Obi Worldphone là thương hiệu non trẻ, chỉ mới ra mắt 3 mẫu smartphone song cũng sớm gây chú ý bởi thiết kế lạ mắt hơn các nhãn hàng khác.

Đánh giá Obi Worldphone MV1: hiệu năng tạm, thiết kế gây tò mò

Tính đúng ra thì Obi Worldphone MV1 mà Techsign.in có dịp trải nghiệm là mẫu smartphone thứ tư của thương hiệu đến từ nước Mỹ này, song về thực chất MV1 phiên bản thứ 3 hầu như chỉ khác biệt về cấu hình chip và chạy Android của Google, còn bản mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam với dung lượng RAM 2GB (gấp đôi bản trước) thì chạy hệ điều hành Cyanogen OS 12.1.1 (tùy biến từ Android 5.1)

Thiết kế

Obi Worldphone MV1 có một vẻ bề ngoài được xem là lai tạo giữa 2 người tiền nhiệm là Obi SF1 và Obi SJ1.5, với chữ viết MV là Mountain View. Máy có thiết kế phần đầu với cạnh bằng, trong khi phần đáy là cạnh bo cong (giống Obi SJ1.5), phần mặt kính màn hình được nhô lên so với thân máy và bao quanh bằng đường viền cũng bo cong cả 4 cạnh (như Obi SF1). Thiết kế này giúp cho MV1 trở nên khác biệt như 2 người tiền nhiệm, kết hợp với lớp sơn đen phủ đường viền và mặt sau tạo cho máy một vẻ đẹp cuốn hút.

Dù vậy phần viền màn hình của Obi MV1 là khá dầy, tuy việc này sẽ giúp tránh được việc vô tình chạm ngón tay vào, nhưng thiết kế này có phần hơi ngược xu hướng viền mỏng hiện nay, thêm vào đó phía cạnh dưới phần rìa màn hình không được Obi tận dụng bằng nút điều hướng, mà 3 phím này được đưa thằng vào bên trong màn hình, việc choán chỗ này thấy rõ nhất là khi xem các trang web bằng trình duyệt.

Obi MV1 bố trí phím nguồn và âm lượng ở cạnh phải, jack microUSB ở cạnh dưới và jack âm thanh 3.5mm ở cạnh trên, bố trí này là phù hợp với người thường dùng tay trái để cầm điện thoại. Ở mặt sau máy có camera, đèn LED Flash và loa ngoài, Obi MV1 bố trí khe cắm 2 SIM chuẩn Micro và khay thẻ MicroSD nằm đằng sau miếng nhựa, pin có thể tháo rời dễ dàng (cần tháo ra để cắm SIM, thẻ nhớ)

Trải nghiệm

Được trang bị màn hình 5 inch IPS độ phân giải HD (1280 x 720p), Obi MV1 hiển thị hình ảnh trong và chi tiết, máy cũng tự động tăng độ sáng khi phát hiện đang ở dưới nguồn sáng mạnh để đảm bảo vẫn đọc được nội dung rõ ràng. Máy sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 212, đây là một con chip dành cho các smartphone, tablet phổ thông (trang bị trên Lumia 650) nên thực sự không kỳ vọng nhiều ở hiệu năng.

Song điểm đáng giá ở Obi Worldphone MV1 là việc tích hợp bộ nhớ RAM 2GB và sử dụng Cyanogen – hệ điều hành được biết đến với tính ổn định và tốc độ nhờ việc tối ưu tốt các ứng dụng, loại bỏ những chương trình cài đặt sẵn thường thấy (bloatware), đây cũng là hệ điều hành đã “cứu sống” lại nhiều chiếc smartphone cũ (vốn còn không được nhà sản xuất hỗ trợ nâng cấp mới) có thể sống tiếp và vẫn hoạt động hiệu quả.

Tuy dùng Cyanogen, nhưng Obi MV1 vẫn giữ lại những tinh túy giao diện của mình như các đàn anh trước đó, vẫn là màn hình mở khóa hình tròn đẹp mắt, các icon vẫn giữ kiểu dáng vừa cong vừa vuông cạnh (như kiểu dáng chiếc điện thoại). Nhìn chung trong quá trình sử dụng, Techsign.in nhận thấy MV1 hầu như không gây ra hiện tượng lag, chậm khi mở ứng dụng, mở trình duyệt, chuyển sang ứng dụng khác, thao tác gọi điện, nhắn tin, mở trang web, xem video YouTube có độ trễ rất thấp. Thử dùng ứng dụng CPU-Z kiểm tra thì máy còn trống hơn 1GB RAM, khá đủ dùng cho các ứng dụng.

Điểm GeekBench và thông tin từ CPU-Z

Nhưng khi thử với tựa game Angry Birds 2, Obi MV1 đã cho thấy sự ì ạch đáng kể. Dù rằng trong quá trình chơi game, techsign.in vẫn thấy hình ảnh mượt mà, các chuyển động không giật lag, nhưng ở quá trình tải game ban đầu cũng như chuyển vòng thì lại khá chậm.

Thử đo điểm benchmark bằng Geekbench 3, MV1 đạt số điểm xử lý đơn lõi (Single-Core) ở mức 335, số điểm này hoàn toàn phản ánh đúng thực tế con chip Snapdragon 212 vốn được thiết kế để hoàn thành các ứng dụng giải trí cơ bản như nghe nhạc, xem phim.

Camera

Obi Worldphone MV1 dùng camera sau có số ‘chấm’ là 8 megapixels, khẩu độ f/2.2, giao diện của chương trình camera khá đơn giản với các nút điều chỉnh to, hỗ trợ chụp nhiều kích thước hình ảnh, chụp nhận diện khuôn mặt, có thể thay đổi ISO, cách phơi sáng, chống rung, quay video độ phân giải tối đa 720p, quay tốc độ cao, chuyển động chậm (60FPS).

Màn hình tùy chỉnh cho camera của Obi Worldphone MV1

Nhìn chung ứng dụng chụp ảnh của MV1 phù hợp với người mới biết chụp ảnh cũng như người thường xuyên dùng máy ảnh trên điện thoại để sáng tác.

Dưới đây là ảnh chụp từ Obi Worldphone MV1

Ảnh chụp từ Obi Worldphone MV1
Ảnh chụp vật thể với nguồn sáng từ bóng đèn LED
Ảnh chụp từ Obi Worldphone MV1
Ảnh chụp trong môi trường rất tối

Ở cả hai trường hợp trên, ảnh chụp từ Obi MW1 cho độ màu hơi đậm hơn so với thực tế, khả năng bắt nét của máy cũng không được nhanh. Techsign.in sẽ tiếp tục chụp và cập nhật vào bài viết này.

Thời lượng sử dụng với viên pin 2.500mAh của Obi MW1 là khá tốt, thử nghiệm cho thấy ở điều kiện dùng thông thường với việc lướt web, Facebook, đọc và trả lời email (dùng kết nối WiFi), chụp ảnh, máy cho thời lượng sử dụng hơn 10 giờ. Trong quá trình sử dụng máy có ấm nhẹ ở phần mặt lưng nhưng nhiệt độ không quá cao.

Lời kết

Hơn phiên bản Obi MW1 dùng 1GB RAM và chạy Android là 500 ngàn, phiên bản Obi MW1 dùng Cyanogen là một lựa chọn hợp lý khi bạn cần một chiếc smartphone lạ mắt, thích chụp ảnh cũng như hay lên mạng xã hội, xem video.

Góc quảng cáo