Nếu không có gì thay đổi, Úc sắp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các trang tin tức, nhà xuất bản với những nội dung đăng tải trên các nền tảng Internet, kể cả trong mục tìm kiếm. Nghị viện Úc sẽ xem xét dự luật từ tuần này.

Facebook và Google đang đấu tranh quyết liệt chống lại dự luật mới của chính phủ Úc, trong đó bắt buộc các ‘gã khổng lồ kỹ thuật số’ phải trả phí cho các hãng tin nội địa để sử dụng tin tức, bài viết, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Dự luật này là một trong những nỗ lực của chính phủ Úc trong cuộc chiến chống độc quyền với các ‘gã khổng lồ truyền thông Mỹ’, nhằm bảo vệ bảo vệ các hãng báo chí chính thống.

Trên thực tế, Google, Facebook và các nền tảng trực tuyến khác đang trở thành nơi mà mọi người tìm kiếm tin tức, thay vì các trang web riêng của trang báo địa phương. Các nhà xuất bản Úc đang rất vất vả để đàm phán thù lao, sau nhiều cuộc thương thảo không mang lại kết quả khả quan, các nhà lập pháp quyết định vào cuộc để cân bằng vấn đề này.

Hơn hai năm qua, chính phủ Úc đã không ngừng xem xét và thảo luận để điều chỉnh cân bằng mối quan hệ giữa những hãng công nghệ lớn với và các hãng tin tức bản địa.

Cuộc chiến chưa hồi kết giữa chính phủ Úc với hai hãng công nghệ Facebook, Google

Theo Bloomberg, dự luật được đề xuất từ tháng 8 năm ngoái và đang chờ được Quốc hội Úc phê duyệt. Nếu được thông qua thì các hãng công nghệ phải chi trả tiền cho những đơn vị báo chí trong vòng 3 tháng, sẽ có một cơ quan của chính phủ giám sát và quyết định nếu hai bên không thống nhất được mức phí. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ Úc nhằm bảo vệ các hãng báo chí chính thống trước sự “xâm lược” của những công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Facebook vừa tuyên bố từ hôm nay (18/2) sẽ không đăng tin tức báo chí Úc trên nền tảng mạng xã hội. Đây được xem là động thái phản ứng dự luật yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho báo chí. Ngoài ra, Facebook còn cho biết sẽ hạn chế người dùng ở những khu vực ngoài nước Úc chia sẻ bài báo, liên kết từ những trang tin của nước này.

Đáp lại, Paul Fletcher, Bộ trưởng truyền thông Úc, tuyên bố: “Facebook cần cân nhắc thật kỹ về hậu quả của hành động này vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín và cả bộ mặt của công ty. Phía Facebook đã tuyên bố trên nền tảng của mình sẽ không có bất kỳ tin tức nào từ các cơ quan báo chí có hệ thống kiểm chứng thông tin, và có quy trình biên tập rõ ràng. Điều đó có nghĩa là bất kỳ thông tin nào xuất hiện trên nền tảng của Facebook đều không xuất phát từ các nguồn đáng tin cậy”.

Đại diện Facebook cho rằng dự luật của chính phủ Úc gây hiểu lầm cơ bản về quan hệ giữa các nền tảng truyền thông với những hãng tin tức, báo chí. Ngoài ra, phía ‘gã khổng lồ mạng xã hội’ cũng nhấn mạnh những lợi ích thu được từ hoạt động chia sẻ tin tức rất ít, chỉ khoảng 4%.

Cuộc chiến chưa hồi kết giữa chính phủ Úc với hai hãng công nghệ Facebook, Google

Hôm 22/1, Google cũng đe dọa sẽ xóa công cụ tìm kiếm của mình khỏi Úc nếu dự luật mới được thông qua, buộc họ phải đàm phán và trả phí nội dung cho các hãng truyền thông tin tức. Đại diện công ty nói rằng điều này sẽ ‘thiết lập tiền lệ bất khả xâm phạm cho Google và nền kinh tế kỹ thuật số’. Google đã cố gắng thuyết phục người dùng rằng mình chỉ là nạn nhân và chính phủ Úc đã buộc hãng phải rời đi.

Ngay sau đó, Thủ tướng Australia – Scott Morrison – đã lên tiếng bác bỏ ‘đe dọa’ của Google, đồng thời bày tỏ động thái cứng rắn của chính phủ, kiên quyết bắt buộc Google, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác phải trả phí sử dụng tin tức cho các tổ chức truyền thông nội địa.

Theo Bloomberg, hành động này (nếu có xảy ra) sẽ là một sai lầm của ‘gã khổng lồ tìm kiếm’ vì không chỉ khiến hãng mất 17 tỷ USD doanh thu hàng năm mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ‘gã khổng lồ tìm kiếm’ còn thử nghiệm gián đoạn lưu lượng truy cập vào các trang web tin tức của Úc.

Vài ngày trước, Google vừa đề xuất trả tiền cho các nhà xuất bản thông qua sản phẩm News Showcase của hãng. Theo đó, ‘gã khổng lồ tìm kiếm’ sẽ trả tiền cho các công ty truyền thông với những nội dung tuyển chọn, thay vì bị ràng buộc bởi luật pháp.

Google đang trong quá trình đàm phán và ký kết với một số nhà xuất bản lớn của Úc, gồm News Corp, Nine Entertainment và Seven West Media để trả tiền bản quyền nội dung. Trong đó, Seven West Media đã đồng ý cung cấp tin tức cho Showcase dưới hình thức hợp tác lâu dài.

Quốc hội Úc sẽ xem xét dự luật mới từ tuần này. Vì thế hai gã khổng lồ truyền thông đang đàm phán và thương thảo về các điều khoản chi trả trước khi dự luật được thông qua.

Trước đó đã có rất nhiều kịch bản vẽ ra viễn cảnh nếu Google rút lui khỏi Úc. Đầu tháng 2, Microsoft thậm chí còn lên tiếng ủng hộ và khẳng định sẽ không rời bỏ nước này như cách Google đang làm. Trên thực tế, Google và Facebook đang đối mặt với rất nhiều vụ kiện độc quyền trên toàn cầu và đang là đối tượng chịu sự giám sát của các cơ quan chống độc quyền ở Mỹ và châu Âu.

Dự luật mới của Úc dự kiến áp dụng trước với Google Search và News Feed của Facebook. Về sau, nếu những nền tảng số khác gây sức ép và có hiện tượng bất bình đẳng thì sẽ được xem xét bổ sung sau. Rõ ràng, chính phủ Úc đang tỏ ra khá cứng rắn trong cuộc chiến chống độc quyền với hai ‘gã khổng lồ truyền thông Mỹ’.


Bạn nghĩ sao về hành động của Facebook và Google? Mời để lại ý kiến ở phần bình luận nhé.

Góc quảng cáo