Nhân viên của Google đã cùng nhau ký tên vào bản kiến nghị, yêu cầu công ty dừng phát triển dự án Dragonfly ở Trung Quốc.
Tổ chức phi chính phủ Amnesty International đã phát động một chiến dịch kêu gọi nhân viên của Google cùng đứng lên phản đối công ty phát triển dịch vụ tìm kiếm cho Trung Quốc. Đây là chương trình thu thập chữ ký online để kháng nghị lại Dragonfly – một dự án gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.
Tháng 8/2018, dự án Dragonfly gặp phải sự phản đối từ nội bộ công ty khi thông tin về kế hoạch này bị rò rỉ trong một bản báo cáo của trang The Intercept. Cụ thể, công cụ sẽ giám sát mạnh mẽ các từ khóa như “quyền con người”, “cuộc biểu tình của sinh viên” từ kết quả tìm kiếm.
Bên cạnh đó, nền tảng này còn cung cấp thông tin cá nhân của người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Với mục tiêu được nhắm tới là các đối tượng hoạt động chính trị và truyền thông.
Hành động này khiến cho nhân viên của Google lo ngại rằng việc phát triển công cụ Dragonfly sẽ vi phạm các nguyên tắc về đạo đức. “Chúng tôi là nhân viên của Google. Chúng tôi tham gia vào Amnesty International nhằm kêu gọi công ty hủy bỏ dự án Dragonfly. Một công cụ tìm kiếm hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ Trung Quốc.”
Đây không phải là lần đầu tiên gã khổng lồ tìm kiếm gặp sự phản đối từ chính nhân viên của mình. Trước đó, 1.400 nhân viên của hãng đã ký vào một bức thư lưu hành nội bộ, yêu cầu Google cần minh bạch hơn trong các kế hoạch có liên quan đến dự án Dragonfly.
Nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đã chỉ trích gay gắt động thái này của Google. Họ cho rằng công ty tiếp tay với Bắc Kinh trong việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ hành động vi phạm đạo đức và quyền con người.
Đáp lại vấn đề trên, phát ngôn viên của Google cho biết công ty đã đầu tư rất nhiều để giúp người dùng đang sử dụng hệ điều hành Android tại Trung Quốc. Từ việc phát triển ứng dụng dành cho thiết bị di động như Google Translate, Files Go, đến những phần mềm hỗ trợ lập trình viên.
Nhưng công cụ tìm kiếm của hãng chỉ mới dừng lại ở bước phát triển. Do đó, sẽ mất một thời gian khá lâu nữa dịch vụ này mới có thể ra mắt ở Đại lục.
CEO Sundar Pichai đã ra sức bào chữa cho hành động này, ông nói rằng mọi người không nên phát xét một công cụ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ông nhấn mạnh “Chúng tôi vẫn chưa có ý định tung ra một sản phẩm tìm kiếm nào ở Trung Quốc.”
Theo Business Insider