Nhà sáng lập kiêm CEO Huawei, Ren Zhengfei vừa tuyên bố không làm gì bất hợp pháp và sẽ không khuất phục trước sức ép của chính phủ Mỹ.

CEO Huawei tuyên bố không khuất phục trước sức ép của Mỹ

Sau khi Nhà Trắng đưa Huawei vào danh sách đen, hàng loạt tập đoàn sản xuất công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Intel, Qualcomm, Broadcom và cả Google đều lần lượt ra quyết định dừng hợp tác với doanh nghiệp này.

Đáp trả lại, Ren cho biết Huawei đang tiếp tục phát triển chip riêng và lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất của công ty. Ngay cả khi Qualcomm và những nhà cung cấp khác có quay lưng thì Huawei vẫn ổn. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này”, Ren nói.

HiSilicon Technologies, công ty trực thuộc Huawei, chuyên thiết kế lõi chip cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự cùng kế hoạch đối phó khi bị các doanh nghiệp Mỹ cắt nguồn cung trong tương lai. Chủ tịch của HiSilicon, Teresa He Tingbo cho biết “Chúng tôi đã lường trước điều này từ lâu và có kế hoạch dự phòng”.

Dù đang rơi vào tình thế khá khó khăn, giữa bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang ngày càng căng thẳng, Ren vẫn khẳng định “Chúng tôi sẽ không thay đổi cách quản lý theo yêu cầu của Mỹ hoặc chấp nhận bị giám sát như ZTE từng làm”.

Năm ngoái, Nhà Trắng đã triển khai lệnh cấm tương tự với ZTE, đẩy công ty này đến bờ vực phá sản. Hôm 9/5, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cũng vừa tuyên bố cấm China Mobile hoạt động tại Mỹ vì lo ngại an ninh.

Ren cho biết lệnh cấm sẽ chỉ làm hạn chế “một chút” hoạt động kinh doanh của hãng, nhưng ông tin tưởng vào triển vọng phát triển lâu dài của công ty. Tiềm năng tăng trưởng doanh thu hằng năm của Huawei gần 20%.

Theo Ren, lệnh cấm của Washington sẽ khiến các đối tác thương mại luôn phải đề phòng và chấp nhận rủi ro. Điều này sẽ làm giảm uy tín của Mỹ. Mặt khác, những chính sách thương mại này sẽ là động lực cho Trung Quốc cải cách kinh tế.

Giám đốc Huawei đã khẳng định sẽ không mở cửa hàng trên đất Mỹ “Ngay cả khi Mỹ bày tỏ yêu cầu chúng tôi mở cơ sở ở đó, chúng tôi cũng sẽ không làm”.

Hãng công nghệ Trung Quốc đã tiêu tốn khoảng 67 tỷ USD mỗi năm để nhập linh kiện, trong đó đã chi khoảng 11 tỷ USD cho các nhà cung ứng Mỹ. Huawei phụ thuộc nhiều nhất vào các doanh nghiệp Mỹ ở mảng linh kiện bán dẫn. Thời gian tới, hãng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông.

Trái với niềm tin lạc quan của chủ tịch Huawei, nhiều người đang sở hữu thiết bị của hãng công nghệ Trung Quốc đã tỏ ra lo lắng trước thông tin này. Không chỉ về mặt phần cứng, các thiết bị Huawei sản xuất trong tương lai sẽ không được sử dụng các phần mềm và dịch vụ độc quyền của Google như YouTube, Gmail, Play Store…

Geoff Blaber, Phó chủ tịch nghiên cứu của CCS Insight nhận định “Những ứng dụng đó rất quan trọng để các nhà sản xuất smartphone cạnh tranh ở thị trường châu Âu”.

Dù Huawei đã có vài năm chuẩn bị cho vấn đề này, tuy nhiên những công nghệ dự phòng của hãng vẫn chưa đủ đáp ứng nguyện vọng của người dùng. Ở các thị trường ngoài Trung Quốc như châu Âu, khách hàng sẽ không muốn sở hữu một chiếc smartphone mà chẳng thể truy cập được vào những dịch vụ Internet cơ bản.

Theo: (1), (2)

Góc quảng cáo