Người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi cập nhật macOS Catalina vì đây là bản nâng cấp đầu tiên của Apple ngừng hỗ trợ các phần mềm và ứng dụng 32-bit.

Có nên cập nhật macOS Catalina vào lúc này không?

Bản cập nhật macOS Catalina mới phát hành đầu tuần này đã xuất hiện một số vấn đề. Đầu tiên, Apple ngừng hỗ trợ phần mềm 32-bit, đồng nghĩa người dùng không thể sử dụng những ứng dụng và thành phần mở rộng (plug-in) dung lượng nhỏ từ rất lâu chưa được cập nhật, hoặc công ty phát hành phần mềm đã ngừng hoạt động.

Ngoài ra, còn những vấn đề khác xoay quanh hệ điều hành mới, như máy không tương thích một số phần mềm của Adobe cùng vài sự cố liên quan đến việc gỡ bỏ iTunes.

Chắc hẳn người dùng Mac có một số thắc mắc quan trọng, nhiều trong số họ đang bị gián đoạn công việc vì lỗi của macOS Catalina. Vậy bạn có nên cập nhật bây giờ hay chờ phiên bản mới ổn định hơn? Nếu đã nâng cấp hệ điều hành mới thì phải xử lý như thế nào? Cần chuẩn bị gì để cài đặt? Dưới đây là những thông tin bạn có thể tham khảo.

Có nên cập nhật macOS Catalina vào lúc này không?

Vì sao Catalina bị lỗi?

Hơn một năm trước Apple thông báo trên macOS High Sierra rằng những phần mềm 32-bit sẽ sớm “không được hỗ trợ” nữa. Dù vậy các ứng dụng vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi Apple giới thiệu macOS Catalina hồi tháng 6 tại sự kiện WWDC. Khi người dùng nâng cấp hệ điều hành mới, các ứng dụng 32-bit sẽ không thể hoạt động tiếp. Điều này khiến phát sinh một số rắc rối cho người dùng.

Ví dụ, những bản cài đặt phần mềm cũ của Adobe (điển hình là Photoshop), hiện còn sử dụng một số thành phần và trình cài đặt 32-bit, sẽ ngừng hoạt động khi bạn cập nhật lên macOS Catalina. Ngay cả trình gỡ cài đặt của Adobe cũng không hoạt động được vì đó là phần mềm 32-bit.

Có nên cập nhật macOS Catalina vào lúc này không?

Adobe khuyến cáo người dùng không nên nâng cấp hệ điều hành máy Mac vào thời điểm này nếu đang sử dụng phiên bản Photoshop hoặc Lightroom cũ hơn gói dịch vụ Creative Cloud. Trong trường hợp bạn muốn cập nhật Catalina ngay bây giờ, tốt nhất nên gỡ cài đặt những phần mềm này trước, vì chúng không hoạt động nhưng cũng không thể xóa khỏi hệ điều hành mới.

Nhiều phần mềm phổ biến khác cũng gặp trường hợp tương tự khi chuyển đổi từ 32-bit sang 64-bit, ví dụ như các phiên bản cũ của Microsoft Office, một số ứng dụng máy Mac như GarageBand hay iPhoto. Bên cạnh đó, nhiều tựa game đang chạy bộ cài 32-bit cũng không còn được hỗ trợ trên Catalina.

Steve Moser, một blogger của Apple, đã tổng hợp danh sách 235 ứng dụng không tương thích với macOS Catalina trên trang The Tape Drive, trong đó có một số phần mềm phổ biến thuộc Transmit, 1Password, QuickBooks, VMWare Fusion và Parallels.

Ngoài vấn đề không tương thích, hệ điều hành mới còn phát sinh một số lỗi khác. Các phiên bản Photoshop mới, được cài và quản lý bằng Creative Cloud, cũng bị trục trặc khi đặt tên tập tin, sự cố xác thực plug-in và lỗi kết xuất video (video rendering). Adobe cho biết bộ công cụ ExtendScript và chức năng Lens Profile Creator cũng sẽ không thể chạy trên Catalina.

Mặt khác, kể từ Catalina, iTunes sẽ không còn là ứng dụng độc lập nữa. Những phần mềm của bên thứ ba sử dụng iTunes để lưu trữ tập tin âm nhạc và có tính năng liên kết với các ứng dụng khác cũng đăng gặp sự cố. Điều này ảnh hưởng đến cả những phần mềm DJ, như Rekordbox và Traktor, có tính năng đồng hộ hóa tập tin XML được tạo ra bởi iTunes. Những ứng dụng này không kết nối được với iTunes sẽ dẫn đến tính năng biểu diễn trực tiếp không hoạt động. Với những người đang làm việc bằng hai phần mềm này, Apple khuyến cáo không nên cập nhật lên Catalina.

Chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mới không lường trước được xuất hiện khi bạn nâng cấp lên Catalina. Thế nên, nếu bạn đang cần sử dụng bất kỳ phần mềm nào đề cập ở trên, tốt nhất hãy khoan cập nhật hệ điều hành mới.

Trong trường hợp bạn muốn nâng cấp, vẫn có cách để kiểm tra xem liệu máy Mac của bạn có bị ảnh hưởng do mất hỗ trợ 32-bit không. Apple cho biết khi người dùng chọn cập nhật hệ điều hành mới, hệ thống sẽ thông báo những phần mềm nào trên thiết bị không được hỗ trợ sau khi nâng cấp.

Trước khi tải và cài đặt Catalina, bạn có thể sử dụng tính năng tìm kiếm Spotlight trên máy Mac để mở công cụ System Information. Sau đó cuộn xuống tìm mục Software và chọn Legacy Software. Phía trên cửa sổ là danh sách tất cả phần mềm không thể hoạt động sau khi cài đặt Catalina.

Có nên cập nhật macOS Catalina vào lúc này không?

Để trả lời câu hỏi có nên nâng cấp hệ điều hành mới vào thời điểm này không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là liệu bạn có chấp nhận rủi ro rằng một số ứng dụng sẽ không hoặc động, hoặc hệ thống sẽ phát sinh vài vấn đề không lường trước được không?

Nếu bạn không sử dụng các phần mềm chuyên môn cao hoặc những dòng máy cũ có tuổi thọ 4-5 năm, thiết bị chỉ được dùng để truy cập web, chạy các ứng dụng thông thường như lịch, quản lý tập tin, ghi chú…, chỉnh sửa và soạn thảo văn bản. Trong trường hợp đó, việc cập nhật lên hệ điều hành mới sẽ không gặp nhiều rắc rối. Tuy vậy, tất nhiên hệ thống vẫn có thể tiềm ẩn một số vấn đề.

Tại sao nên trì hoãn việc nâng cấp?

Có nên cập nhật macOS Catalina vào lúc này không?

Có một số lý do khiến bạn không nên cập nhật lên macOS Catalina. Apple cho biết hệ điều hành mới sẽ hoạt động tốt trên các thiết bị sản xuất từ năm 2012. Tuy nhiên, những dòng máy đời cũ thường sẽ có hàng tá phần mềm 32-bit mà bạn đang sử dụng mỗi ngày nhưng không để ý. Và nếu những ứng dụng đó đủ quan trọng để bạn sử dụng hàng ngày thì rõ ràng không nên vội vàng cập nhật lên hệ điều hành mới vào thời điểm này. Hiện tại Catalina chỉ đang tập trung chủ yếu vào các dòng máy mới. Ví dụ, bạn không thể sử dụng tính năng phản chiếu Sidecar mà không có Skylake Mac và iPad đời mới.

Một đối tượng khác không nên cập nhật macOS Catalina ở hiện tại là những người đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, thường xuyên sử dụng Photoshop hoặc các phần mềm âm nhạc bị ảnh hưởng bởi iTunes được đề cập ở trên. Tại sao bạn không tiếp tục làm việc trên thiết bị quen thuộc, với những phần mềm đang hoạt động ổn định mà lại mạo hiểm nâng cấp hệ điều hành, sau đó bị một số sự cố tác động làm trì hoãn quá trình xử lý công việc?

Đa số người dùng thường nhầm tưởng bản cập nhật phần mềm mới sẽ khiến thiết bị hoạt động ổn định hơn so với trước. Thực tế, quyết định nâng cấp hệ điều hành thường đi kèm một số rủi ro. Có thể bạn sẽ được trải nghiệm tính năng mới, giao diện đẹp và nhiều ứng dụng tiện ích sớm hơn một chút so với mọi người. Tuy nhiên, hệ điều hành mới sẽ đi kèm nhiều rủi ro, có trường hợp lỗi nghiêm trọng hoặc những vấn đề không tương thích. Nếu bạn sử dụng máy Mac để làm việc hàng ngày thì dù thiết bị có phát sinh một vài lỗi nhỏ cũng có thể tác động xấu đến năng suất làm việc. Cuối cùng, để tránh máy cập nhật tự động, hãy truy cập vào Software Update, bỏ chọn Automatically keep my Mac up to date.

Theo The Verge

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo