Một trong những lý do khiến tốc độ Internet chậm đột ngột là bị nhà mạng bóp băng thông.

Nếu thường xuyên gặp tình trạng tốc độ tải game, xem phim hay truy cập các trang web chậm hơn bình thường, một trong những nguyên nhân chính là do bị nhà mạng bóp băng thông Internet.

Về cơ bản, bóp băng thông là cách mà các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) sử dụng để hạ thấp tốc độ Internet có chủ đích. Ví dụ, họ có thể bóp băng thông khi người dùng sử dụng quá nhiều lưu lượng, hoặc ở một khung giờ nhất định trong ngày để tránh nghẽn mạng, giảm lượng dữ liệu xử lý và tiết kiệm chi phí.

Bóp băng thông có thể xảy ra trên các website, dịch vụ Internet hoặc trên thiết bị truy cập của người dùng (smartphone, máy tính, máy chơi game…).

Cách kiểm tra xem bạn có bị 'bóp băng thông' Internet
Bóp băng thông Internet thường được các nhà mạng thực hiện để giảm tắc nghẽn mạng, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Lifewire.

May mắn thay, bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra nếu cho rằng mình bị nhà mạng bóp băng thông, đồng thời cài đặt một số công cụ hỗ trợ theo hướng dẫn trong bài viết từ CNET.

Bước 1: Kiểm tra tốc độ Internet

Có rất nhiều công cụ giúp bạn kiểm tra tốc độ Internet. Công cụ đơn giản nhất được khuyến nghị là M-Lab. Nó sẽ đo tốc độ tải lên/tải xuống rồi đưa ra kết quả để bạn so sánh với con số được nhà mạng công bố.

Cách kiểm tra xem bạn có bị 'bóp băng thông' Internet
M-Lab là công cụ đo tốc độ Internet đơn giản, dễ sử dụng. Ảnh chụp màn hình.

Lưu ý trước khi đo tốc độ, hãy ngắt mọi thiết bị Internet khác đang kết nối vào mạng, ngừng tải game, xem phim hoặc nghe nhạc để không còn yếu tố ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra.

Bước 2: Cài đặt công cụ VPN

Nếu đã đo tốc độ Internet và vẫn còn nghi ngờ, hãy thử tải một công cụ mạng riêng ảo (VPN). Các nhà mạng thường bóp băng thông dựa trên địa chỉ IP, do đó việc cài một VPN để thay địa chỉ IP khác có thể giúp bạn “ẩn mình”.

Cách kiểm tra xem bạn có bị 'bóp băng thông' Internet
Bạn có thể tải bất cứ công cụ VPN để kiểm tra liệu nhà mạng có bóp băng thông Internet hay không. Ảnh: Hostpot Shield.

Có rất nhiều công cụ VPN khác nhau với những ưu điểm riêng như Hotspot Shield, ExpressVPN hay ZenMate, đa số hỗ trợ mọi nền tảng phổ biến như Android, iOS, Windows, macOS, Chrome OS…

Bạn có thể truy cập website của từng VPN để so sánh giá, vùng phủ sóng và các quốc gia, máy chủ hỗ trợ rồi chọn công cụ phù hợp. Đa số VPN được cung cấp miễn phí, nhưng sẽ có một số tính năng nâng cao hoặc máy chủ bổ sung cần trả phí để sử dụng.

Bước 3: So sánh tốc độ khi bật và tắt VPN

Sau khi cài đặt và kích hoạt VPN, hãy đo tốc độ Internet bằng các công cụ như Fast.com hay Speedtest.net, tiếp đến tắt VPN rồi đo thêm một lần để so sánh.

Cách kiểm tra xem bạn có bị 'bóp băng thông' Internet
Nếu tốc độ đo được khi bật VPN nhanh hơn so với lúc tắt VPN, nhiều khả năng bạn đã bị nhà mạng bóp băng thông Internet. Ảnh chụp màn hình.

Thông thường, kích hoạt VPN sẽ tăng lưu lượng kết nối nên tốc độ truy cập sẽ chậm hơn đáng kể so với khi không kích họat. Tuy nhiên, nếu kích hoạt VPN mà tốc độ cho ra nhanh hơn bình thường, nhiều khả năng bạn đã bị nhà mạng bóp băng thông Internet. Do địa chỉ IP được ẩn khi dùng VPN nên nhà mạng sẽ không thể tìm ra bạn để bóp băng thông.

Bước 4: Khắc phục

Thực chất không có nhiều lựa chọn nếu Internet của bạn bị bóp băng thông. Trước tiên, hãy gọi đến nhà cung cấp để được hỗ trợ.

Cách kiểm tra xem bạn có bị 'bóp băng thông' Internet
Chuyển sang nhà cung cấp khác là giải pháp cuối cùng nếu đã làm mọi cách nhưng vẫn không thể cải thiện tốc độ Internet. Ảnh: Forbes.

Trong trường hợp kết nối vẫn chậm dù đã thường xuyên phản ánh, bạn có thể cân nhắc chuyển sang nhà mạng khác. Trước đó, hãy “dọa” nhân viên hỗ trợ về việc chuyển mạng, có thể họ sẽ không bóp băng thông của bạn nữa.

Nếu cảm thấy việc chuyển mạng phiền phức, bạn có thể sử dụng các công cụ VPN như trên để tạm thời truy cập Internet nhanh hơn.

Theo cafeland

Góc quảng cáo