Nghiên cứu từ công ty an ninh mạng SAM Seamless Network cho thấy camera an ninh chiếm 47% thiết bị thông minh dễ bị tấn công nhất, đa số trong đó là những mẫu camera IP giá rẻ.

Camera an ninh, thiết bị IoT dễ bị tin tặc tấn công nhất

Nhiều người dùng không quan tâm đến việc bảo mật các sản phẩm IoT (Internet of Things – thiết bị kết nối thông minh), tuy nhiên những thiết bị này lại có thể cung cấp cho tin tặc một cổng xâm nhập vào dữ liệu trên nhiều máy khác được kết nối cùng mạng như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh…

Nghiên cứu cho thấy, trung bình một hộ gia đình Mỹ có 17 sản phẩm thông minh được kết nối mạng, trong khi các gia đình ở châu Âu có 14 thiết bị. Trong những thiết bị kết nối mạng từ máy tính, điện thoại đến TV thông minh và dụng cụ nhà bếp, hệ thống camera an ninh là thiết bị IoT bị hack nhiều nhất, chiếm 47%.

Tin tặc đã vượt qua lớp bảo mật của các mẫu camera IP giá rẻ. Do những thiết bị này thường có nền tảng bảo mật tương tự nhau, nghĩa là nếu kẻ xấu tìm ra lỗ hổng trên một máy, hắn sẽ tấn công được cả những mẫu khác.

“Nhiều cuộc tấn công nghiêm trọng nhắm vào camera IP. Mọi người có vẻ không thích đầu tư camera an ninh tốt vì giá cao nên họ chọn mua những sản phẩm rẻ hơn với độ bảo mật kém. Đây là những thiết bị rất dễ bị tấn công”, Omri Mallis, kiến trúc sư sản phẩm tại SAM Seamless Network cho biết.

Công cụ smart hub và thiết bị lưu trữ mạng là những sản phẩm dễ bị tấn công tiếp theo, chiếm lần lượt 15% và 12%. Máy in, TV thông minh, điện thoại IP cũng là những công cụ hay bị nhắm đến.

Sivan Rauscher, đồng sáng lập và CEO của SAM Seamless Network nói: “Bạn nghĩ không ai quan tâm đến TV thông minh của mình, nhưng khi thiết bị được kết nối với máy tính, nơi chứa tất cả dữ liệu và thông tin đăng nhập, thì lại trở nên rất nguy hiểm”.

Số liệu từ công ty bảo mật cho thấy trung bình mỗi ngày có năm cuộc tấn công trên những thiết bị IoT, chủ yếu diễn ra vào nửa đêm – vì thời điểm này người dùng thường đã ngủ và không thể chú ý đến thiết bị.

Các cơ quan quốc tế của Liên minh châu Âu và chính phủ một số quốc gia như Anh, Mỹ… đã bắt đầu kiểm tra, khắc phục mối đe dọa từ những thiết bị IoT không an toàn. Rauscher cho rằng cần phải thực hiện sớm và nhiều hơn nữa.

“Chúng tôi cần điều tra chuyên sâu và liên tục để hiểu các lỗ hổng đến từ đâu. Hy vọng quy định, chính sách sắp tới của chính phủ về IoT và các thiết bị kết nối mạng sẽ khiến mọi người chú ý hơn vào việc bảo mật”, Rauscher nói.

Theo ZDNet

Góc quảng cáo