Neuralink – công ty startup do Elon Musk sáng lập – vừa thông báo kế hoạch phát triển công nghệ đọc thông tin trong não trong vài năm tới. Mục tiêu của dự án là cấy các chip AI vào não những người bị tê liệt để họ có thể điều khiển smartphone và máy tính.

Có nên phát triển dự án cấy chip AI vào não người?

Mặc dù công nghệ này có thể làm thay đổi cuộc sống những người khuyết tật, nhưng theo chuyên gia tâm lý học nhận thức Susan Schneider thì đây không phải một ý tưởng tuyệt vời.

Musk đang muốn biến chip AI trong não trở nên an toàn và phổ biến như công nghệ phẫu thuật mắt bằng laser. Trong video trình bày tại Viện hàn lâm Khoa học California, Musk cho biết bộ cấy sẽ ghi lại thông tin phát ra từ các tế bào thần kinh trong não. Một số bộ xử lý nhỏ sẽ kết nối với não thông qua những sợi có kích thước 4-6 μm – nhỏ và mỏng hơn nhiều so với tóc người (khoảng 75 μm). Các cảm biến này sẽ nằm trên bề mặt hộp sọ, sau đó chuyển thông tin đến máy tính đeo phía sau tai, được gọi là The Link. Bằng cách đó, não có thể kết nối với iPhone thông qua một ứng dụng cài đặt sẵn. Điều này vẽ nên một tương lai thật đáng sợ.

Theo Schneider, những cải tiến dựa trên AI có thể được sử dụng để bổ sung cho hoạt động thần kinh. Nhưng nếu công nghệ này được phát triển xa hơn, có khả năng thay thế mô thần kinh đang hoạt động bình thường thì sẽ góp phần hình thành những mối nguy mới khó kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.

Bà tỏ ra lo ngại rằng khi hợp nhất với AI thì não người sẽ bị suy yếu, thậm chí có khả năng bị hủy hoại. Con người phụ thuộc vào não để hoạt động, và cần cơ quan này để liên tục ghi nhớ thông tin, hình thành đặc điểm tính cách đặc trưng. Sự can thiệp vào não có thể phá vỡ khả năng hoạt động liên tục của bộ phận này.

“Bản chất của bản thân hay tâm trí là gì? Nếu tâm trí chỉ là bộ não, sự hợp nhất tâm trí với AI sẽ không thể xảy ra. Tôi nghi ngờ những người ủng hộ dự án này đang nghĩ bản thân là một chương trình”, Schneider cho biết.

Bên cạnh đó, bà cũng tỏ ra hoài nghi về kế hoạch biến não người thành robot của Musk. Việc thay thế các bộ phận của não bằng một vài con chip AI “sẽ không có tác động khủng khiếp”. Tuy nhiên, theo bà thì không nên làm bất cứ điều gì mà mình nghĩ rằng sai trái và đặt câu hỏi ngược lại về ranh giới của sự khủng khiếp.

Musk không phải là người duy nhất muốn can thiệp vào bộ não của con người trong tương lai. Ray Kurzweil, nhà tương lai học và Giám đốc Kỹ thuật của Google, từng tuyên bố muốn sao lưu bộ não của con người lên đám mây vào năm 2045 và biến mọi người thành bất tử.

Theo Schneider, chúng ta không nên đầu tư hoàn toàn vào niềm tin vào đề xuất rằng con người có thể hợp nhất với AI. Thay vào đó cần có nhiều nghiên cứu hơn xung quanh khả năng và hậu quả của việc hợp nhất công nghệ với bộ não con người.

Theo The Next Web

Góc quảng cáo