Sau vụ tai nạn Lion Air tháng 10 năm ngoái và thảm họa của hãng hàng không Ethiopian Airlines hồi tháng 3, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi tại sao một nhà chế tạo tầm cỡ thế giới như Boeing lại mắc những lỗi phần mềm cơ bản, dẫn đến hai sự cố đáng tiếc, chết hàng trăm người.

Theo báo cáo của Bloomberg, nguyên nhân chính khiến tai nạn xảy ra là do Boeing đã sa thải những kỹ sư giàu kinh nghiệm và thuê nhiều nhân viên phần mềm thiếu năng lực chuyên môn với giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Cụ thể, nhà sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ và các nhà thầu phụ đã thuê nhân công tạm thời với giá 9 USD/giờ từ nhiều nước khác, chủ yếu là Ấn Độ, để phát triển và thử nghiệm phần mềm. Tất nhiên, những kỹ sư này chưa có đủ kiến thức chuyên sâu về hàng không vũ trụ.

Phần mềm cho dòng máy bay Max được phát triển giữa thời điểm Boeing sa thải một loạt kỹ sư lâu năm và ép những nhà cung cấp cắt giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Hai công ty phần mềm Ấn Độ được báo cáo có tham gia vào phát triển phần mềm cho Max là HCL Technologies và Cyient Ltd (trước đây là Infotech). Cụ thể, các kỹ sư HCL chịu trách nhiệm phát triển và thử nghiệm phần mềm hiển thị chuyến bay. Trong khi Cyient Ltd sẽ xử lý phần mềm cho thiết bị kiểm tra chuyến bay.

Mark Rabin, cựu kỹ sư phần mềm của Boeing, từng làm việc trong một nhóm thử nghiệm máy bay hỗ trợ phần mềm Max cho biết, các lập trình viên từ HCL sẽ thiết kế theo thông số kỹ thuật do Boeing thiết lập. Tuy nhiên, điều này đã gây nhiều tranh cãi vì không hiệu quả so với việc được chính các kỹ sư của Boeing viết mã. “Phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần vì mã không chính xác”, Rabin kể lại.

Trong vài năm gần đây, hãng này đã giành được một số đơn đặt hàng máy bay thương mại và quân sự Ấn Độ, ví dụ như hợp đồng cung cấp cho SpiceJet Ltd trị giá 22 tỷ USD vào tháng 1/2017. Đây là hợp đồng lớn nhất của công ty, gồm 100 máy bay 737 Max 8 từ một hãng hàng không Ấn Độ, chính thức vượt mặt Airbus ở thị trường đông dân thứ hai thế giới.

Máy bay phản lực điển hình có hàng triệu bộ phận và dòng mã. Tuy nhiên, từ lâu Boeing đã chuyển giao phần lớn công việc cho các nhà cung cấp kèm theo bản thiết kế chi tiết. Bắt đầu từ 787 Dreamliner ra mắt vào năm 2004, Boeing đã tiết kiệm chi phí bằng cách chuyển giao thông số kỹ thuật và yêu cầu nhà cung cấp tự thiết kế nhiều bộ phận hơn với suy nghĩ “họ là chuyên gia, và họ sẽ lo tất cả những thứ này cho chúng tôi”.

Boeing đổ lỗi thuê lập trình viên giá 9 USD/giờ viết phần mềm 737 Max

Ngoài ra, Boeing đã viện lý do xuất khẩu, chuyển bớt việc sản xuất ra nước ngoài nhằm giảm chi phí và tăng doanh thu. Để đổi lấy đơn hàng 11 tỷ USD năm 2015 từ Air India, Boeing hứa sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD cho các công ty Ấn Độ. Đó là nguyên nhân nhiều kỹ sư của HCL và những nhà phát triển phần mềm khác như Cyient được hợp tác với hãng máy bay có trụ sở Chicago (Mỹ) dù không có thành tích nổi bật nào trong ngành hàng không vũ trụ.

Rick Ludtke – cựu kỹ sư máy bay Boeing đã nghỉ việc vào năm 2017 – nói với Bloomberg: “Boeing đã làm tất cả mọi thứ bạn có thể tưởng tượng để tăng doanh thu, kể cả việc chuyển bớt công việc khỏi Puget Sound vì chi phí cao. Điều này cũng dễ hiểu nếu nhìn từ góc độ kinh doanh. Nhưng quyết định của Boeing đã làm mất dần tiềm năng thiết kế của Puget Sound”.

Một người quản lý của Boeing đã phát biểu trong cuộc họp rằng hãng không cần các kỹ sư cao cấp nữa, vì những sản phẩm của họ đã “trưởng thành”.

Mark Rabin kể lại: “Khi đó tôi đã bị sốc. Ở giữa một căn phòng có hàng trăm kỹ sư cấp cao, chúng tôi được thông báo rằng mình không còn cần thiết”.

Trả lời Bloomberg, Boeing cho biết Hệ thống Tăng cường Đặc tính Cơ động của Max không phụ thuộc vào những kỹ sư của HCL và Cyient – hệ thống này được cho là liên quan đến vụ tai nạn Lion Air tháng 10 năm ngoái và thảm họa của hãng hàng không Ethiopian Airlines hồi tháng ba. Khi xảy ra sự cố buồng lái không hoạt động trên hầu hết các mẫu Max được bán ra, Boeing lại khẳng định sự cố không liên quan đến cả hai hãng công nghệ này.

“Boeing có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với nhà cung cấp và đối tác trên toàn thế giới. Sứ mệnh của chúng tôi là luôn đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ của mình an toàn, chất lượng và tuân thủ mọi quy định hiện hành”, người phát ngôn của Boeing cho biết.

Boeing đổ lỗi thuê lập trình viên giá 9 USD/giờ viết phần mềm 737 Max

Trong một tuyên bố, HCL cho biết họ “có mối quan hệ kinh doanh lâu dài và bền chặt với Boeing” và tự hào về những đóng góp của mình cho khách hàng. Tuy nhiên, hãng không tiết lộ về công việc cụ thể và khẳng định không liên quan đến bất kỳ vấn đề nào đang diễn ra với 737 Max. Điều tra của Bloomberg cho thấy, các kỹ sư của HCL đã phát triển và thử nghiệm phần mềm hiển thị chuyến bay của Max, trong khi các nhân viên của Cyient xử lý phần mềm cho thiết bị kiểm tra chuyến bay.

Phần mềm Max đã được Boeing phát triển 8 năm trước để cạnh tranh với máy bay của Airbus SE. Tuy nhiên các kỹ sư phát triển phần mềm phải chịu nhiều áp lực từ những nhà quản lý của công ty, nhằm hạn chế thay đổi làm tốn chi phí hoặc mất thời gian.

Một nhân viên của HCL cho biết, khi bắt đầu thử nghiệm vào tháng 1/2016, Boeing yêu cầu cung cấp cách giải quyết vấn đề nhanh nhất để không trì hoãn chuyến bay giả lập 737 Max, bởi vì mỗi chuyến bay thử sẽ tốn một khoản kinh phí rất lớn.

Ngoài ra, Bloomberg phát hiện ra rằng nhà thầu phụ của Boeing, Rockwell Collins, công ty sản xuất thiết bị điện tử buồng lái, đã thuê nhân viên ngoài để thực hiện nhiều việc quan trọng tại Ấn Độ. Năm 2010, HCL đã tuyển dụng hơn 400 nhân viên tại những trung tâm thiết kế, phát triển cho Rockwell Collins ở Chennai và Bangalore (Ấn Độ). Cùng năm đó, Boeing đã mở “Trung tâm xuất sắc” (center of excellence), hợp tác với HCL tại Chennai để “tạo ra phần mềm quan trọng cho chuyến bay thử nghiệm”.

Boeing đổ lỗi thuê lập trình viên giá 9 USD/giờ viết phần mềm 737 Max

Liên quan đến hai vụ tai nạn, các nhà điều tra liên bang nghi ngờ rằng hệ thống Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) đã khiến máy bay rơi vào trạng thái không kiểm soát được, do dữ liệu xấu từ một cảm biến. Thiết kế này vi phạm nguyên tắc dự phòng cơ bản của nhiều thế hệ kỹ sư Boeing và công ty chưa bao giờ thử nghiệm xem phần mềm sẽ đáp ứng như thế nào.

Các nhà hoạch định chiến lược nói rằng nhiều nhóm thiết kế trên toàn cầu đã làm việc suốt ngày đêm để đảm bảo yêu cầu của Boeing. Tuy nhiên, việc thuê nhân công tạm thời đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Không chỉ ảnh hưởng đến công việc của những kỹ sư lâu năm ở Boeing mà còn dẫn đến nhiều tác hại khác.

Giá trị của tiền USD mạnh, hấp dẫn về mặt giá cả đối với những nhân công nước ngoài. Những kỹ sư ở Ấn Độ kiếm được 5 USD/giờ, hiện giờ khoảng 9 USD/giờ, so với 35 đến 40 USD/giờ cho một kỹ sư toàn thời gian ở Mỹ là một chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, chất lượng công việc của họ không cao, cần có sự giám sát và sửa chữa lỗi sai, gây mất thời gian và tốn thêm phí.

Max nằm trong top những máy bay bán chạy của Boeing ngay sau khi xuất xưởng năm 2011. Nhưng đối với những kỹ sư giỏi chuyên môn, đây là một sản phẩm bất thường. Peter Lemme, người từng thiết kế bộ điều khiển bay tự động của 767 cho biết: “Max là bản cập nhật thiết kế 50 năm tuổi, được thay đổi đủ để đưa vào sản xuất hàng loạt”.

Rockwell Collins, hiện là một đơn vị của United Technologies Corp, đã giành được hợp đồng màn hình buồng lái cho Max và phụ thuộc một phần vào những kỹ sư HCL ở Ấn Độ, Iowa và khu vực Seattle. Các kỹ sư hợp đồng từ Cyient thực hiện phần kiểm tra thiết bị bay thử nghiệm. Charles LoveJoy, cựu kỹ sư thiết kế thiết bị thử nghiệm bay tại công ty, cho biết các kỹ sư ở Mỹ sẽ xem xét các bản vẽ được thực hiện qua đêm ở Ấn Độ vào mỗi buổi sáng lúc 7 giờ 30. Tuy nhiên, những công việc đó sẽ được thực hiện tốt hơn ở Mỹ, tiết kiệm thời gian và ít phải sửa chữa lỗi sai.

Boeing đổ lỗi thuê lập trình viên giá 9 USD/giờ viết phần mềm 737 Max

Vụ tai nạn máy bay của Lion Air và hãng hàng không Etopian đã khiến 346 người chết. Các nhà điều tra nghi ngờ hệ thống MCAS đã đẩy các máy bay vào tình trạng không thể kiểm soát được vì dữ liệu xấu từ một cảm biến trong hệ thống.

Tuần trước một phi công của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thử nghiệm kích hoạt MCAS của Max. Mất một lúc lâu sau khi kích hoạt, phi công mới có thể kiểm soát máy bay. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chip máy tính phản ứng chậm khi dữ liệu đầy. MCAS là hệ thống cân bằng, có khả năng ngăn máy bay kéo mũi lên cao, tránh bị rơi tự do một cách mất kiểm soát. Tính năng này đang bị nghi ngờ là nguyên nhân khiến hai máy bay của Ethiopian Airlines và Lion Air bị rơi.

Thiết kế đó đã vi phạm các nguyên tắc dự phòng cơ bản cho các thế hệ kỹ sư Boeing. Tập đoàn này chưa bao giờ thử nghiệm để xem phần mềm sẽ đáp ứng như thế nào. Boeing từng tiết lộ rằng những phi công chưa từng được thực hành lái mô phỏng máy bay nên đã không thể xử lý được những phần mềm mới. Với các dòng máy bay mới, phi công phải được tập luyện trên các buồng lái giả định do hãng hàng không cung cấp để học cách sử dụng các tính năng, thực hành tình huống, hiểu rõ kỹ thuật và biết cách ứng phó với các kịch bản xấu.

Tuy nhiên những phi công có kinh nghiệm với Boeing 737 trước đó chỉ học về máy bay mới bằng iPad trong hai giờ, kèm một quyển sổ tay 13 trang nói về sự khác biệt giữa mẫu Max và các mẫu cũ. Tài liệu này hoàn toàn không đề cập tới Hệ thống MCAS – đang bị nghi ngờ là nguyên nhân khiến 2 máy bay của Ethiopian Airlines và Lion Air bị rơi.

Góc quảng cáo