Trước tiên, người viết xin nhắc lại một câu chuyện lịch sử.

Thập niên đầu tiên của thế kỷ trước là giai đoạn hình thành của tầng lớp doanh nhân tư sản đầu tiên của Việt Nam. Khi đó, dưới chế độ thuộc địa, những người Việt có một chút vốn bắt đầu có suy nghĩ mở những cửa hàng, công ty kinh doanh.

Nhưng ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên, họ đã gặp phải hai đối thủ lớn là những nhà tư sản Pháp và các doanh nhân Hoa Kiều. Việc cạnh tranh với hai đối thủ này là một cuộc chiến không cân sức bởi người Pháp được bảo vệ bởi chính quyền, còn người Hoa vốn có truyền thống và kinh nghiệm kinh doanh từ lâu đời.

Trong bối cảnh đó, những doanh nhân Việt Nam đã phát động một phong trào cổ vũ tinh thần dân tộc của người Việt, với những khẩu hiệu như “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam không gánh vàng đi đổ sông Ngô”, với mục đích là khuyến khích dân ta tẩy chay hàng hóa của người nước ngoài để sử dụng hàng hóa của người Việt Nam. Thậm chí, phong trào này còn đi xa đến những hành động bạo lực khi một số xông vào đập phá các cửa hiệu của người Hoa, khiến chính quyền thực dân phải can thiệp.

Bphone và câu chuyện 100 năm 'Người Việt dùng hàng Việt'
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi là người nổi tiếng với triết lý cạnh tranh hướng đến tinh thần dân tộc

Bạch Thái Bưởi, một doanh nhân nổi tiếng thời kỳ này, cũng đã thể hiện rất rõ tinh thần dân tộc qua triết lý kinh doanh của mình: “Tôi kinh doanh trên đất nước tôi, xung quanh tôi là đồng bào tôi, chẳng lẽ đồng bào tôi không ủng hộ tôi hay sao?”

Bphone, chiếc điện thoại của người Việt Nam?

Gần 100 năm sau thời đại của Bạch Thái Bưởi, khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt” vẫn là một câu chuyện không hề cũ, và một ví dụ điển hình chính là thị trường smartphone ở Việt Nam.

Hãy thử nhìn những người thân, bạn bè và đồng nghiệp xung quanh các bạn, liệu có bao nhiêu người đang sử dụng những chiếc điện thoại mang thương hiệu Việt. Q-Smart, Mobiistar… và một vài cái tên khác nữa vẫn cứ chìm nghỉm giữa những Apple, Samsung, LG hay HTC… Điều gì đã dẫn đến thực trạng đó? Phải chăng tâm lý người Việt không thích hàng nội địa? Phải chăng họ không muốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển?

Và câu chuyện mới nhất là Bphone.

Ngay sau khi chiếc điện thoại của BKAV được chính thức ra mắt, nó đã lập tức tạo nên một làn sóng tranh luận rất sôi nổi trên các diễn đàn và trang mạng xã hội. Người ta sáng tạo cả những bức ảnh Chaien với cái đầu hói mang dáng dấp của ông Nguyễn Tử Quảng, chế cả lời bài hát để nói về chiếc điện thoại này.

Cấu hình, tính năng của nó cũng được mang ra mổ xẻ, phân tích, nhưng thường thấy nhất vẫn là những ý kiến cổ xúy người dùng mua Bphone để ủng hộ hàng Việt Nam. Theo những ý kiến này, thì dù Bphone có một vài khuyết điểm thì nó vẫn là sản phẩm của người Việt, chúng ta nên ủng hộ và cảm thấy tự hào về điều đó.

Nhưng có lẽ, những ý kiến như vậy chỉ là cảm tính, và chúng đánh vào tinh thần dân tộc nhiều hơn là một vấn đề quan trọng nhất: chất lượng sản phẩm.

Thời đại toàn cầu hóa hiện nay đặt ra những thách thức trên thị trường theo một cách hoàn toàn khác so với cách đây một thế kỷ. Những làn sóng đầu tư mạnh mẽ, những hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về những những thị trường tiềm năng giúp người tiêu dùng có thêm rất nhiều sự lựa chọn, đồng thời đem đến cho các doanh nghiệp một sức ép cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Trong bối cảnh đó, những nhà sản xuất không thể đơn thuần trông chờ vào lòng yêu nước của người tiêu dùng để tồn tại. Sharp, công ty sản xuất màn hình TV từng một thời được xem là một tượng đài của nước Nhật cũng đang dần lụi tàn ngay chính trên quê hương mình. Motorola, hãng sản xuất ra chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới cũng không được chính người dùng Mỹ ủng hộ và phải bán mình cho một công ty Trung Quốc.

Xét một cách thực tế, tâm lý của con người thường là thực dụng và vị kỷ. Những người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua bất kỳ một sản phẩm nào thì điều đầu tiên họ quan tâm luôn là những lợi ích mà sản phẩm ấy mang lại cho họ. Với một thị trường rộng mở với rất nhiều sản phẩm đa dạng, nếu người dùng chọn những hàng hóa nhập khẩu giá cao thay vì hàng nội địa có mức giá thấp hơn thì là vì những sản phẩm từ nước ngoài đáp ứng được nhu cầu của họ. Nhiều người thường quy kết hành vi ấy vào một thứ gọi là “tâm lý sính ngoại” của người Việt, nhưng điều đó là không hoàn toàn chính xác.

BKAV hay bất cứ nhà sản xuất Việt Nam nào khác cũng phải nỗ lực chinh phục người dùng trong nước bằng chính chất lượng và giá cả sản phẩm của mình, hơn là hô hào những khẩu hiệu đơn thuần đánh vào tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc.

Bphone và câu chuyện 100 năm 'Người Việt dùng hàng Việt'
Chất lượng của Bphone đang là một dấu hỏi

Bphone vẫn đang là một sự hoài nghi lớn. Những phát biểu của CEO Nguyễn Tử Quảng với những cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần “thật không thể tin nổi” hay “nhất thế giới” có thể tạo ra những hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, nhưng nó không thể khiến người ta tin tưởng vào chất lượng của chiếc điện thoại này. Những sai sót không đáng có trong buổi lễ ra mắt sản phẩm ở Hà Nội lại càng làm cho nhiều người đặt ra thêm những câu hỏi.

Chúng ta sẽ phải chờ đến khi sản phẩm chính thức lên kệ để có thể có những đánh giá khách quan và toàn diện hơn. Nếu BKAV thành công, đó sẽ là sự khích lệ lớn cho các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam, nhưng nếu Bphone là một sản phẩm thất bại, thì đó cũng không phải là lỗi của những người tiêu dùng.

Góc quảng cáo