Tại buổi giao ban truyền thông xã hội vào chiều ngày 7/7 tại TP.HCM, đại diện cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã thông báo một số kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Theo đó, tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã hợp tác chặt chẽ với Facebook, YouTube và Apple để ngăn chặn và gỡ bỏ các tài khoản giả mạo và tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Cụ thể, với Google, Bộ đã yêu cầu và YouTube cũng đã gỡ hơn 3.259 video có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước. Trong khi với Facebook đã hợp tác gỡ 106 tài khoản giả mạo theo yêu cầu của Bộ TT&TT (đạt tỉ lệ 100% yêu cầu), mạng xã hội này cũng đã gỡ 394 tài khoản rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 132 tài khoản tuyên truyền, bôi nhọ, chống phá.
Trong khi với Apple, bộ đã yêu cầu gỡ 10 game di động không được cấp phép tại Việt Nam ra khỏi kho Apple Store. Hãng công nghệ Mỹ này đã thực hiện gỡ 6 game, 4 game còn lại các nhà phát triển đã đề nghị trì hoãn trong 1 tháng để làm hồ sơ xin phép Bộ TT&TT. Sắp tới Bộ cũng sẽ chuẩn bị thêm 60 hồ sơ đề nghị Apple gỡ các ứng dụng không được cấp phép ra khỏi kho ứng dụng.
Nói về tình hình hoạt động các trang thông tin điện tử tổng hợp trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT đánh giá đã có tích cực, góp phần truyền tải thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước đến cộng đồng người dùng internet. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều cá nhân, tổ chức khởi nghiệp thành công.
Tuy nhiên ở các điểm hạn chế thì vẫn còn tồn tại. Nhiều doanh nghiệp chỉ dựa vào hệ thống quản lý tự động, phần vì chạy theo câu view để kiếm quảng cáo nên chưa bố trí nhân sự kiểm duyệt, từ đó xảy ra tình trạng tin tiêu cực dày đặc, tạo nên bức tranh xã hội u ám. Rất nhiều trang đăng tải thông tin bôi nhọ đời tư cá nhân, vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến.
Từ năm 2011 đến nay, Bộ TT&TT đã định kỳ tổ chức 06 cuộc họp giao ban với một số doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trực tuyến có lượng người Việt Nam truy cập đông. Qua các cuộc họp, mối liên hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý được tăng cường, giúp cho cơ chế cung cấp, định hướng thông tin kịp thời và hiệu quả hơn.
Thông qua các buổi giao ban, các doanh nghiệp đã có dịp trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thắc mắc trong quá trình hoạt động để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, điều chỉnh quy định pháp luật, góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, từng bước xây dựng hệ sinh thái nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với nhu cầu của người sử dụng Việt Nam.
Buổi giao ban cũng là dịp để các đại diện một số doanh nghiệp như VCCorp, GroupM, VNG, Yeah1 Network và NCT Corp nêu quan điểm. Các doanh nghiệp phát biểu nhìn chung đều mong muốn cơ quan quản lý cần đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Như cùng nội dung vi phạm nhưng Facebook, YouTube không có chế tài, trong khi doanh nghiệp trong nước lại bị xử phạt rất nặng.
Để phát huy lợi thế của truyền thông xã hội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các DN thực hiện các nội dung
1. Tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đặc biệt cần chú trọng cân đối tỉ lệ tin bài, bảo đảm những thông tin tích cực là chủ đạo, hạn chế thông itn tiêu cực, thông tin về mặt trái của xã hội.
– Khi tổng hợp thông tin từ nguồn báo chí, cần lựa chọn nguồn tin chính xác, chất lượng, cần hạn chế, thận trọng khi dẫn lại nguồn tin từ các báo, tạp chí điện tử thường xuyên bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở, xử phạt.
– Nghiêm túc chấp hành các quy định của Luật báo chí năm 2016, Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư 09/2014/TT-BTTTT về tổng hợp, dẫn nguồn và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp. Hoạt động đúng quy định tại giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp, thông tin trên trang chủ không mập mờ giữa trang thông tin điện tử tổng hợp và báo chí điện tử.
Các trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tuân thủ quy định của pháp luật về bản quyền, không đưa hoặc để người sử dụng lợi dụng phát tán những nội dung vi phạm bản quyền lên hạ tầng của doanh nghiệp.
2. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới về công nghệ, đầu tư xây dựng chiến lược rõ ràng, có mô hình kinh doanh hiệu quả để phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tương lai, góp phần xây dựng hệ sinh thái nội dung số của Việt Nam có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, chung tay làm lành mạnh môi trường Internet, môi trường xã hội.