Theo Android Authority, năm 2020 đánh dấu khá nhiều thành công của Apple, cả về sản phẩm phần cứng, phần mềm, dịch vụ lẫn hệ sinh thái. Trong khi đó Google và Android chỉ trải qua một năm bình thường, chưa có nhiều cải tiến nổi bật.
Trong cuộc chiến cạnh tranh năm 2020 Apple đã chiếm được nhiều ưu thế hơn, công ty cũng có tầm nhìn và lộ trình phát triển rõ ràng trong vài năm tới. Trái lại, Google và hệ điều hành Android chỉ dừng ở mức kinh doanh bình thường. Nhìn chung thị trường công nghệ năm nay có nhiều sản phẩm tốt, nhưng xét về chiến lược lâu dài, có vẻ như “gã khổng lồ công nghệ” cần có nhiều đột phá hơn để có thể cạnh tranh với đối thủ.
iPhone SE 2020 của Apple vừa ra mắt vài tháng trước được đánh giá cao bởi mức giá phù hợp, hiệu suất tiên tiến và được tích hợp nhiều tính năng ưu việt. Sản phẩm khiến nhiều người tin rằng thật khó để có một thiết bị Android kết hợp đủ 3 yếu tố này. iPhone SE 2020 đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất Android cần theo đuổi để cạnh tranh.
Những sản phẩm iPad, Watch Series 6 và iPhone 12 mà Nhà Táo ra mắt năm nay đều được tinh chỉnh lại sao cho phù hợp với đại đa số người dùng. Hơn nữa, Apple luôn biết cách tiếp thị và quảng bá sản phẩm, chính điều này giúp họ luôn nắm giữ thị phần nhất định trong mảng máy tính bảng và đồng hồ thông minh, vượt trội hơn các thiết bị Android. Từ năm ngoái, công ty đã bắt đầu thay đổi các dịch vụ đăng ký, kết hợp theo gói Apple One với giá cạnh tranh, thu hút được nhiều đối tượng khách hàng. Vì vậy những chiến dịch truyền thông cạnh tranh khác sẽ không ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của Táo Khuyết.
Nhà Táo đã kết thúc năm 2020 bằng một sự thay đổi lớn: chip Apple silicon tùy chỉnh riêng. Cuối cùng “gã khổng lồ Cupertino” cũng đã không còn phụ thuộc và CPU của Intel nữa, hãng có thể toàn quyền kiểm soát từ bộ xử lý đến hệ điều hành. Những sản phẩm trong tương lai sẽ được “gã khổng lồ Cupertino” tùy ý nâng cấp cả về hiệu suất, các tính năng bảo mật lẫn tiện ích sao cho phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Việc máy Mac chuyển sang chip M1 dựa trên Arm sẽ dần xóa nhào ranh giới giữa máy tính cá nhân và thiết bị di động, đồng nhất cấu trúc bộ xử lý với các nền tảng iPhone, iPad. Chip Apple M1 ra mắt chắc chắn sẽ tác động mạnh tới thị trường laptop trong thời gian tới. Mô hình Wintel, hệ sinh thái Windows on Arm… đang chịu nhiều áp lực vì sự phát triển của Apple. Và điều chắc chắn là Táo Khuyết đã lên kế hoạch cụ thể để có một năm 2021 nhiều bức phá.
Tuy nhiên những thành công Apple đạt được năm nay vẫn chưa hoàn hảo vì hãng cũng gây ra rất nhiều tranh cãi.
Chiến thắng chưa hoàn hảo
Đầu tiên là vụ đụng độ với Epic Games, công ty phát triển game Fortnite đình đám, về việc thu 30% doanh thu và một sô điều kiện xuất bản. Khi căng thẳng leo thang, Apple đã xóa Fortnite khỏi App Store. Mặt khác, Táo Khuyết cũng tranh chấp về vấn đề hoa hồng với dịch vụ email Hey. Nhiều ý kiến cho rằng Apple chèn ép các nhà phát triển ứng dụng, khiến công ty phải giảm tỷ lệ hoa hồng xuống còn 15% cho các nhà phát triển nhỏ.
Về phần cứng, tai nghe AirPods Pro Max ra mắt với mức giá quá cao, lên đến 550 USD, chưa thực sự thu hút được những khách hàng đam mê trải nghiệm âm thanh. Trong khi những sản phẩm khác cùng phân khúc như WH-1000XM4 của Sony và tai nghe chống ồn Bose 700 lại có giá rẻ hơn nhiều. Ngoài ra, việc Apple loại bỏ cốc sạc khỏi hộp iPhone 12 với lý do chống lãng phí và bảo vệ môi trường cũng gây ra khá nhiều tranh cãi.
Việc chuyển sang cáp USB-C khiến một số khách hàng không thể sạc iPhone 12 mới bằng bộ sạc iPhone trước đó và phải mua bộ sạc USB-C mới. Điều này làm lung lay lập luận chống lãng phí của Apple.
Android cũng có một vài chiến thắng nhưng vẫn thua Apple trong cuộc chiến hệ sinh thái
Năm 2020 Apple có một vài thất bại về mặt quảng bá và tiếp thị. Tuy nhiên những sản phẩm phần cứng và hệ sinh thái ra mắt trong năm nay đã giúp công ty có một vị trí vững chắc hơn, và tầm nhìn cho năm 2021 khá rõ ràng. Với Android thì lại khác.
Năm 2020 đánh dấu sự xuất hiện của một số mẫu điện thoại Android với thông số ấn tượng và mức giá phải chăng, đặc biệt là các dòng 5G tầm trung như Google Pixel 4A 5G và OnePlus Nord. Từ lâu Android luôn được đánh giá cao về hiệu suất và giá thành nhưng những sản phẩm cao cấp ra mắt năm nay lại không tạo được nhiều tiếng vang vì chưa đủ đột phá khi so sánh với hệ sinh thái của Apple.
Táo Khuyết đang có kế hoạch xây dựng một nền tảng thống nhất cho smartphone, các thiết bị thông minh như đồng hồ đeo tay, TV và máy tính cá nhân. Công ty đang hoàn thiện hệ sinh thái của mình, nhằm đảm bảo tất cả thiết bị và dịch vụ đồng bộ với nhau một cách tốt nhất trong tương lai. Các nhà sản xuất thiết bị Android không thể làm được điều này vì họ đang dựa vào Google, Microsoft và một số hãng công nghệ khác mới có thể liên kết các thiết bị với nhau.
Samsung có lẽ là thương hiệu Android duy nhất có dải sản phẩm đủ rộng để cạnh tranh với Apple. Hãng công nghệ Hàn Quốc đang có một loạt thiết bị thông minh như smartphone, đồng hồ, loa, máy tính bảng… Nhưng Samsung không có nền tảng PC mạnh và chưa phát triển về lĩnh vực phát trực tuyến như Apple. Bên cạnh đó, Google cũng tự xem mình là đối thủ cạnh tranh của Apple nhưng lại không có lượng sản phẩm đa dạng ở những mảng khác.
Bản cập nhật Google TV dành cho Android TV có cung cấp một số cải tiến hệ sinh thái rất cần thiết để phát trực tuyến. Tuy nhiên Chromebook hiện tại chưa thể hợp nhất nền tảng di động và PC của Google. Không giống với Arm-Mac của Apple. Nhìn chung, Assistant và các dịch vụ của Google vẫn là cho trải nghiệm tốt khi sử dụng trên nhiều thiết bị, nhất là trong ô tô và nhà thông minh. Nhưng Google vẫn chưa có chiến lược hợp nhất ứng dụng trên các nền tảng. Hơn nữa, TV, thiết bị đeo tay và game trên nền tảng của Google vẫn còn rời rạc, chưa liên kết và kém phát triển.