và ông hy vọng rằng sự riêng tư sẽ trở thành “một phương thức giao tiếp mặc định trên Internet” trong vòng 5 năm. Nhưng cuộc rượt đuổi lòng vòng chắc chắn sẽ tiếp tục. Dù có những nhà hoạt động đấu tranh dùng các công cụ này để cải thiện thế giới, cũng sẽ có những tội phạm dùng cùng những công cụ này để lợi dụng nó – và giới thực thi pháp luật vẫn săn lùng chúng. Chưởng lý Mỹ David J. Hickton nói: “Tôi cũng quan ngại về các quyền riêng tư như bất cứ ai, nhưng không lẽ quý vị muốn chúng tôi không làm gì cả?”

Nguồn: Phạm Vũ Lửa Hạ

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo