Sự sụp đổ của Yahoo – đế chế từng là cánh cổng đưa người dùng tới World Wide Web bắt nguồn từ ngay những ngày tháng hoàng kim, khi không nhân viên nào của họ  thực sự hiểu tên tuổi của họ gắn với lĩnh vực nào.

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai

Năm 2006, trong một khách sạn tại San Jose, bang California (Mỹ), Yahoo tổ chức một kỳ nghỉ hè dành riêng cho các lãnh đạo của công ty. Lúc này họ vẫn đang là một trong những người khổng lồ Internet và vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu khó khăn nào cả.

Bước qua sinh nhật lần thứ 10, hãng vẫn đang ở trên đỉnh cao. Trong năm trước đó, gã khổng lồ Internet này đã đạt 1,9 tỷ USD lợi nhuận trên 5,3 tỷ USD doanh thu. Những ngày khó khăn của cuộc khủng hoảng dot-com đã trôi xa, lúc này Yahoo đang tận hưởng vị thế thống trị trên một trong những lĩnh vực “hot” nhất thế giới để thu về những bản hợp đồng quảng cáo màu mỡ với những nhãn hàng nổi tiếng nhất thế giới.

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai

Nhưng trong trò chơi được tổ chức tại khách sạn San Jose, các vị lãnh đạo của Yahoo đã được hỏi một câu hỏi thú vị: từ đầu tiên mà họ nghĩ tới khi nhắc tới tên của một công ty là gì? Những cái tên lớn nhất của ngành công nghiệp hi-tech được nhắc tới. eBay: đấu giá. Google: tìm kiếm. Intel: vi xử lý. Microsoft: Windows.

Vậy Yahoo là gì?

“Những câu trả lời rải rác khắp mọi nơi”, Brad Garlinghouse, người từng giữ vị trí phó chủ tịch Yahoo và hiện đang là COO của startup chuyên về dịch vụ chi trả Ripple Labs khẳng định: “Một vài người nói ‘mail’. Một vài người nói ‘tin tức’. Những người khác nói ‘tìm kiếm'”.

Trong khi nhiều người vẫn khẳng định rằng đây là trò chơi thú vị đã được hãng tổ chức lại nhiều lần, rõ ràng những câu trả lời không đồng nhất này là một dấu hiệu báo trước tương lai không mấy êm ả dành cho công ty này.

Quả thật, quá trình trượt dài của Yahoo với đỉnh điểm là thương vụ “bán mình” cho nhà mạng Verizon với giá trị chỉ 4,5 tỷ USD vào tuần qua, đã kéo dài trong vòng hơn 1 thập kỷ. Phần lớn các nhà quản lý cũ của Yahoo được Reuters phỏng vấn – những người hiện đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty đặt tại Thung lũng Silicon – đều đồng ý rằng sự sụp đổ của hãng có khởi điểm là những lựa chọn sai lầm của các lãnh đạo “chóp bu” đưa ra khi gã khổng lồ này vẫn còn đang tận hưởng những ngày tháng hoàng kim từ giữa thập niên 2000.

Yahoo đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội to lớn: năm 2002 gã khổng lồ từ chối mua Google với giá “chỉ” 3 tỷ USD; năm 2006 tiếp tục bỏ lỡ cơ hội mua Facebook với giá cũng “chỉ” 1 tỷ USD. Những cơ hội thâu tóm YouTube và Skype lần lượt bị bỏ lỡ.

Đau đớn nhất, năm 2008 Yahoo suýt nữa đã được Microsoft mua lại với giá 45 tỷ USD (tức là cao gấp 10 lần giá bán cho Verizon) trước khi thương vụ này bị chính bộ máy lãnh đạo của họ vùi dập.

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai
Yahoo Messenger, một sản phẩm từng được ưa thích tại Châu Á.

Những cơ hội bị bỏ lỡ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến họ sụp đổ. Theo nhiều nhà quản lý từng làm việc tại Yahoo, công ty tiên phong trong lĩnh vực Internet này đã quá tập trung vào mô hình quảng cáo truyền thống và cũng đã hoạt động theo cách quan liêu tới mức không thể theo kịp phần còn lại của thế giới hi-tech, vốn lúc nào cũng dịch chuyển như vũ bão.

Greg Cohn, người từng là giám đốc sản phẩm cao cấp của Yahoo và hiện là CEO tại công ty ứng dụng di động Burner cho biết: “Việc tìm được cả sự đồng thuận lẫn vốn đầu tư cho các dự án sản phẩm mới là cực kỳ khó khăn. Nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm mới và bộ phận quản lý trang chủ không muốn hỗ trợ sản phẩm này, bạn coi như đã thất bại”.

Thế rồi, đến khi Google thay thế họ để trở thành bến đỗ đầu tiên của người dùng Internet – cánh cổng để họ bước chân sang các trang web khác, Yahoo vẫn không thể xác định được vai trò của mình trong thế giới công nghệ là gì.

Cho đến tận ngày hôm nay, Yahoo vẫn có hơn 1 tỷ người dùng và cũng đã liên tục chuyển hướng sang tập trung vào lĩnh vực di động dưới quyền điều hành của nữ CEO Marissa Mayer. Thế nhưng 1 tỷ người dùng không thể giúp cho Yahoo vượt khó, và đến tuần vừa qua các mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo đã bị bán lại cho Verizon.

Trong tương lai gần, gã khổng lồ Internet một thời sẽ tiếp tục hoạt động với vai trò công ty nắm cổ phần của Alibaba và Yahoo Japan, vốn là 2 món đầu tư có giá trị cao hơn rất nhiều so với mảng kinh doanh cốt lõi vừa bị bán cho Verizon.

Tấm thảm màu tím

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai
Terry Semel

Năm 2001, khi vừa kết thúc nhiệm kỳ đầy thành công tại studio phim Warner Bros, Terry Semel chính thức trở thành CEO của Yahoo. Sự kiện này có vẻ đã giúp Yahoo trở lời một câu hỏi từng khiến nhiều công ty Internet phải đau đầu: “Chúng ta là công ty công nghệ hay công ty truyền thông?”

Trong nhiều năm, định hướng tập trung vào mảng truyền thông đã tỏ ra đúng đắn khi các công ty quảng cáo truyền thống – vốn đang thèm muốn được tham gia lĩnh vực Internet mới mẻ – đổ xô tới mảnh đất Yahoo đầy màu mỡ. Doanh thu của Yahoo năm 2001 chỉ đạt mức 717 triệu USD. 6 năm sau, con số này tăng lên thành 7 tỷ USD.

Vốn là những người sành sỏi trên lĩnh vực truyền thông, CEO Semel cùng bộ sậu lãnh đạo của mình đã giúp cho một startup Internet nhỏ bé trở thành một tập đoàn khổng lồ, không chỉ hoạt động có lãi mà còn thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành quảng cáo truyền thống.

“Từ góc nhìn của tôi, lúc đó chúng tôi là một công ty truyền thông”, cựu COO Dan Rosenweig của Yahoo trong thời gian từ 2002 tới 2007 và hiện là CEO của công ty giáo dục trực tuyến Chegg Inc. khẳng định. “Lúc đó không có vẻ gì là chúng tôi sẽ đánh bại Google trên lĩnh vực tìm kiếm… Không ai phủ nhận rằng chúng tôi không phải là trang chủ lớn nhất trên Internet”.

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai
Trang chủ cũ, tài sản lớn nhất của Yahoo.

Nhưng đó không phải là vấn đề với Yahoo. Say mê trong cơn khát truyền thông, Yahoo mang màu tím đặc trưng của mình phủ sóng khắp đại bản doanh. Màu tím của Yahoo hiện diện trên lớp kem của những chiếc bánh, trên chiếc thảm đón khách và cả trong những ly cocktail.

Theo hồi tưởng của Wenda Harris Millard, giám đốc kinh doanh của Yahoo từ năm 2001 đến năm 2007 và hiện là COO của công ty phát triển doanh nghiệp MediaLink, “Khi Coca Cola tới thăm, chúng tôi trải chiếc thảm tím ra đón chào”.

Theo Millard, tất cả các công ty quảng cáo lớn, từ Coca Cola đến General Motors, đều muốn ghé thăm Yahoo ít nhất là một lần mỗi năm. “Lúc đó, mảng kinh doanh của chúng tôi với họ có trị giá hàng tỷ USD”, vị cựu giám đốc Yahoo khẳng định.

Cái bẫy trên đỉnh cao

Nhưng sự kiêu ngạo và những khoản doanh thu khổng lồ từ các bản hợp đồng quảng cáo màu mỡ đã trở thành cái bẫy khiến Yahoo vấp ngã. Cũng giống như ngành quảng cáo in ấn – những công ty từ chối thay đổi ngay cả khi ai cũng đã hiểu rằng lĩnh vực của họ đã chết, Yahoo đã không thể thoát ra khỏi tư tưởng “quảng cáo truyền thông” trong khi đó rõ ràng không phải là chìa khóa nắm giữ tương lai.

Theo Paul Graham, nhà đồng sáng lập của công ty đầu tư công nghệ Y-Combinator và cũng là đối tác của Yahoo trong một thương vụ mua lại startup: “Hậu quả lớn nhất của định hướng truyền thông là ở chỗ họ không coi trong vấn đề lập trình. Microsoft, Google và Facebook đều xây dựng văn hóa tập đoàn theo kiểu hacker. Nhưng Yahoo chỉ coi lập trình là một thứ tầm thường”.

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai
Yahoo Groups

Càng ngày, hậu quả của định hướng sai lầm này càng rõ ràng. Năm 2003, Yahoo mua lại Overture, một công ty đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ra công nghệ quảng cáo đã giúp cho Google trở nên giàu có như hiện nay. Ấy vậy nhưng Yahoo chẳng bao giờ tạo ra được một nền tảng quảng cáo nào có thể thực sự cạnh tranh với AdWords và AdSense của Google cả.

Tiếp đến, Panama, nỗ lực đắt đỏ nhằm tái xây dựng mảng tìm kiếm và quảng cáo của Yahoo cũng đã kết thúc trong thất bại.

Bi thảm hơn, những sản phẩm đi đầu thị trường như Yahoo Mail hoặc những nỗ lực mạng xã hội đầu tiên như Yahoo Groups đều không được đầu tư đúng mực do các nhà điều hành còn mải mê tranh cãi xem sản phẩm nào sẽ được đặt lên trang chủ “cao giá” của Yahoo. Theo 3 nhà lãnh đạo cũ, các thương vụ sáp nhập đầy tiềm năng như trang chia sẻ ảnh Flickr hoặc dịch vụ chia sẻ địa điểm Delicious đều lụi tàn sau khi về tay Yahoo.

Nhân viên cũ của Yahoo khẳng định họ phải ngập chìm trong vô số những buổi họp nội bộ vô nghĩa. Mục tiêu của Yahoo liên tục thay đổi. Theo lời kể của cựu giám đốc sản phẩm cao cấp Greg Cohn, nỗ lực biến Yahoo thành một nền tảng mở cho các ứng dụng của bên thứ ba – tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt, ví dụ như dung lượng – đã bị các nhà quản lý phụ trách sản phẩm nội bộ của Yahoo dập tắt.

Cuối cùng, tiền vốn của Yahoo bị rải mỏng ra bởi quá nhiều các nỗ lực nửa vời không mang lại kết quả tích cực nào cả.

Nhà dột từ nóc

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai
Nhà đồng sáng lập Jerry Yang

Năm 2007, tình cảnh khó khăn của hãng trở nên rõ ràng: các sản phẩm của “người hùng Internet” một thời ngày một thất thế, trong khi Google củng cố vị thế thống trị của mình trên mảng tìm kiếm và các tên tuổi mới nổi nhưng hùng mạnh như Facebook khiến cho ánh hào quang của Yahoo ngày một lụi tàn. CEO Semel từ nhiệm để nhường lại ghế nóng cho nhà đồng sáng lập Jerry Yang.

Những kế hoạch hồi phục của Yang dành cho Yahoo đã nhanh chóng đổ bể vì một sự kiện quan trọng: đầu năm 2008, Microsoft ngỏ ý mua lại Yahoo với giá 45 tỷ USD. Khoản tiền hấp dẫn này đã khiến cho Yahoo bị chia cắt làm hai nửa đối nghịch nhau. Ngay cả khi Microsoft đã rút lại đề nghị, sự chia cắt trong nội bộ Yahoo vẫn không được hàn gắn.

Chỉ trong vòng vài tháng, Jerry Yang lại từ bỏ Yahoo. Nội bộ công ty rối loạn khi 3 vị CEO lần lượt lên nắm quyền rồi từ nhiệm trong khoảng thời gian từ 2008 tới 2014. Khủng hoảng lãnh đạo khiến cho hội đồng quản trị, các nhà quản lý cũng như toàn bộ các nhân viên của Yahoo không thể tìm được một mục đích chung, một quyết tâm chung.

Khi Marissa Mayer lên nắm quyền, Yahoo đã bị Thung lũng Silicon coi là tàn dư từ một thời đại khác. Công ty lúc này vẫn còn một lượng tiền mặt lớn, nhưng lại chẳng có vũ khí nào để chống lại các đối thủ cạnh tranh. Theo nhiều nhà phân tích thị trường cũng như các cổ đông, Mayer đã khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với những thương vụ sáp nhập và các lựa chọn tuyển dụng thất bại.

Bi kịch Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai
Yahoo, “mồ chôn” của những startup khởi nghiệp xuất sắc (unicorn)

Khi công bố thương vụ Verizon, bà Marissa Mayer vẫn tỏ ra tự tin và khẳng định rằng thương vụ này sẽ giúp cho gã khổng lồ một thời có thể tiếp tục bám đuổi các đối thủ cạnh tranh trên các lĩnh vực di động, quảng cáo và tìm kiếm. Thế nhưng, trong thế giới công nghệ gần như không có bất kỳ một ông lớn nào có thể đứng dậy sau khi ngã, ai cũng hiểu rằng tuyên bố của nữ CEO này chỉ là sự hoang tưởng cuối cùng của một gã khổng lồ hơn 10 năm trời không biết mình là ai.

Theo GenK

Góc quảng cáo