VNPT vừa xác nhận thông tin đang xảy ra sự cố mất liên lạc 700G tuyến cáp quang biển AAG. Còn theo đại diện một ISP, ngoài sự cố xảy ra trên cáp AAG hướng HongKong, 2 tuyến cáp biển khác là IA và SMW3 cũng đang gặp phải sự cố. 

Tuyến cáp quang biển AAG lại gặp sự cố

Việc cùng lúc 3 tuyến cáp biển IA, AAG và SMW3 cùng gặp sự cố được các chuyên gia nhận định là khá hy hữu và gây nhiều khó khăn cho các ISP trong việc đảm bảo lưu lượng kết nối Internet quốc tế cho các khách hàng.

Thông tin từ một đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho hay, từ chiều nay, ngày 27/8/2017, cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế là Asia America Gateway (AAG), Liên Á (IA) và SMW3 đều đang gặp sự cố, mất lưu lượng trên tuyến, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế.

Trong đó, thông tin từ các ISP cũng cho hay, 2 tuyến cáp biển AAG và IA đều gặp sự cố với hướng kết nối HongKong. Các chuyên gia phỏng đoán sự cố xảy ra với các tuyến cáp biển này nhiều khả năng do ảnh hưởng của bão quan khu vực HongKong.

Thông tin từ nhà mạng VNPT phát ra tối nay đã xác nhận đang xảy ra sự cố mất liên lạc 700G cáp AAG, chưa xác định nguyên nhân. Thời điểm hiện tại, VNPT đang tìm hiểu xác minh nguyên nhân và định tuyến lưu lượng ứng cứu cho khách hàng.

Hiện nay, việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, bên cạnh các tuyến cáp đất liền qua biên giới phía Bắc, hiện đang dựa chủ yếu vào 4 tuyến cáp biển chính là IA, AAG, SMW3 và APG. Trong đó, IA, AAG cập bờ tại Vũng Tàu, còn 2 tuyến SMW2 và APG cập bờ tại Đà Nẵng.gồm kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.

Theo các chuyên gia, IA và AAG hiện vẫn đang đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng dung lượng Internet Việt Nam kết nối đi quốc tế khá lớn. Tuyến cáp AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)… Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.

Còn với cáp biển Liên Á, tuyến cáp này được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009 có tổng chiều dài 6.800 km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông và Nhật Bản. Hệ thống có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD và cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320Gbps. Hệ thống cáp quang biển Liên Á được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.

Trao đổi với ICTnews, một chuyên gia đánh giá việc đồng thời 3 tuyến cáp biển gặp sự cố sẽ khiến cho các ISP sẽ rất “căng”, khó đảm bảo dung lượng kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết thời điểm hiện tại chưa thể xác định các tuyến cáp biển AAG, IA và SMW3 bị đứt.

Nguồn: ICTnews


Xác nhận với Thanh Niên, đại diện nhà mạng VNPT cho biết tuyến cáp quang biển AAG đang gặp sự cố, dẫn đến lưu lượng internet đi quốc tế qua tuyến cáp này bị chậm.

Tuyến cáp quang biển AAG lại gặp sự cố
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

VNPT cho biết vào chiều 27/8 đã xảy ra sự cố mất tín hiệu tại tuyến cáp quang biển AAG. Nhà mạng này đang tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ rằng chưa thể khẳng định tuyến cáp quang này có đang bị đứt hay không.

Trước đó, vào tháng 2 vừa qua tuyến cáp quang biển AAG đã xảy ra sự cố đứt cáp cập bờ khu vực Hồng Kông, ảnh hưởng lưu lượng internet quốc tế trên tuyến cáp AAG. Sau đó, phải đến ngày 10/4 tuyến cáp biển AAG mới được khôi phục xong.

Được biết, Việt Nam có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, có chiều dài hơn 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt 2,88 Tb/s, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.

Hiện tại, tuyến cáp quang biển AAG đang được nhiều nhà mạng sử dụng như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, SPT…

Việc tuyến cáp quang AAG gặp lỗi có thể làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối internet đi quốc tế. Tuy nhiên, với những truy cập trong nước thì không bị ảnh hưởng gì.

Được biết một số nhà mạng tại Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai sử dụng tuyến cáp quang biển APG, có băng thông 54 Tb/s, gấp nhiều lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG. Tổng chiều dài tuyến cáp APG là 10.400 km, có giá trị đầu tư toàn tuyến khoảng 600 triệu USD.

Nguồn: Thanhnien


Góc quảng cáo