Xem nhanh
Chế độ dark mode được các hãng công nghệ và nhà phát triển ứng dụng quảng cáo giúp tiết kiệm pin cho thiết bị, giảm mỏi mắt và dễ ngủ hơn. Tuy nhiên nhiều người dùng đang tỏ ra hoài nghi về tính chính xác của những lợi ích này.
Dark mode là giao diện thay đổi nền trắng tiêu chuẩn trên màn hình thành nền đen. Tùy chọn này tương tự như việc đeo kính râm giữa trời nắng, giúp bảo vệ mắt đỡ bị ánh sáng chói lóa chiếu vào. Nhiều lập trình viên vẫn lựa chọn giao diện này khi cần viết code vào đêm khuya.
Hiện nay chế độ dark mode đang dần trở nên phổ biến trên mọi thiết bị, ứng dụng và cả hệ điều hành. Tính năng này không những thu hút người dùng vì được quảng cáo có lợi cho mắt, tiết kiệm pin mà còn vì yếu tố thẩm mỹ. Thiết kế của chế độ dark mode trên một số ứng dụng được đánh giá đẹp hơn giao diện chuẩn. Thế nhưng giao diện này có thực sự tốt như quảng cáo?
Dark mode giúp giảm mỏi mắt
Hiện nay mỗi ngày có hàng tá loại màn hình liên tục xuất hiện trước mắt chúng ta, từ trong nhà đến văn phòng, thậm chỉ cả chiếc điện thoại trên tay. Trong danh sách những điều đáng lưu ý khi Internet trở nên ngày càng phổ biến thì ảnh hưởng đến thị lực không được nhiều người quan tâm lắm.
Tuy nhiên đây lại là một vấn đề nghiêm trọng.
Nghiên cứu năm 2018 về hội chứng thị lực máy tính (computer vision syndrome) hay còn gọi là căng mắt kỹ thuật số (digital eye strain – DES) cho thấy có hơn 50% người dùng máy tính bị tình trạng này.
Nguyên nhân căng mắt là do chúng ta ít chớp mắt hơn bình thường. Mỗi người sẽ chớp mắt trung bình 15 lần/phút, nhưng khi tập trung nhìn vào màn hình máy tính chúng ta chỉ chớp mắt khoảng 3,6 lần/phút khiến mắt bị khô, dẫn đến đau đầu và mờ mắt.
Bất kỳ giải pháp nào cho tình trạng này đều được xem như một “phương thuốc thần kỳ”. Một số hãng công nghệ, nhà phát triển phần mềm đã triển khai chế độ tối trên hầu hết thiết bị và ứng dụng, đồng thời tuyên bố dark mode có thể giúp giảm tình trạng mỏi mắt. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học lại cho rằng điều này không có căn cứ.
Anna Cox, Giáo sư về Tương tác giữa Người và Máy tính tại University College London (UCL) nói: “Chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chữ trắng trên nền đen khiến đỡ mỏi mắt”.
Thực tế khi bạn nhìn vào màn hình lại có nhiều yếu tố khác xung quanh tác động. Trong môi trường thiếu sáng, ánh sáng xung quanh chủ yếu phát ra từ màn hình, mắt sẽ nhạy cảm bởi độ chói của màn hình hơn. Aneesha Singh, Giáo sư về Tương tác giữa Người và Máy tính tại UCL cho biết: “Trong một căn phòng thiếu sáng, màu tối hơn của dark mode sẽ đỡ chói mắt và khiến mọi người có xu hướng sử dụng ứng dụng lâu hơn. Ngược lại, trong môi trường ánh sáng tốt, màn hình tối sẽ buộc mắt bạn phải hoạt động nhiều hơn”.
Nếu bạn đang lo lắng vì mắt bị khô và mỏi, hãy sử dụng nước mắt nhân tạo, hoặc đầu tư vào màn hình nhám cho thiết bị của mình. Ngoài ra, bạn có thể điều chỉnh độ tương phản màn hình, hoặc cân đối các nguồn sáng xung quanh cho phù hợp. Ví dụ, ánh sáng chói từ trên cao phản chiếu vào màn hình sẽ khiến mắt phải hoạt động nhiều hơn; đặt màn hình thiết bị ở ngang hoặc dưới tầm mắt, tránh liên tục ngước lên cao khiến mắt nhanh khô và mỏi hơn bình thường.
Tất nhiên, cách tốt nhất để bảo vệ mắt là không sử dụng máy tính. Hoặc bạn có thể áp dụng thử mẹo 20-20-20 của Mayo Clinic: sau mỗi 20 phút nhìn vào máy tính thì hãy hướng tầm mắt ra xa 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây.
Dark mode làm cho văn bản dễ học hơn
Theo Cox, khi xét một văn bản có dễ đọc hay không thì độ tương phản giữa văn bản và nền quan trọng hơn màu sắc. Nếu độ tương phản giống nhau giữa chế độ bình thường và dark mode thì sẽ không có gì khác biệt giữa hai giao diện, thậm chí việc quen với cách đọc chữ đen trên nền trắng sẽ khiến mắt và não bạn đỡ căng thẳng hơn.
Kết quả nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Cosima Piepenbrock và Susanne Mayr năm 2013 cho thấy mọi người sẽ đọc nhanh, chính xác và phát hiện lỗi chính tả hiệu quả hơn trong điều kiện chữ đen trên nền trắng. Thực tế khi chúng ta nhìn vào nền sáng, đồng tử mắt co lại, nhạy bén hơn và ngược lại. Mayr cho rằng những hiệu ứng này có thể bị đảo ngược ở người cao tuổi, nhưng điều khó hiểu là tại sao mọi người lại thích sử dụng thiết bị ở giao diện dark mode hơn, dù hiệu quả và tốc độ đọc chậm hơn so với bình thường?
Dark mode kéo dài tuổi thọ pin
Tuy có một số bằng chứng rõ ràng cho thấy chế độ dark mode giúp tiết kiệm pin, nhưng tính năng này lại phụ thuộc nhiều vào loại màn hình thiết bị. Với màn hình OLED giao diện tối thật sự giúp tiết kiệm pin hiệu quả, vì mỗi điểm ảnh trên màn hình sẽ hoạt động riêng biệt, tức là khi màn hình ở chế độ dark mode, điểm ảnh sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nhưng với màn hình LCD cũ thì khác, điểm ảnh luôn cần năng lượng, kể cả khi hiển thị màu đen.
Trước đây, toàn bộ smartphone đều sử dụng màn hình LCD. iPhone X là điện thoại đầu tiên được trang bị màn hình OLED, hiện tại một số dòng điện thoại cao cấp đã bắt đầu chuyển dần sang công nghệ mới này. Giao diện dark mode chỉ thực sự có thể tiết kiệm pin với những dòng máy có màn hình OLED. Theo báo cáo từ iFixit, một chiếc điện thoại Android hiển thị ảnh chụp màn hình ứng dụng Google Maps ở chế độ dark mode sẽ tiết kiệm pin hơn 63% so với chế độ thường.
Dark mode tăng sự tập trung và giảm phân tâm
Khi ra mắt chế độ tối trên hệ điều hành Mojave, Apple đã hứa hẹn về một môi trường làm việc không bị phân tâm và dễ chịu cho mắt. Nhưng thực tế chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dark mode làm dịu mắt và mang lại sự tập trung cho người dùng. Theo hai nhà nghiên cứu Aneesha Singh và Anna Cox, màu nền sáng khiến mọi người tập trung hiệu quả hơn vào công việc, họ phủ nhận tuyên bố dark mode giúp giảm sự phân tâm.
Có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự tập trung của con người là môi trường xung quanh (khi điện thoại reo hoặc ai đó hét vào tai bạn) và não bộ (tự động xuất hiện những khoảnh khắc cũ từ nhiều năm trước). Vấn đề là yếu tố bên ngoài không biến mất khi thay đổi màu sắc xung quanh, còn não thì không bị tác động khi mắt bạn nhìn vào ánh sáng tối.
Tuy nhiên, có một số giả thuyết ủng hộ việc dark mode giúp tăng sự tập trung. Màn hình nhấp nháy có thể khiến người dùng bị phân tâm. Nilli Lavie – Giáo sư Tâm lý học tại UCL chuyên về các cơ chế thần kinh của sự chú ý, phân tâm và nhận thức thị giác – đã thử nghiệm việc màn hình nháy sáng (được gây ra bởi tốc độ làm tươi màu màn hình) trong một nghiên cứu. Kết quả cho thấy não bộ phản ứng với ánh sáng lập lòe ở xung quanh, ngay cả khi bạn không cảm nhận được điều đó. Lavie cho biết phông nền đen sẽ giúp loại bỏ hiện tượng màn hình nháy sáng và khiến não bớt bị phân tâm vào hiệu ứng màn hình.
Mạng xã hội Twitter nhận thấy người dùng sử dụng ứng dụng này nhiều hơn khi bật chế độ dark mode. Nguyên nhân không phải vì họ tập trung hơn, mà vì chế độ này khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn, nhất là khi đang tắt đèn chuẩn bị ngủ. Trái với những tuyên bố đã đưa ra trước đó, dark mode thực sự không được thiết kế để giúp mọi người tập trung và bớt mỏi mắt, mà chỉ đơn giản là giữ người dùng ở lại với ứng dụng lâu hơn.
Dark mode giúp đi ngủ đúng giờ hơn
Nhiều giả thuyết cho rằng ánh sáng xanh là kẻ thù số một của mắt. Phổ màu này làm bộ máy thúc đẩy giấc ngủ bị xáo trộn, khiến não trở nên tỉnh táo hơn và dẫn đến khó ngủ. Trong một nghiên cứu được công bố năm ngoái, các nhà khoa học đã tuyên bố ánh sáng xanh gây thoái hóa điểm vàng ở mắt, góp phần khiến mắt bị suy giảm thị lực. Tuy nhiên kết quả này đã bị Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ phủ nhận vì phương pháp nghiên cứu chưa hợp lý và không lấy tế bào từ mắt.
“iPad và màn hình LED có thể tạo ra ánh sáng xanh với số lượng lớn, ảnh hưởng tới hormone điều hòa giấc ngủ melatonin và nhịp sinh học. Điều này có thể được cải thiện bằng chế độ dark mode chuẩn – không sử dụng đèn LED trong nền (tức là khi màn hình hiển thị màu đen thì điểm ảnh bị vô hiệu hóa hoàn toàn). Càn có nhiều nghiên cứu hơn vì công nghệ này vẫn còn mới”, Singh cho biết.
Dù sao đi nữa, cách tốt nhất để bảo vệ mắt và giảm căng thẳng là giới hạn thời gian sử dụng thiết bị trong 1-2 giờ trước khi đi ngủ.
Theo Wired