Rừng mưa nhiệt đới Amazon đang cháy với tốc độ kỷ lục – tăng đến 83% so với năm ngoái và là mức cao nhất trong lịch sử kể từ năm 2013. Chính phủ Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp của thảm họa. Cho đến nay, Trung tâm nghiên cứu vũ trụ INPE (Brazil) đã phát hiện 73.000 vụ cháy rừng Amazon.

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như thế nào?

Vụ cháy bắt đầu khi nào?

Rừng nhiệt đới Amazon kéo dài qua 8 nước, chiếm 40% diện tích Nam Mỹ. Đây là nơi sinh sống của hơn 30 triệu người và một lượng lớn động thực vật. Trung bình mỗi 2 ngày lại có một loài thực vật hoặc động vật mới được phát hiện.

Rừng Amazon được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh”, là nơi sản xuất 20% tổng số oxy của Trái Đất. Thảm họa lần này đã đe doạ nghiêm trong đến hệ sinh thái rừng nhiệt đới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường toàn cầu.

Đầu năm 2019, Viện nghiên cứu không gian quốc gia của Brazil (INPE) báo cáo có 72.843 vụ cháy ở nước này, hơn một nửa trong số đó xảy ra ở Amazon. Từ đầu năm đến nay nạn phá rừng đã tăng 80% so với năm ngoái.

Copernicus – chương trình vệ tinh của Liên minh châu Âu – đã cung cấp một số hình ảnh về những vụ cháy rừng Amazon. Khói đã lan ra khắp Brazil đến bờ biển phía đông Đại Tây Dương. Theo hình ảnh vệ tinh, khói bao trùm gần một nửa Brazil và bắt đầu lan sang các nước láng giềng như Peru, Bolivia và Paraguay. Bầu trời tối đen vào giữa buổi chiều, mặt trời bị che khuất bởi tro bụi và khói.

Các đám cháy xảy ra chủ yếu ở các bang Amazonas, Rondonia, Para và Mato Grosso của Brazil, trong đó Amazonas bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

Nguyên nhân cháy rừng Amazon

Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao một khu rừng nhiệt đới ẩm như Amazon lại có thể bốc cháy dữ dội như thế. Nguyên nhân bởi vì tháng 7-8 trong năm là thời điểm bắt đầu chuyển sang mùa khô, nguy cơ cháy cao nhất rơi vào tháng 9-10. Trong khi đó, đây lại là thời điểm nông dân ở khu vực này thường sử dụng lửa để dọn sạch đất trước khi canh tác. Đây có thể là lý do xảy ra thảm họa. Thời điểm xảy ra vụ cháy trùng khớp với mô hình nông nghiệp theo mùa ở Brazil. Đây là khoảng thời gian nông dân đốt và dọn đất để chăn thả gia súc.

“Phần lớn các đám cháy này là do con người tác động”, Christian Poirier, Giám đốc chương trình của Tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch cho biết. Ông nói kể cả trong mùa khô thì rừng mưa cũng không dễ dàng bị bắt lửa như những khu vực rừng rậm khô ở California (Mỹ) và Úc.

Alberto Setzer, nhà khoa học cao cấp của INPE, đồng ý với Poirier. Ông tin rằng 99% các vụ hỏa hoạn là do hành động có chủ đích hoặc tai nạn do con người gây ra. “Hỏa hoạn là do hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ hoặc các dự án kinh doanh nông nghiệp cơ giới và hiện đại”, Setzer nói.

Nạn phá rừng có liên quan đến thảm họa?

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như thế nào?

Tình trạng phá rừng diễn ra ở khắp nơi trên thế giới và không giới hạn ở bất kỳ nước nào. Hiện đất sạch rất cần để mở rộng nông nghiệp và các hoạt động khác như chăn nuôi, sản xuất đậu nành và công nghiệp khai thác gỗ đang nở rộ ở Brazil.

Theo Nigel Sizer, nhà sinh thái rừng nhiệt đới kiêm Giám đốc chương trình của Rainforest Alliance, cho biết những hoạt động trên chịu trách nhiệm từ 80 – 90% sự mất dần các khu rừng nhiệt đới trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, 20% diện tích quần xã Amazon trước đó, bao gồm các khu rừng nhiệt đới và cả những khu vực lân cận đã bị mất do khai thác, canh tác, xây dựng đập thủy điện và đường bộ.

“Một số phân tích và dữ liệu vệ tinh cho thấy nhiều vùng đất ở Brazil có thể sử dụng để trồng trọt nhưng lại bị bỏ hoang, không ai sử dụng hoặc được quản lý rất kém. Thật ra không cần phải phá rừng mới có thể canh tác”, Sizer nói.

Có bao nhiêu đám cháy đang diễn ra?

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như thế nào?

Theo thống kê hiện tại có hơn 2.500 vụ cháy xảy ra trong rừng nhiệt đới Amazon. Các vệ tinh Sentinel của Chương trình Quan sát Trái đất thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã chụp được nhiều hình ảnh cho thấy “lượng khói đáng kể” trên Amazonas, Rondonia và các khu vực khác. Trong tuần qua, các vệ tinh từ EU và NASA đã đăng tải rất nhiều hình ảnh về những vụ cháy rừng Amazon trên mạng xã hội. Một nửa Brazil đang bị bao trùm trong khói. Theo Telesurtv, khói đã lan rộng đến cả Argentina.

Một số báo cáo cho thấy có hiện tượng mưa rải rác và giông bão trên khu vực cháy nhưng vẫn chưa chế ngự được lửa. Tổng thống Brazil đang huy động quân đội để khắc phục nhưng chưa thành công. Tổng thống Bolivia đã huy động một chiếc Boeing 747 Supertanker với sức chứa 115.000 lít để giúp dập lửa.

Hiện tại lửa vẫn chưa được dập tắt. Hôm qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chụp được một số bức ảnh về những khu rừng chìm trong khói lửa ở bang Mato Grosso (Brazil).

Hậu quả của cháy rừng Amazon

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

Hiện tại, Amazon là nơi chuyển hóa carbon dioxide (CO2) – khí thải chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, như than, dầu và khí đốt. Trong điều kiện tự nhiên, thực vật hấp thụ CO2 khi quang hợp và giải phóng carbon và oxy trở lại không khí. Lượng khí thải CO2 quá mức đang khiến Trái Đất nóng dần lên.

Amazon được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh”, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu. Đây là nơi sinh sống của 10% đạ dạng sinh học trên thế giới, là nơi tạo ra hơn 20% lượng oxy trên toàn cầu. Trái Đất sẽ thay đổi mạnh mẽ nếu rừng nhiệt đới biến mất, hàng loạt tác động tiêu cực sẽ xảy ra, ảnh hưởng lên mọi thứ từ trang trại đến nước uống.

Một số nhà môi trường học cho rằng với tốc độ phá rừng đang gia tăng đáng báo động như hiện nay, Amazon sẽ sớm trở thành nơi thải ra khí CO2 thay vì chuyển hóa chúng (vì những đám cháy tạo ra lượng khí thải quá lớn).

“Thay vì giúp hành tinh tránh khỏi tác động của sự nóng lên toàn cầu, Amazon có thể bắt đầu gây hại cho Trái Đất vì thải ra nhiều carbon dioxide và góp phần thay đổi khí hậu”, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới cho biết.

Tổ chức Greenpeace vừa lên tiếng chỉ trích Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và chính phủ của ông là mối đe dọa với trạng thái cân bằng khí hậu. Poirier tỏ ra ủng hộ quan điểm này. “Amazon cực kỳ quan trọng đối với tương lai của chúng ta. Rừng mưa nhiệt đới này có khả năng ngăn chặn điều tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu”, ông nói.

Những yếu tố chính trị ảnh hưởng đến nạn phá rừng

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đổ lỗi cho Tổng thống Bolsonaro. Họ tin rằng chính ông đã gây nguy hiểm cho Amazon vì không kiểm soát môi trường một cách nghiêm khắc và còn khuyến khích nạn phá rừng.

Jair Bolsonaro được bầu làm Tổng thống Brazil từ tháng 10/2018 với chiến dịch hứa hẹn khôi phục nền kinh tế nước này bằng cách khám phá tiềm năng phát triển của Amazon. Kể từ khi đắc cử, ông đã cắt giảm 23 triệu USD ngân sách của cơ quan thực thi môi trường quốc gia khiến tổ chức này không thể hoạt động hiệu quả.

Nhiều người cho rằng thành công của Bolsonaro là kết quả của một vụ bê bối tham nhũng chính trị, dẫn đến cuộc suy thoái kéo dài làm tê liệt đất nước 200 triệu dân. Gần đây, ông vừa tuyên bố những vụ hỏa hoạn được châm ngòi bởi các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhằm trả đũa việc ông cắt giảm tài trợ. Tuy nhiên Bolsonaro không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho cáo buộc này.

Phản hồi của các chính trị gia trên thế giới

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như thế nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Brazil khắc phục cháy rừng Amazon. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro bày tỏ lo ngại về thảm họa đang tàn phá Brazil, Bolivia và đề nghị viện trợ để giúp dập lửa. “Venezuela đang quan ngại sâu sắc về những đám cháy khổng lồ và khủng khiếp đang tàn phá khu vực Amazon trên lãnh thổ một số quốc gia Nam Mỹ. Tai họa này sẽ gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến dân số, hệ sinh thái và đa dạng sinh học khu vực”, đại diện Venezuela cho biết.

Thủ tướng Phần Lan, Antti Rinne cho biết: “Rừng mưa nhiệt đới Brazil rất quan trọng đối với khí hậu thế giới. Tôi thực sự lo lắng về thái độ Brazil, có vẻ như họ đã bị khuất phục trước khu rừng của chính mình. Brazil nên cố gắng làm mọi thứ để dập tắt các đám cháy. Đây là mối nguy trầm trọng cho toàn bộ nền văn minh nhân loại”.

Tổng thống Bolsonaro đang đối măt với rất nhiều chỉ trích. Chính phủ khắp nơi trên thế giới phê phán ông chưa có những hành động tích cực với thảm họa này và chỉ trích việc ông khuyến khích khai thác và canh tác ở Amazon. Đầu tháng trước, một quan chức giấu tên của Brazil từng lên tiếng tố cáo ông Bolsonaro khuyến khích nạn phá rừng. Giám đốc INPE Ricardo Galvão đã bị sa thải sai khi thảm họa xảy ra.

Phản ứng của công chúng

Cháy rừng Amazon ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

Nhiều vụ biểu tình đã diễn ra trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Brazil. Dân chúng Brazil yêu cầu chính phủ có những hành động tích cực hơn để khắc phục cháy rừng Amazon. Nhiều cơ quan truyền thông kêu gọi nguồn tài trợ từ các tỷ phú, yêu cầu các tổ chức quốc tế xem xét lại các khoản đầu tư ở Brazil sau khi tình trạng khai thác rừng đã hủy hoại lá phổi của thế giới. Họ lên án Tổng thống Jair Bolsonaro đã phá hủy tài nguyên tương lai của nhân loại.

Không cần chờ các chính trị gia hành động. Nếu thật sự yêu môi trường, chúng ta có thể làm nhiều việc để bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Ví dụ đi bộ nhiều hơn, ít sử dụng xe hoặc mua một chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngừng ăn thịt bò, chăn nuôi bò thải môi trường nhiều khí methane, đây là khí thải làm nóng Trái Đất gấp 25 gần so với carbon dioxide. Gia súc tạo ra 41% tổng lượng khí thải nhà kính do chăn nuôi, chiếm 14,5% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Văn phòng chính sách châu Âu của Tổ chức Động vật hoang dã Thế giới (WWF) vừa đưa ra tuyên bố: “WWF kêu gọi các nước trong khu vực – Brazil, Bolivia, Colombia, Peru, Ecuador, Venezuela, Guyana và Suriname – hãy bảo vệ rừng Amazon, tích cực chống phá rừng và giảm thiểu những nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Chúng tôi cũng kêu gọi EU và các nước thành viên tăng cường hạn chế tác động của con người lên nạn phá rừng và giảm thiểu những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái khác trên thế giới, liên quan đến việc tiêu thụ các mặt hàng như đậu nành, dầu cọ, cacao và thịt”.

Một số tổ chức môi trường đã bắt đầu kêu gọi hỗ trợ và đóng góp bảo vệ rừng nhiệt đới này.

Theo (1), (2)

Góc quảng cáo