Câu chuyện dưới đây được kể bởi Antonio García Martínez, cây viết cho trang Vanity Fair, cựu nhân viên Facebook và cũng là tác giả cuốn hồi ký “Chaos Monkeys: Obscene Fortune and Random Failure in Silicon Valley”. Mở đầu là văn hóa rất riêng của Facebook với các kĩ sư làm việc hàng chục giờ mỗi ngày, nó dẫn đến tình trạng báo động đỏ mà Facebook đã phải ban bố khi Google Plus ra mắt năm 2011. Qua câu chuyện này, bạn sẽ biết được khí thế của “cuộc chiến” này ra sao, các kỹ sư tại Facebook đã phải làm những gì để đè bẹp đối thủ lớn nhất của mình và buộc Google phải chia tay Google Plus dưới hình thức mạng xã hội.
Một thứ văn hóa độc đáo
Nhiều công ty ở Thung lũng Silicon có văn hóa theo hướng của mấy chàng kĩ sư, nhưng Facebook mang nó lên một tầm cao mới. Các kĩ sư là “ông hoàng” ở nơi này, và miễn là bạn làm được việc và không làm hỏng quá nhiều thứ thì bạn sẽ được huy chương vàng, tinh thần tìm hiểu, khám phá và làm việc chăm chỉ là những thứ cực kì quan trọng. Vào những ngày đầu, có một anh chàng sinh viên tên Chris Putnam đã viết ra một con virus để biến trang profile Facebook của bạn thành một thứ trông giống MySpace. Đáp trả lại, Facebook thay vì gọi FBI và các cơ quan pháp luật vào cuộc, đã mời Putnam về làm việc, vậy là Facebook đã có ngay một anh chàng cực giỏi, còn Putnam có ngay một công việc với mức lương nửa triệu đô một năm.
Mặc dù nhận được nhiều tiền, lại đang ở trong một thành phố nơi bạn có thể tiêu tiền cho nhiều thứ vui vẻ, nhưng Putnam vẫn “cắm trại” ở công ty tận 14 giờ mỗi ngày. Họ ăn ngày 3 bữa tại chỗ, đôi khi ngủ lại ở đó, và không làm gì khác ngoài việc viết mã lập trình, xem lại các mã đó hay nhận xét về những tính năng mới. Trong ngày Facebook lên sàn chứng khoán, khu vực Quảng cáo của công ty vẫn còn đầy lập trình viên làm việc tới 8 giờ tối thứ 6 mặc cho tin tức bên ngoài đang nóng hôi hổi.
Ở Facebook, ngày đầu tiên bạn đi làm sẽ được cả công ty chúc mừng như thể bạn là thánh sống. Sự kiện này được gọi là “Faceversary”, và tất cả mọi đồng nghiệp sẽ lên profile Facebook của bạn để chúc mừng công việc mới, giống như cách mà người ta chúc nhau vào ngày sinh nhật. Trên bàn làm việc của bạn cũng sẽ có sẵn một món quà gì đó bất ngờ, trong đó thường có 2 quả bóng. Nếu ai đó nghỉ việc hoặc qua đời, số bóng sẽ là 4 hoặc 5 và người ta xem như bạn đang rời khỏi cuộc đời, thậm chí có cả một tấm hình bia mộ của bạn, và gần như ngay sau đó, bạn sẽ được add vào một nhóm kín của các cựu nhân viên Facebook.
Đó là một thứ văn hóa rất riêng cho Facebook. Trong công ty này, từ sếp đến nhân viên đều là những con người thật sự tin tưởng rằng sẽ có một ngày tất cả mọi người trên thế giới đều xài Facebook, thứ đầu tiên họ mở khi bật máy tính lên sẽ là Facebook, đây là thứ mà Mark Elliot Zuckerberg và công ty của anh đã tạo ra.
Đè chết Google+
Tháng 6 năm 2011, Google ra mắt mạng xã hội cạnh tranh với Facebook tên là Google Plus, bằng việc kết hợp với những dịch vụ phổ biến khác của Google như Gmail và YouTube, đây là cách mà Google Plus có thể phát triển nhờ vào những sản phẩm đã đi trước. Ví dụ khi bạn dùng Gmail hay xem video YouTube và có thêm nút Sign in Google+, tốc độ tăng trưởng của mạng xã hội này sẽ rất nhanh theo kiểu cấp số nhân. Tất nhiên, bản thân mạng xã hội này cũng khá tốt, có những điểm hơn cả Facebook nhất là về mặt quản lý, chia sẻ hình ảnh, thiết kế của nó cũng đơn giản hơn, sạch sẽ hơn.
Ngoài ra, Google+ không có quảng cáo, bởi vì Google đã “trợ giá” cho nó bằng hệ thống quảng cáo AdWords mỏ vàng của mình rồi. Chiến lược này không mới lạ: Microsoft đã từng làm chuyện tương tự vào những năm 90 khi lấy doanh thu của Windows để chống lưng cho Internet Explorer, qua đó ‘đập chết’ Netscape Navigator.
Động thái này tương đối bất ngờ, bởi trong nhiều năm trước đó Google đã nổi tiếng là không thích ý tưởng của Facebook và chỉ tập trung vào mảng tìm kiếm của mình mà thôi. Nhưng trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhân tài của Google chuyển sang Facebook làm và điều đó chưa có dấu hiệu kết thức, Google bắt đầu lo lắng. Hãng đề ra chính sách counter-offer, tức là mỗi khi có nhân viên nào được Facebook nhận thì Google sẽ trả lương cao hơn, ưu đãi tốt hơn để giữ chân họ ở lại. Điều này tạo ra một làn sóng Googlers đi phỏng vấn xin việc tại Facebook, mục đích là để cầm lá thư offer việc làm của Facebook về lại Google nhằm cải thiện đồng lương. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều người thật sự bỏ Google đi sang Facebook làm việc.
Quay trở lại với Google Plus, sự xuất hiện của mạng xã hội này giống như một quả bom với Facebook. Zuck xem đây là mối đe dọa đến sự tồn tại của công ty giống như lúc Liên Xô đặt tên lửa hạt nhân lên đất Cuba năm 1962. Google Plus là một đối thủ cực lớn, và nó làm cho Zuck lo lắng hơn bao giờ hết.
Thế là Zuck ban bố tình trạng khẩn cấp được gọi nội bộ là Lockdown, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất Zuck làm như vậy. Lockdown được Facebook định nghĩa là tình trạng “chiến tranh”, khi đó không ai được phép rời khỏi văn phòng khi mà công ty đang phải đối diện với một mối nguy lớn, có thể là về mặt kĩ thuật hay về mặt cạnh tranh, kinh doanh.
Bạn sẽ thắc mắc tình trạng Lockdown được ban bố sẽ như thế nào?
Nhân viên Facebook nhớ lại rằng họ nhận được email vào 1 giờ 45 phút trưa ngày hôm đó, đúng vào hôm Google+ ra mắt. Trong email, nhân viên được chỉ dẫn là hãy tụ tập xung quanh Aquarium – căn phòng kính mà Zuck ngồi làm việc trong đó. Ở đó sẽ có một tấm biển ghi chữ Lockdown, giống như cách mà các khách sạn treo biển “Hết phòng” vậy, lúc đó tấm biển này đã được bật sáng lên.
Thường thì Zuckerberg không phải là một người nói giỏi. Bài phát biểu của ông đúng chất của những người chỉ lọc chữ lấy thông tin và nói rất nhanh như thể ông không có thời gian để làm cho câu từ của mình hay hơn. Đó đúng nghĩa là một bài phát biểu của những tay công nghệ chỉ suốt ngày cắm đầu vào máy tính và thường được người khác soạn giúp cho câu chữ.
Nhưng bài năm năm 2011 thì hơi khác một chút, đó là một bài nói hoàn toàn bất ngờ, không được chuẩn bị gì. Tất cả mọi nhân viên Facebook, từ nhà thiết kế, kĩ sư cho đến các quản lý sản phẩm đều đang có mặt ở đó, quang cảnh này giống như lúc một vị tướng nói chuyện với lính của mình trước khi ra trận. Zuck bắt đầu nói với một chất giọng hoàn toàn khác, từ giọng đều đều như giảng bài chuyển thành một nguồn lửa cháy rừng rực.
Nội dung mà Zuckerberg nói đi thẳng vào vấn đề: Google vừa ra mắt một sản phẩm đối thủ, và những gì mà bên này có được sẽ là sự thất bại cho bên còn lại. Việc Facebook có được tin dùng hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tập thể công ty khi mà toàn thế giới bắt đầu thử nghiệm giữa Google+, Facebook và quyết định xem họ thích cái nào hơn. Anh gợi ý về những thay đổi trong sản phẩm mà công ty có thể làm để cạnh tranh với đối thủ mới. Mục đích cuối cùng của bài phát biểu là truyền cảm hứng cho mọi người để họ nhận định ở mức cao nhất về sự ổn định, về trải nghiệm người dùng và về hiệu năng của hệ thống Facebook so với Google+.
Zuck nói thêm rằng việc làm xong, làm ra được sản phẩm sẽ tốt hơn là làm một sản phẩm hoàn hảo nhưng không biết bao giờ mới ra mắt. “DONE IS BETTER THAN PERFECT”, “PERFECT IS THE ENEMY OF THE GOOD”. Đây là hướng đi mới mà Zuck muốn Facebook đi theo sau khi hãng đã phải chịu một số “phốt” đáng xấu hổ liên quan tới các lỗi hệ thống.
Bài phát biểu kết thúc với sự hứng thú cao độ trong tập thể nhân viên công ty, mọi người bước ra khỏi căn phòng đó như thể họ sẵn sàng xâm lược một nước nào đó khi Zuck yêu cầu. Cảm hứng dâng lên cực kì cao. Google Plus phải bị tiêu diệt!
Khí thế dâng cao
Facebook nhanh chóng in ra một tấm poster ghi chữ CARTHAGO DELENDA EST, dây là câu nói bằng tiếng Latin, nó là lời hiệu triệu “Nước Carthage phải bị tiêu diệt” của Cộng hòa La Mã trong trận chiến tranh Punic vào thế kỷ thứ II. Poster nhanh chóng được phát khắp công ty. Facebook cũng thông báo rằng căng-tin và các quán cà phê trong cơ quan sẽ mở cửa xuyên suốt cuối tuần. Một vài nhân viên còn đề xuất cho xe buýt chạy trong những ngày cuối tuần. Điều này biến Facebook thành một công ty làm việc đủ 7 ngày trong tuần, và bất kể khi nào, nhân viên được kỳ vọng phải có mặt để làm việc.
Để không làm ảnh hưởng tới gia đình, Facebook khuyến khích người thân của nhân viên ghé thăm công ty vào cuối tuần và dùng bữa trong các nhà hàng tại đây, cho phép con cái tới thăm bố (vâng, mấy anh kĩ sư ở đây thì bố là chủ yếu chứ các mẹ thì ít) vào buổi trưa cuối tuần.
Vậy mọi người ở Facebook đang làm gì mà căng thẳng như vậy?
Với những người lo về giao diện, về ứng dụng, nói chung là những thứ mà người dùng sẽ xài, họ phải nghĩ kĩ hơn trước khi bắt đầu ra mắt một tính năng nào đó để không biến Facebook thành một đống hỗn độn. Với những người trong team quảng cáo, họ không có nhiều việc để làm ngoại trừ việc KHÔNG ra mắt một sản phẩm quảng cáo mới nào đó. Với những người làm hạ tầng, việc của họ là khiến Facebook trở nên nhanh nhất có thể.
Các nhóm trong nội bộ Facebook cũng bắt đầu mổ xẻ Google Plus ở tất cả mọi khía cạnh. Vào ngày Plus ra mắt, giám đốc sản phẩm Paul Adams đã nói chuyện rất nhiều với Zuck và một vài người cấp cao khác trong một căn phòng nhỏ. Adams từng làm cho Google ở vị trí liên quan tới Google+, vậy nên giờ ông chính là người hiểu rõ về sản phẩm Google nhất để giúp Facebook chống lại nó. Facebook không hề giỡn, đây là một cuộc chiến đúng nghĩa.
Trong khi đó, khi tác giả lái xe đi làm vào sáng chủ nhật, ông có ghé qua Google xem thử. Ở đây hoàn toàn trống trải, chẳng có ai đi làm cả. Trong khi vào cùng buổi sáng đó, tại Facebook ông phải vất vả tìm chỗ gửi xe, bãi xe đều không còn chỗ trống nào cả. Rõ ràng, Facebook đang là một công ty chiến đấu với cái chết.
Tất nhiên, Zuck không đốt cháy Google, không đối xử với vợ và con của nhân viên Google như nô lệ, và không rải muối lên đất của văn phòng Google để không có thứ gì có thể mọc lại ở đó như cách mà Rome đã làm với Carthage. Tuy nhiên, nó vẫn là một cuộc chiến khốc liệt mà việc thua cuộc sẽ để lại hậu quả cực kì lớn.
Về phía Google, Google Plus không chỉ đơn giản là một thứ Google làm ra để hạ bệ một sản phẩm nhỏ, tất cả nhân viên của Google được hướng dẫn là phải dồn sức cho Google Plus, nếu làm sản phẩm khác thì cũng phải đưa Google Plus vào. Ngay cả Search, mỏ vàng của Google, cũng sẽ tích hợp những chức năng mang hơi hướng mạng xã hội, kết quả tìm kiếm sẽ khác nhau tùy theo kết nối của bạn trên Google Plus, những thứ bạn share, hình ảnh, post, thậm chí là các đoạn chat, giờ sẽ trở thành một phần trong thuật toán tìm kiếm cực mạnh của Google.
Chiến thắng
Trong nỗ lực thu hút truyền thông, Google đã cho công bố những số liệu ấn tượng về mạng xã hội của mình. Tháng 9/2012, Google thông báo dịch vụ của họ đã có 400 triệu người đăng kí và 100 triệu người dùng tích cực. Facebook khi ấy chưa chạm tới mốc 1 tỉ người dùng, và phải mất 4 năm công ty mới chạy được đến con số 100 triệu mà Google đã đạt được trong chỉ một năm duy nhất, điều này càng gây ra nhiều nỗi sợ hơn cho Facebook.
Nhưng quang cảnh thật sự của cuộc chiến lại rất khác, dường như Google đang cố gắng tạo ra những con số này theo cách để làm hài lòng thế giới và hù dọa Facebook. Các kĩ sư Facebook nhanh chóng nhận ra rằng Google xem người dùng Google Plus là những người nhấp vào nút Google Plus ở bất kì đâu. Trong bối cảnh nút này xuất hiện ở khắp mọi sản phẩm Google, việc tăng trưởng nhanh như vậy là không khó hiểu. Người dùng Google Plus sau một lần thử qua cũng ít khi quay trở lại dùng tiếp.
Tháng 4 năm 2014, khi cuộc chiến của Google và Facebook đã gần tới hồi kết, Vic Gundotra, người khởi đầu ý tưởng Google Plus, cũng là người bật đèn xanh cho dự án và muốn sản phẩm ra mắt trong chỉ 100 ngày, chính thức nghỉ việc tại Google. Đây là dấu hiệu cho thấy Google đã từ bỏ ước mơ mạng xã hội của mình và chấp nhận thua cuộc trước một công ty mà từ trước đến giờ hãng không bao giờ nhắc tới. Động thái này càng rõ hơn khi hãng thông báo rằng nhiều sản phẩm của Google Plus, ví dụ như Hangouts hay Photos, sẽ được gộp chung vào nhóm Android.
Với những kĩ sư Facebook, việc này giống như là cách mà Google đang rút lui thay vì thừa nhận mình đã thất bại, họ biết rõ mình đã thắng. Tình trạng Lockdown đã đạt được thành công lớn.
Theo Tinhte