Đa số các mẫu smartphone trên thị trường hiện nay đều hỗ trợ chế độ chụp ảnh ban đêm (Night Mode). Nhưng làm sao điện thoại lại có thể chụp được những bức ảnh chi tiết trong điều kiện ánh sáng kém? Bài viết này sẽ giúp bạn lý giải điều đó.

Chế độ chụp ảnh ban đêm được nâng cấp ngày càng tốt

Vài năm trước, các mẫu điện thoại thông minh trên thị trường đều gặp khó khăn khi chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng. Tuy nhiên, những năm gần đây kỹ thuật xử lý hình ảnh liên tục được cải tiến. Ngoài bộ xử lý, camera là yếu tố quan trọng luôn được các nhà sản xuất smartphone ưu tiên nâng cấp. Hiện tại, chúng ta có thể chụp được những bức ảnh đường nét rõ ràng trong điều kiện ánh sáng yếu mà thậm chí không cần mở flash.

Điển hình là Apple, hãng đã nâng cấp khả năng chụp ảnh ban đêm trên dòng iPhone 12 bằng một số kỹ thuật điện toán. Giờ đây, chế độ ban đêm đã khả dụng trên camera của tất cả các thiết bị của Táo Khuyết, gồm cả camera siêu rộng và ống kính tele.

Bên cạnh đó, tính năng Night Sight của Google đã đưa tên tuổi của công ty lên vị trí đầu trong cuộc đua chụp ảnh ban đêm giữa các dòng smartphone. Gần đây, Google còn ra mắt chế độ chụp thiên văn độc quyền trên các mẫu điện thoại Pixel. Chế độ này hỗ trợ chụp những bức ảnh bầu trời đêm một cách chi tiết, rõ cả những vì sao.

Chế độ chụp ảnh ban đêm hoạt động trên smartphone như thế nào?

Thuật ngữ cơ bản trong nhiếp ảnh

Trước khi đi sâu vào cơ chế hoạt động của chế độ chụp ảnh ban đêm, chúng ta cần tìm hiểu một số thuật ngữ nhiếp ảnh cơ bản:

  • Phơi sáng (Exposure): Lượng ánh sáng đi đến cảm biến camera. Thông số này quyết định độ sáng tối của bức ảnh.
  • Tốc độ màn trập (Shutter Speed): Khoảng thời gian cảm biến camera tiếp xúc với ánh sáng. Tốc độ màn trập càng dài, camera càng được tiếp xúc với ánh sáng lâu hơn. Nhưng có thể gây hiện tượng mờ, nhòe nếu đối tượng trong khung hình chuyển động.
  • Dải tương phản động (Dynamic Range): Khoảng cách giữa vùng tối nhất (shadow) và vùng sáng nhất (highlight) trong bức ảnh.
  • Dải tương phản động mở rộng (HDR): Đây là một kỹ thuật xử lý hình ảnh, trong đó camera sẽ ghi lại nhiều bức ảnh trong cùng một khung cảnh với những độ phơi sáng khác nhau bằng cách thay đổi tốc độ màn trập. Sau đó điện thoại sẽ kết hợp những hình ảnh đó lại với nhau để cân bằng những khu vực quá tối hoặc quá sáng.

Kết quả của một bức ảnh HDR phụ thuộc phần lớn vào phần mềm xử lý. Tùy từng nhà sản xuất mà có thể ưu tiên phát triển các yếu tố khác nhau.

Quy trình hoạt động của chế độ chụp ảnh ban đêm

Chế độ chụp ảnh ban đêm hoạt động trên smartphone như thế nào?

Tuỳ vào từng thiết bị, chế độ chụp ảnh ban đêm sẽ được máy tự động kích hoạt bởi cảm biến phát hiện thiếu sáng hoặc bạn phải tự bật thủ công trong ứng dụng Camera mặc định. Dù bằng cách nào thì chế độ này cũng tương đương với những tính năng chụp ảnh mặc định khác trên điện thoại, chỉ khác là thời gian chụp ảnh ban đêm sẽ lâu hơn một chút. Đây chính là yếu tố quan trọng để cho ra bức ảnh sắc nét.

Về cơ bản, chế độ chụp ảnh ban đêm sử dụng một biến thể của kỹ thuật HDR. Camera sẽ ghi lại nhiều bức ảnh khác nhau của cùng một đối tượng ở các mức độ phơi sáng khác nhau bằng cách thay đổi tốc độ màn trập. Sau đó phần mềm xử lý hình ảnh sẽ căn chỉnh và kết hợp các bức ảnh đó để mở rộng dải tương phản động của hình ảnh.

Quá trình này sẽ làm nổi bật các chi tiết ở nhưng vùng cực tối và cực sáng, tạo thành một bức ảnh tổng thể hài hòa. Một số mẫu điện thoại sẽ tự động thiết lập khoảng thời gian cần để chụp ảnh ở chế độ ban đêm, tùy thuộc vào độ tối của môi trường, trong khi một số dòng khác sẽ cho phép bạn tự chỉnh thủ công.

Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong vài giây. Để có được bức ảnh thành phẩm cuối cùng, điện thoại đã rất nhiều công đoạn, gồm chụp loạt ảnh, kết hợp lại, xử lý và cho ra bức ảnh cuối cùng.

Một số biến thể khác nhau của chế độ chụp ảnh ban đêm

Chế độ chụp ảnh ban đêm hoạt động trên smartphone như thế nào?

Hầu hết các mẫu flagship trên thị trường hiện nay đều được trang bị chế độ chụp ảnh ban đêm. Mỗi camera sẽ có thuật toán riêng, được các hãng phát triển độc quyền để xử lý tối ưu nhất, nhằm cho ra một bức ảnh hoàn hảo. Sự khác biệt giữa các thuật toán tùy thuộc vào đặc điểm mà nhà sản xuất muốn nhất mạnh, vì vậy sẽ có sự khác biệt giữa những bức ảnh chụp đêm giữa các hãng điện thoại. Một số bức ảnh sẽ trông tự nhiên, số khác cho cảm giác bị nhấn nhá quá đà, khiến tổng thể bức ảnh bị quá sáng.

Ngoài ra, cảm biến cũng là một yếu tố quan trọng. Một số hãng sử dụng kỹ thuật Pixel Binning để kết hợp dữ liệu từ bốn pixel liền kề thành một điểm ảnh lớn, cho ra bức ảnh chi tiết cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Chụp ảnh chế độ ban đêm thế nào cho đẹp?

Chế độ chụp ảnh ban đêm hoạt động trên smartphone như thế nào?

Dù sử dụng smartphone của hãng nào, nếu máy có trang bị tính năng chụp ảnh ban đêm thì bạn cần lưu ý mộ số điểm dưới đây để có được những bức ảnh chất lượng.

Yếu tố quan tọng nhất của quá trình này là công đoạn kết hợp các bức ảnh được chụp lại với nhau. Trong thời gian phơi sáng, nếu đối tượng di chuyển hoặc thiết bị bị rung sẽ khiến bức ảnh bị mờ, nhòe. Đây là nguyên nhân các nhà sản xuất khuyên người dùng nên cầm chắc thiết bị, không di chuyển máy khi chụp ở chế độ ban đêm. Chính vì vậy, những bức ảnh quảng cáo chế độ này thường chỉ chụp tĩnh vật. Nếu có thể, hãy sử dụng chân máy khi chụp ở chế độ ban đêm.

Ngoài ra, bạn nên chọn chế độ chụp ảnh ban đêm khi có ít nhất một nguồn sáng, dù mờ yếu. Điều này vừa giúp nâng cao chất lượng bức ảnh, vừa giúp chúng trông ấn tượng hơn sau khi xử lý.

Góc quảng cáo