Xem nhanh
HDMI không dây đã xuất hiện trên thị trường gần 10 năm. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chức năng và cách sử dụng của thiết bị này.
HDMI (High-Definition Multimedia Interface) là giao diện đa phương tiện độ phân giải cao, một chuẩn kết nối giúp truyền video từ máy tính, đầu phát Blu-ray… đến những loại màn hình trình chiếu lớn mà vẫn đảm bảo được chất lượng hình ảnh. Trước đây người dùng phải sử dụng các dây cáp HDMI rườm rà, gây mất thẩm mỹ, dễ bị nhầm lẫn cáp và nhanh hư hỏng, HDMI không dây (Wireless HDMI) ra đời để khắc phục những nhược điểm trên.
Cách hoạt động của HDMI không dây
Hiện tại có rất nhiều loại HDMI không dây trên thị trường, chỉ mất vài phút để thiết lập hệ thống. Rất đơn giản, bạn chỉ việc cắm đầu thu vào cổng HDMI của máy nguồn và đầu phát vào thiết bị phát video.
Cách thức hoạt động của thiết bị tương tự như Bluetooth, không cần phải kết nối Wi-Fi. Đầu phát được cắm vào máy nguồn sẽ phát ra tần số vi sóng và đầu thu sẽ giải mã tần số đó thành video. Một số sản phẩm còn được tích hợp bộ phát hồng ngoại, cho phép sử dụng remote TV để điều khiển thiết bị từ xa. Bạn không cần phải mất thời gian chạy từ phòng này sang phòng khác để chuyển kênh truyền hình.
Tại sao HDMI không dây không thể thành tiêu chuẩn toàn cầu?
Dù HDMI có tiềm năng áp dụng rộng rãi trong đời sống, hỗ trợ hữu ích cho trình chiếu trong nhà và ở công ty, nhưng thực tế vẫn tồn tại một số vấn đề.
Như các thiết bị không dây khác, Wireless HDMI dễ bị nhiễu sóng. Vì hầu hết các sản phẩm đều hoạt động ở tần số 5 GHz, dễ bị tác động bởi tín hiệu Wi-Fi và sóng điện thoại. Rất may, đa số thiết bị có thể tự động điều chỉnh tần số để tránh bị nhiễu.
WHDI là tùy chọn HDMI không dây hàng đầu hiện nay, hoạt động với tần số 5 GHz, hỗ trợ video 1080p và 3D. Một số hãng như Sharp và Philips đã từng phát triển những sản phẩm tích hợp đầu thu WHDI vào TV nhưng không thành công vì thiết bị dễ bị nhiễu sóng Wi-Fi và điện thoại.
Một số định dạng HDMI khác có tốc độ truyền dữ liệu tốt hơn và hỗ trợ video 4K, nhưng lại không được nhà sản xuất nào lựa chọn để tích hợp cho sản phẩm của mình, vì hiện tại đã có nhiều tiêu chuẩn khác truyền dữ liệu nhanh hơn, ví dụ như USB-C.
Một điểm trừ khác là về “độ trễ tín hiệu”. Video phải được mã hóa, truyền, nhận và giải mã trước khi phát, nên hầu hết các thiết bị HDMI không dây đều sẽ hiển thị trễ một chút so với nguồn, khoảng vài mili giây đến vài micro giây. Điều này sẽ không được lòng các game thủ. Nếu muốn một thiết bị trình chiếu không bị trễ, người chơi phải đầu tư một bộ sản phẩm cao cấp hơn. Tuy nhiên, hiện tại bộ thiết bị cao cấp cũng chỉ hoạt động tốt trong phạm vi khoảng 9m.
Giá của sản phẩm cũng không hề rẻ, một bộ HDMI không dây tiêu chuẩn gồm một đầu thu và một đầu phát khoảng 200 USD. Bạn sẽ tốn khoảng 1.000 USD để có một bộ HDMI tốt nhưng lại không hỗ trợ video 4K. Chưa kể, hầu hết sản phẩm này một lần chỉ có thể kết nối một máy phát và một đầu thu duy nhất, chiếu một nguồn video trên nhiều thiết bị rất khó khăn và tốn kém.
Thiết bị phát video hữu ích
Dù tồn đọng nhiều vấn đề, song HDMI vẫn được áp dụng khá rộng rãi và là một phương tiện hữu ích trong đời sống, đặc biệt tiện lợi trong một số trường hợp. Ví dụ, thay vì trả cho công ty truyền hình cáp 200 USD/tháng cho mỗi TV, bạn chỉ cần mua vài bộ HDMI kết hợp cùng hộp cáp duy nhất trong nhà là có thể sử dụng lâu dài và tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, HDMI không dây còn là lựa chọn phù hợp để thay thế những sợi cáp HDMI rườm rà, giúp làm gọn lại hệ thống máy chiếu ở công ty hoặc TV trong nhà.
Theo: How To Geek