Apple đang có kế hoạch sử dụng con chip tự sản xuất trên các máy tính Mac từ năm 2020, thay thế sản phẩm của Intel hiện nay.

Apple 'chia tay' Intel, dùng chip tự sản xuất cho máy Mac tương lai

Con chip mang tên mã Kalamata vẫn đang trong quá trình phát triển ban đầu, nhưng sẽ đóng vai trò trong kế hoạch lớn của Apple nhằm giúp các thiết bị của hãng (gồm máy tính Mac, iPhone, iPad) hoạt động đồng bộ với nhau hơn.

Kế hoạch này là một tin không vui đối với Intel, đơn vị sản xuất chip hàng đầu thế giới đang là đối tác lớn của Apple. Theo các chuyên gia phân tích của Bloomberg, Apple đóng góp khoảng 5% doanh thu hàng năm của Intel. Thông tin trên khiến giá cổ phiếu Intel lập tức mất 9,2%, mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 2 năm qua.

Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng Apple phải trì hoãn kế hoạch trên hoặc từ bỏ hoàn toàn. Cả Apple lẫn Intel đều từ chối bình luận về thông tin trên.

Hiện tại, chip Intel trên máy Mac là một trong số thành phần xử lý chính không do Apple sản xuất mà sử dụng trên thiết bị của hãng. Tất cả iPhone, iPad, Apple Watch, Apple TV đều sử dụng bộ xử lý chính do Apple thiết kế, dựa trên công nghệ từ Arm Holding Plc. Việc dùng chip tự sản xuất sẽ giúp Apple chủ động trong việc ra mắt các mẫu máy mới theo ý, thay vì phụ thuộc vào lộ trình sản xuất của Intel.

“Tôi cho rằng Apple đang tìm cách tích hợp sâu hơn giữa phần cứng và phần mềm và họ rõ ràng đã có động thái khi muốn đồng bộ iOS và macOS”, chuyên gia phân tích Shannon Cross tại công ty nghiên cứu Cross Research nhận định.

Việc chuyển đổi đồng thời giúp công ty có trụ sở tại Cupertino này nhanh chóng mang các tính năng mới lên toàn bộ sản phẩm của mình và bỏ xa các đối thủ. Sử dụng chip “nhà làm” biến Apple thành nhà sản xuất PC duy nhất sử dụng bộ xử lý cộp mác mình. Các hãng lớn khác như Dell, HP, Lenovo, Asustek… đều sử dụng chip Intel.

Việc sử dụng chip tự thiết kế cũng tăng tính đồng bộ giữa phần cứng, phần mềm, mang tới cơ hội cải thiện thời lượng pin cho thiết bị, một minh chứng đã rõ trên iPad.

Trong khi kế hoạch thay thế bộ xử lý sớm nhất bắt đầu từ năm 2020, việc thay đổi trong phần mềm sẽ bắt đầu từ trước đó. Cả iPhone, iPad đều chạy hệ điều hành iOS, trong khi Mac – với chip Intel bên trong, sử dụng một nền tảng khác có tên macOS.

Và để máy Mac hoạt động tương thích với iPhone hơn, Apple đang phát triển nền tảng phần mềm mới, cho phép người dùng chạy các ứng dụng cho iPhone, iPad trên máy Mac.

Công ty cũng ra mắt các máy Mac sử dụng bộ vi xử lý phụ dựa trên nền ARM, có thể chạy nền tảng giống với iOS nhằm mục đích bảo mật. Apple dự định đưa con chip đó vào phiên bản Mac Pro mới sẽ ra mắt vào năm sau và vào máy tính xách tay Mac trong năm nay.

Intel thống trị thị trường vi xử lý máy tính đã hơn một thập kỷ và đối thủ duy nhất hiện nay là Advanced Micro Devices. Hãng cũng là đơn vị thiết kế, chế tạo các chip model cho iPhone để máy bắt được mạng di động, thực hiện cuộc gọi. Còn Apple, hãng tụt phía sau danh sách các đơn vị kinh doanh máy tính nếu tính số lượng máy bán ra, nhưng xếp thứ ba khi so doanh số năm ngoái nhờ cái mác cao cấp.

Theo chuyên gia Kevin Cassidy (công ty Stifel Nicolaus & Co), quyết định của Apple không gây ảnh hưởng to lớn gì tới Intel bởi doanh thu từ hãng chỉ chiếm một phần nhỏ. Thứ đáng lo hơn là động thái của Táo Khuyết có thể “kéo cò” tạo xu hướng cho các nhà sản xuất máy tính lớn hơn làm điều tương tự.

Thiết kế chip hiện nay của Apple giúp hãng có được những thiết bị di động mỏng và nhẹ. Nhiều khả năng Apple sẽ tiến hành việc thay chip trên các máy laptop trước khi thay đổi thiết kế của các mẫu máy để bàn.

Theo: Blooomberg

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo