Mới đây cộng đồng Facebook vừa xuất hiện nhiều thông tin công khai mua bán tiền giả, ngoài việc những tờ bạc này vô giá trị khi giao dịch qua ngân hàng, nạn tiền giả thường nhắm đến đối tượng là những người nghèo và thiếu kiến thức phân biệt để trục lợi.
Mới đây, trang Vietnamnet đã có thông tin hiện trên thị trường đang xuất hiện tờ tiền polymer giả với mệnh giá 200.000 đồng với hình thức rất giống tiền thật, dù rằng yếu tố bảo an chưa được làm tinh xảo như hàng thật, song vẫn rất dễ gây ngộ nhận. Theo báo Dân Trí thì vào năm 2013 tỉnh Lạng Sơn đã bắt và thu giữ một lượng tiền giả lên đến 200 triệu đồng, điều này cho thấy lượng tiền giả trên thị trường rất có khả năng được tuồn về từ Trung Quốc.
Xu hướng mua bán tiền giả mới đây đã trở nên đáng cảnh báo khi các thông tin giờ đây đã được đăng tải công khai trên mạng xã hội Facebook. Cộng đồng người dùng Việt trên mạng xã hội này đang chia sẻ việc một tài khoản có tên Bích Ngọc đang chấp nhận mua 5 triệu tiền giả để đổi lấy 1 triệu đồng tiền thật.
Chưa hết, nick name Bích Ngọc còn ghi thêm thông tin hướng dẫn sử dụng loại tiền giả này ở các khu vực cần thanh toán tiền mặt như trạm xăng, đi chợ…
Khi sử dụng công cụ tìm kiếm của Facebook với tên “mua bán tiền giả”, có thể thấy các đối tượng này đã lập ra khá nhiều nhóm (Group) cũng như trang Fanpage để rao vặt nhằm tìm kiếm khách hàng.
Dưới đây là cách phân biệt tiền giả mệnh giá 200.000 đồng:
– Soi tiền giả trước nguồn sang thì hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không có các chi tiết in tinh xảo, sáng rõ như tiền thật.
– Hình ảnh trên mặt trước và hình ảnh trên mặt sau in trên cùng một vị trí của tiền giả không khớp khít, không cân đối và không tạo thành các khe sáng trắng đều nhau như tiền thật.
– Mực đổi màu được in giả bằng mực nhũ vàng, khi nhìn nghiêng sẽ không đổi từ màu vàng sang màu xanh lá cây như của tiền thật.
– Kiểm tra cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn (DOE) như tiền thật.
– Tiền giả có in thêm các ký tự tương ứng bằng mực không màu tại các vị trí như: chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chữ và số mệnh giá (lớn) trên mặt trước; chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, chữ và số mệnh giá trên mặt sau. Vuốt nhẹ tại các vị trí này cũng cảm nhận được độ nổi nhưng không nhám, ráp như tiền thật.
– Khi soi tiền giả dưới đèn cực tím, số sêri dọc và số sêri ngang không phát quang, có làm giả mực không màu phát quang nhưng cường độ yếu, không sáng rõ như tiền thật.
– Tiền giả polymer thường được in trên nền nilon thông thường nên rất dễ bị giãn hoặc rách; không bền và không có độ đàn hồi đặc trưng như polymer. Vì vậy có thể kiểm tra bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền, nếu là tiền thật sẽ rất khó rách. Trường hợp nữa là nắm tờ tiền trong lòng bàn tay, nếu là tiền thật thì khi mở ra sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu.
Để biết thêm thông tin, bạn đọc có thể tham khảo mục Tiền Việt Nam trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.