Nghị viện vừa thông qua dự luật cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn bộ các nước trong khối EU trong một phiên họp mới đây tại Pháp.
Liên minh châu Âu đang đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường biển. Quốc hội EU đã bỏ phiếu cấm sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần như dao, kéo, đĩa và ống hút… Lệnh cấm sẽ có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên EU trước bối cảnh ô nhiễm môi trường biển đang ở mức đáng báo động. Ngoài ra, thành viên liên minh cũng phải giảm việc sử dụng hộp đựng thức ăn, nắp đậy cà phê, tăm bông bằng nhựa. Luật mới cũng quy định rằng đến năm 2025, chai nhựa phải làm bằng 25% nhựa tái chế.
Việc cấm sử dụng nhựa được Nghị viện châu Âu phê duyệt hôm thứ tư tại Strasbourg, Pháp. Các quốc gia trong khối EU ủng hộ nhiệt tình đến mức đại đa số tin rằng luật chắc chắn sẽ được thông qua vào 15/4 tới.
Theo ước tính, 80% rác thải trên biển là nhựa và có đến 9 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Thế giới ngày càng phát triển sẽ khiến cho xu hướng tiêu thụ đồ đóng gói gia tăng nhưng lại không có các hệ thống thu gom và xử lý hợp lý.
Tháng 5/2018, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các biện pháp hạn chế rác thải bằng nhựa để bảo vệ môi trường biển. Đến tháng 12 năm ngoái thì đại diện các nước EU và Nghị viện đã đạt được thỏa thuận.
Frederique Ries, một thành viên người Bỉ đã phát biểu trong hội nghị dự thảo luật: “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050 sẽ có nhiều nhựa hơn cá trên những đại dương”.
Theo Bloomberg, luật mới cũng đặt mục tiêu thu gom 90% chai nhựa vào năm 2029 và tái chế 30% lượng nhựa đó vào năm 2030.
Được biết, lệnh cấm không chỉ giúp bảo vệ môi trường biển mà còn làm giảm chi phí xử lý ô nhiễm. Nếu theo đúng kế hoạch thì đến năm 2030 châu Âu có thể tiết kiệm được 22 tỷ Euro.
Theo: Fast Company