Công an tỉnh Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị triển khai trang Zalo “Công an tỉnh Bình Dương” và 126 trang Zalo của công an các cấp huyện xã thuộc tỉnh. Việc sử dụng Zalo trong công tác tuyên truyền được kỳ vọng giúp hoạt động của công an tỉnh Bình Dương trở nên gần gũi với người dân, thúc đẩy hiệu quả hoạt động tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhận định: Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tiện ích trên không gian mạng đã đem đến một môi trường và cách thức tiếp cận thông tin mới, phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng đặt ra những thách thức lớn cho công tác giữ gìn an ninh trật tự nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền của lực lượng công an nói riêng.
Để làm tốt công tác của ngành trong bối cảnh mới, cần phải xem các nền tảng công nghệ, mạng xã hội như một kênh truyền thông hiện đại để nắm bắt dư luận xã hội, người dân”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhận định.
Thời gian qua, bên cạnh Trang thông tin điện tử, các chuyên mục phát thanh, truyền hình, báo đài,… thì hệ thống trang Zalo của công an các cấp đã trở thành kênh thông tin phong phú để người dân tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tương tác với lực lượng Công an.
“Chính vì vậy, Công an các huyện thị, thành phố và 91 đơn vị Công an cấp xã cần khẩn trương đưa trang Zalo đã được thiết lập đi vào hoạt động, tạo thành mạng lưới tuyên truyền hiện đại, rộng khắp trong toàn tỉnh”, Đại tá Nguyễn Thanh Điệp nhấn mạnh.
Thông qua các trang Zalo, Công an tỉnh Bình Dương có thể tư vấn, cung cấp thông tin nhanh chóng và hiệu quả đến người dân các nội dung về: Cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và các biện pháp chủ động phòng, chống; Thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, trật tự; Thông tin phòng, chống những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái…
Đặc biệt, nhờ độ phổ biến, dễ sử dụng lực lượng công an sẽ tiếp nhận và giải quyết tin báo liên quan đến an ninh trật tự của người dân cung cấp một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Hạn chế việc các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để hoạt động chống phá, đưa ra các quan điểm sai trái, bóp méo sự thật gây hiểu nhầm, hoang mang trong dư luận. Các loại tội phạm, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài gây thiệt hại lớn.
Cũng theo Đại tá Điệp, việc thực hiện mô hình tuyên truyền qua Zalo là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện thông qua các trang Zalo này, cơ quan Công an cũng có thể cung cấp biểu mẫu, hướng dẫn các quy trình thực hiện các thủ tục hành chính như: Đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu, cấp căn cước công dân…
“Đồng thời đây là kênh thông tin hiệu quả trong thực hiện Đề án 08 của Bộ Công an về ‘Công tác tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới’”, Đại tá Nguyễn Thanh Điệp thông tin thêm.
Hiện nay, công an tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhiều hoạt động truyền thông như tổ chức tập huấn cho cán bộ, viên chức, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc với người dân và doanh nghiệp, để tuyên truyền về tiện ích của trang Zalo “Công an tỉnh Bình Dương” nói riêng và hệ thống trang Zalo của các cấp nói chung.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp những vướng mắc, khó khăn thì các đơn vị chỉ cần liên hệ với Ban biên tập trang Zalo của Công an tỉnh sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
“Với quyết tâm và sự đầu tư nghiêm túc chúng tôi mong muốn Ban Quản trị, Ban Biên tập, Tổ giúp việc trang Zalo Công an các cấp hoàn thành thật tốt vai trò của mình, đưa công tác thông tin, tuyên truyền ngày một chất lượng hơn, trở thành trợ lực quan trọng cho công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương kỳ vọng.