Kết quả 92% người dùng 3G đồng ý tăng cước có từ đâu ra? Ảnh minh họa.
Kết quả 92% người dùng 3G đồng ý tăng cước có từ đâu ra? Ảnh minh họa.

Sau công bố kết quả khảo sát “chỉ có 8% người dùng dịch vụ 3G phản đối việc nhà mạng tăng giá cước”, GFK đã nhận được sự phản đối gay gắt từ người dùng.

Đây là kết quả đưa ra dựa trên nghiên cứu 576 mẫu người dùng dịch vụ 3G ở 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng do GFK và Báo Bưu điện Việt Nam tiến hành từ tháng 11/2014 đến tháng 1/2015.

Theo báo cáo mới được công bố ngày 23/4/2015, trong dự án nghiên cứu, GFK đã đưa ra câu hỏi đánh giá về mức cước 3G hiện tại và thái độ của người dùng với giả định là nhà mạng sẽ tăng giá cước 3G. Kết quả, hầu hết các mẫu khảo sát đều cho rằng mức giá 3G hiện tại là chấp nhận được (60%) và chất lượng nhận được tương ứng với số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra.

Chỉ có 8% khách hàng tham gia khảo sát tuyên bố không chấp nhận nếu các nhà cung cấp tăng giá cước dịch vụ 3G. Nếu việc tăng giá xảy ra thì 82% cho rằng ở mức tăng dưới 5% sẽ ít ảnh hưởng đến hành vi của họ, có nghĩa là họ chấp nhận được việc tăng giá dưới 5%. Nếu tăng 5% – 10% so với mức giá hiện tại, 59% khách hàng có thể tìm gói cước rẻ hơn nhưng không thay đổi nhà cung cấp. Nhưng nếu giá tăng trên 10% thì 47% người dùng cho rằng họ sẽ đi tìm nhà cung cấp dịch vụ 3G khác.

Với kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng có tới 92% người dùng “đồng ý” với giả định nhà mạng sẽ tăng giá cước 3G là một kết quả thiếu chính xác, phi thực tế. Rằng GFK đã đặt câu hỏi “gài bẫy” người trả lời để có kết quả sai lệch, có lợi cho các nhà mạng nhằm mục đích tăng cước dịch vụ 3G trong tương lai.

Ngay lập tức trên một số diễn đàn mạng xã hội đã lập ra topic khảo sát độc lập về việc liệu người dùng 3G có vui vẻ chấp nhận việc nhà mạng tăng giá cước 3G như GFK vừa công bố hay không nhằm phản bác lại kết quả do GFK mới đưa ra.

Vậy GFK đã đặt câu hỏi phỏng vấn người dùng 3G thế nào để có kết quả này? Bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện GFK cho biết, bản câu hỏi mà GFK thiết kế đặt ra cho những người được khảo sát là: “Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?”. Phần trả lời tương ứng là: Dưới 5%; từ 5-10%; từ 10-20%; trên 30% và Không đồng ý tăng”.

Khi trả lời phỏng vấn, người được hỏi sẽ chọn lựa một trong các mục trả lời trên đây và kết quả cuối cùng chỉ có 8% người được hỏi chọn mục ‘Không đồng ý tăng”. Ở phần các mục khác, mặc dù chấp nhận tăng giá ở mức độ cho phép nhưng người được hỏi đều cho rằng nhà mạng phải đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ 3G.

Bà Bảo Trân còn nói: “Nếu bản phỏng vấn chỉ đưa ra hai lựa chọn: Đồng ý tăng và không đồng ý tăng, chắc chắn sẽ có rất nhiều người chọn lựa câu trả lời là “không”. Bản thân tôi cũng không đồng ý việc tăng giá. Nhưng câu hỏi phỏng vấn đã đưa ra cho người được hỏi nhiều cơ hội chọn lựa mức tăng giá khác nhau nên nhiều người vẫn chọn ô đồng ý tăng giá, nhưng chỉ ở trong mức độ họ chấp nhận được.

“Kết quả này có được từ một khảo sát được làm theo đúng phương pháp nghiên cứu trong 576 mẫu. Tuy kết quả này chưa thể đại diện cho ý kiến của tất cả người dùng 3G, nhưng chúng tôi khẳng định đã thực hiện đúng phương pháp, khách quan và phản ánh đúng ý kiến của người được hỏi”, bà Bảo Trân nói.

Phát biểu về kết quả của dự án nghiên cứu này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết: “Bản thân tôi rất tin tưởng vào phương pháp nghiên cứu do GFK thực hiện”. Song Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định, tất cả các cuộc nghiên cứu về thị trường viễn thông, Internet trước đây, kể cả do trong nước hay do quốc tế thực hiện đều cho kết quả một cách tương đối, chưa thể phản ánh được toàn bộ thị trường. Thậm chí với mỗi dự án nghiên cứu lại cho một kết quả không khác nhau về cùng một dịch vụ. Do đó, kết quả do GFK mới đưa ra chỉ đại diện cho ý kiến của 1 tập khách hàng, không thể đại diện cho hơn 100 triệu người dùng di động Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định, các kết quả nghiên cứu thái độ và hành vi người dùng nói chung đều là kênh thông tin hữu ích giúp cơ quan nhà nước tham khảo về hành vi người dùng, là kênh cho doanh nghiệp tham khảo để đo độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ mình cung cấp.

AICM – Techsignin (Theo: ictnews)
Tiêu đề được đặt lại theo Techsignin

Góc quảng cáo