Công nghệ Deepfake đang phát triển nhanh chóng, dần dần ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội theo cách mà mọi người không lường trước được.

Tháng trước, trong loạt phim tài liệu đình đám The Last Dance của ESPN, State Farm có trình chiếu một đoạn quảng cáo thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Đoạn quảng cáo diễn cảnh quay từ năm 1998, trong đó một chuyên gia phân tích của ESPN đã đưa ra một số dự đoán chính xác về những điều sẽ xảy ra trong năm 2020.

Tuy nhiên, đoạn clip này lại không phải thật mà được tạo ra bằng AI (trí tuệ nhân tạo). Khi biết điều này, nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên và thích thú. Nhưng trên thực tế, đây lại là một vấn đề nguy hiểm và rất đáng lo ngại.

Công nghệ deepfake từng bước thâm nhập vào đời sống và gây ra hậu quả khó lường

Đoạn quảng cáo của State Farm là ví dụ đơn giản về công nghệ Deepfake – một hiện tượng mới, khá nghiêm trọng và nguy hiểm trong lĩnh vực AI. Với công nghệ này, bất kỳ ai có máy tính kết nối Internet đều có thể tạo ra hình ảnh, giọng nói và cả những video trông như thật, dù thực sự người đó không hề thực hiện hành động như vậy.

Với sự kết hợp giữa công nghệ học sâu (deep learning) và sự giả mạo (fake), công nghệ Deepfake bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2017, được sáng tạo bởi thuật toán GAN – một phương pháp học sâu mới nghiên cứu vào thời điểm đó.

Một số video Deepfake phát tán gần đây thu hút hàng triệu người xem, ví dụ: cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng những lời thô tục để nói về Tổng thống Donald Trump, Mark Zuckerberg thừa nhận mục tiêu của Facebook là thao túng và khai thác thông tin người dùng… Những đoạn video này đã phần nào cho thấy sự nguy hiểm của công nghệ Deepfake.

Nghiêm trọng hơn, những nội dung Deepfake đang xuất hiện ngày càng nhiều và gia tăng với tốc độ chóng mặt trên mạng Internet. Theo thống kê của Deeptrace, tính đến đầu năm 2019, có 7.964 video Deepfake xuất hiện trực tuyến. Chỉ sau 9 tháng, con số này đã tăng lên đến 14.678 và tất nhiên vẫn tiếp tục tăng một cách nhanh chóng.

Công nghệ Deepfake là gì?

Deepfake là một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo. Công nghệ này kết hợp và đặt chồng lên hình ảnh và video hiện hữu có lên hình ảnh hoặc video nguồn bằng cách sử dụng kỹ thuật machine learning được gọi là GAN (mạng đối nghịch chung). Deepfake được phát minh năm 2014 bởi chuyên gia Ian Goodfellow, trong quá trình ông nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Montreal, một trong những viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới.

Trước khi thuật toán GAN ra đời, các mạng lưới thần kinh (neural network) đã có thể phân loại nội dung hiện có, hiểu lời nói hoặc nhận diện khuôn mặt, nhưng chưa thể tạo ra những nội dung mới. Thuật toán GAN đã giúp các mạng lưới thần kinh hiểu và tạo ra nội dung.

Hiện tại, công nghệ Deepfake vẫn chưa phát triển đến mức hoàn hảo, nếu nhìn kỹ người dùng vẫn có thể xác thực được những nội dung đó là thật hay giả. Tuy nhiên công nghệ này đang ngày càng hoàn thiện hơn. Các chuyên gia dự đoán trong tương lai gần, rất khó có thể phân biệt được nội dung Deepfake với hình ảnh thật.

“Hồi tháng 1/2019, Deepfake vẫn còn chưa hoàn thiện với nhiều lỗi. Chỉ trong vòng 9 tháng, tôi chưa từng thấy điều gì phát triển nhanh như công nghệ này. Nhưng đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng”, Hany Farid, chuyên gia Deepfake tại Đại học California tại Berkeley, cho biết.

Farid dự đoán trong tương lai gần, công nghệ Deepfake sẽ phát triển từ một hiện tượng lạ trên Internet thành một công cụ tàn phá xã hội, công kích chính trị. Ông cũng cho rằng mọi người cần có sự chuẩn bị để đối mặt với vấn đề này.

Tai nghe mắt thấy chưa chắc đúng

Công nghệ deepfake từng bước thâm nhập vào đời sống và gây ra hậu quả khó lường

Đầu tiên, công nghệ Deepfake được áp dụng trong những nội dung khiêu dâm. Theo thống kê, tính đến tháng 9/2019, có 96% video Deepfake chứa nội dung khiêu dâm. Có một số trang web chuyên phát những nội dung này và thu hút rất nhiều lượt xem trong suốt hai năm gần đây. Những nội dung trong đó hầu hết được tổng hợp từ những video có sự góp mặt của những người nổi tiếng.

Dần dần, công nghệ Deepfake bắt đầu lan rộng sang những lĩnh vực khác, nguy hiểm hơn như chính trị, xã hội. Những nội dung sai sự thật sẽ định hướng dư luận, gây ra hậu quả xấu khó lường trong xã hội. Ví dụ: ảnh hưởng đến danh tiếng của những người nổi tiếng như các quan chức chính trị, diễn viên, nghệ sĩ…, bào mòn niềm tin của mọi người với báo chí, cơ quan, tổ chức xã hội…

Thử tưởng tượng có một video Deepfake về một chính trị gia đang hối lộ hoặc xâm hại tình dục bị phát tán ngay trước thềm bầu cử và hầu hết người xem đều tin vào điều đó thì sẽ gây ra hậu quả gì? Nếu bạn đang sống ở một thế giới mà không thể xác thực được thông tin thật giả sẽ tồi tệ như thế nào? Nghiêm trọng hơn, ngày nay mọi người đều có thể tạo ra những video giả mạo, nhắm vào bất kỳ ai, từ một người bình thường đến các chính trị gia, diễn viên nổi tiếng…

Rõ ràng, sự xuất hiện của công nghệ Deepfake đã khiến công chúng này càng khó phân biệt đâu là thật giả. Và những người có ý đồ dẫn dắt dư luận sẽ cố gắng khai thác điều này, làm cho tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khó lường.

Trò chơi mèo vờn chuột

Lý do đầu tiên khiến những ứng dụng Deepfake phát triển chóng mặt là do nghiên cứu của Goodfellow được công bố nguồn mở, cung cấp miễn phí cho mọi người trên toàn cầu, bất kỳ ai cũng có thể tải xuống và sử dụng.

Công nghệ Deepfake phát triển dựa trên AI, vì vậy các chuyên gia xem AI như một giải pháp chống lại những ứng dụng Deepfake độc hại. Ví dụ, nhà nghiên cứu xây dựng các hệ thống phát hiện sâu tinh vi để đánh giá ánh sáng, bóng tối, chuyển động trên khuôn mặt và một số tính năng khác để phân biệt và xác thực video. Ngoài ra còn có một số bộ lọc được thêm vào tập tin hình ảnh để người dùng không thể sử dụng hình ảnh đó tạo ra nội dung Deepfake.

Nhiều hãng công nghệ đã tạo ra những phần mềm bảo vệ tập tin chống lại những tác nhân Deepfake, như Truepic và Deeptrace. Tuy nhiên, những giải pháp này không có khả năng ngăn chặn sự phát tán của công nghệ này trong thời gian dài. Theo Forbes, Deepfake và những biện pháp ngăn chặn sẽ vận hành theo kiểu mèo vờn chuột, tương tự cách hoạt động của những hệ thống an ninh mạng. Vì về cơ bản, công nghệ Deepfake sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới mà không có tác nhân nào ngăn chặn nổi.

Bên cạnh sự phát triển của công nghệ, các chuyên gia cho rằng cần có những quy định, luật pháp chống lại sự phát triển của Deepfake. Nhưng trên thực tế, lệnh cấm cũng gần như bất khả thi vì tính ẩn danh và Internet hoạt động không biên giới. Giải pháp ngắn hạn hiện tại là các nền tảng công nghệ lớn như Facebook, Google và Twitter phải tự áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế sự lây lan của những nội dung Deepfake. Tuy nhiên, vấn đề này lại ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và cần những bước kiểm duyệt nội dung phức tạp. Hiện tại, gần như không có biện pháp hoàn hảo để khắc phục vấn đề. Cách đơn giản nhất là tăng cường nhận thức của cộng đồng, giúp họ tự cảnh giác trước những nội dung giả mạo.

Góc quảng cáo