Điều đáng ngại hơn cả là nhận định của blogger này lại nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ rất nhiều bình luận phía dưới.
Trong khi vụ việc một số kênh YouTube của Việt Nam tạo ra các video với nội dung nhạy cảm nhưng lại hướng đến người dùng trẻ em vẫn chưa lắng xuống, cộng đồng YouTuber Việt Nam lại dậy sóng khi một blogger nước ngoài, trang Williamstowntalk.com đã chỉ đích danh họ khi “ăn cắp” và “chơi bẩn” với các kênh nội dung của nước ngoài để kiếm tiền tỷ từ Google.
Dưới đây là những gì blogger này tố cáo các YouTuber Việt Nam.
“Cộng đồng YouTube gần đây đã chứng kiến hiện tượng gia tăng đột biến số lượng các kênh bị xóa, nhưng điều này không có gì mới.”
Câu chuyện dưới đây chúng tôi biết được từ chính nguồn tin của mình trên YouTube.
Trong nhiều năm qua, những nhà sáng tạo trên YouTube, những người đã làm nên các Vlog và tạo ra nội dung trên trang chia sẻ video này, đã cố gắng phát triển kênh của mình và kiếm được một ít tiền từ việc đó. Tuy nhiên, gần đây họ đang trở thành nạn nhân của việc gia tăng “Những tên trộm nội dung” (Content Thieves) từ Việt Nam.
“Cách thức rất đơn giản,” nguồn tin của chúng tôi cho biết. “Về cơ bản, những tên trộm từ Việt Nam tải xuống toàn bộ video của một kênh cụ thể nào đó trên YouTube. Sau đó, họ sử dụng một chương trình (hay công cụ) để report “Spam” hàng loạt với kênh đó tới YouTube. Khi kênh này bị xóa, sau đó họ bắt đầu tạo lại kênh đó với các video mà họ đã ăn cắp như không có chuyện gì xảy ra cả.”
Điều đáng sợ ở đây chính là doanh thu trên Google Adsense là nhờ các video ăn cắp này. Khi kênh gốc đã bị gỡ xuống, sau đó chúng có thể thoải mái tuyên bố rằng mình là người đã tạo ra nội dung này từ đầu. Những nhà tạo ra nội dung, những người bị mất kênh và doanh thu của mình, nếu như tiến hành kháng cáo về việc đóng tài khoản của họ, sẽ chỉ nhận được một thông điệp phản hồi tự động từ máy tính thông báo rằng, họ đã vi phạm chính sách Spam của YouTube.
Chúng tôi đã điều tra một chút về sự việc này và thật sự kinh ngạc với những gì mình khám phá ra. Riêng trên Facebook đã có hàng loạt group về YouTube do người Việt lập ra dành riêng cho việc bán các tài khoản adsense, các kênh YouTube, và thậm chí trong nhóm còn nhờ nhau giúp đỡ việc cắm cờ các kênh khác.
Người Việt Nam đang tạo ra hàng nghìn kênh YouTube mỗi ngày. Các YouTuber này khuyến khích nhau tiếp tục ăn cắp và làm các kênh này để lấy tiền của Google. Dưới đây là một kênh mà chúng tôi tìm thấy: facebook.com/groups/muabanyoutube/
Các công ty như vậy không phải là mới, ví dụ như iceo.vn. Họ đã tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm. Nhưng chỉ từ tháng Mười năm 2015, họ mới tạo ra “công cụ report hàng loạt”. Đầu tiên chỉ có một nhóm có công cụ này. Nhưng cuối cùng nó đã lan ra các nhóm khác, tạo nên một cơn bão hạ gục hàng loạt các kênh YouTube, khiến các nhà sáng tạo trên YouTube đau đầu không biết điều gì đang xảy ra.
“YouTube sẽ không bao giờ thừa nhận vấn đề này, vì nếu họ làm vậy họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ doanh thu bị mất từ các nhà sáng tạo. Cho dù vậy, chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp nào đó.” Nguồn tin nói với chúng tôi.
Đối với các nhà sáng tạo Nội dung trên toàn thế giới, rõ ràng giải pháp từ YouTube sẽ không thể đến sớm. Còn giải pháp của chúng tôi thì rất đơn giản. Google, hãy tắt chương trình Adsense cho đến khi các ông có thể sửa chữa vấn đề này.”
Có thể có người cho rằng những gì blogger tố cáo chỉ là phiến diện và không phản ánh chính xác những gì đang diễn ra với cộng đồng YouTuber Việt Nam, và việc blogger này kêu gọi đóng cửa chương trình Adsense ở Việt Nam là hoàn toàn vô lý. Nhưng nếu các bình luận của người nước ngoài phía dưới lại rất đồng tình với đề xuất này. (Blog này hiện đang tạm đóng do hết bandwith).
Cách đây không lâu, nhiều điều tương tự đã xảy ra khi các trang thương mại điện tử quốc tế như eBay hay Amazon từng từ chối nhận thanh toán trực tiếp hoặc ship hàng về Việt Nam do lo ngại nạn dùng thẻ tín dụng giả. Sau này điều đó kéo theo hậu quả là những người muốn mua hàng chất lượng cao từ nước ngoài sẽ phải chịu chi phí cao hơn khi phải nhờ đến các công ty làm dịch vụ, hoặc phải đi đường vòng.
Nếu nạn ăn cắp nội dung trên YouTube đi quá xa, có thể Google sẽ xem xét đến biện pháp tương tự như những gì blogger kia đề xuất, và lúc đó người bị thiệt hại lại không phải người dùng tại Việt Nam, mà lại là những nhà làm nội dung chân chính.
Theo GenK