Vào một ngày nọ, một con cá voi xanh tình cờ bơi lạc vào sông Thames ở nước Anh, ngay lập tức một đoạn phim về “cá voi trên sông Thames” được đưa lên trên mạng và nhanh chóng tạo được sự chú ý đặc biệt.
Jon Silk, một người đang làm việc cho một tổ chức nghiên cứu về cá voi tiếp tục lập nên một weblog có tên là LEWIS Whale Watch. Trên trang web này, anh liên tục đưa lên các đoạn phim, hình ảnh về số phận của chú cá voi Gonzo, mọi người đặt tên nó như vậy.
Trang web lập tức đón nhận sự quan tâm của cộng đồng online khi trong vòng 7 giờ đầu tiên đã có 22.000 lượt người xem, 8.000 bài thảo luận (comment) và e-mail bày tỏ sự quan ngại, hồi hộp theo dõi số phận của Gonzo. Câu chuyện về chú cá voi đi lạc còn được các kênh truyền hình như Sky News, BBC Online, The Guardian đua nhau tường thuật và nhờ cộng đồng blog, chú cá voi Gonzo còn được biết đến ở Mỹ, Đức và cả Thụy Điển nữa.
Jo Twist là một phóng viên của BBC Online, cô đã là một trong những blogger đầu tiên từ cách đây mười năm. Là một trong những hình mẫu của “thế hệ phóng viên thời tương lai”, Jo thường xuyên theo dõi các trang blog để cập nhật những tin tức mới nhất từ cộng đồng online. Cô cho biết việc đó giúp ích rất nhiều trong công việc của mình khi nó giúp cô nắm bắt được các xu hướng văn hóa, chính trị, những điều quan tâm của giới trẻ hiện nay.
Ngày nay, với số lượng khổng lồ (khoảng 80 triệu trang), blog đang là một trong những phương tiện có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Người ta có thể dễ dàng tìm kiếm mọi thông tin, xu hướng của giới trẻ nhờ blog. Chính vì vậy, blog hiện nay không đơn thuần chỉ là những trang nhật ký cá nhân mà đang dần trở thành một loại hình báo chí trực tuyến. Technorati.com là một website cung cấp dịch vụ blog lớn của Mỹ, đang có khoảng 14,2 triệu trang blog và con số này sẽ gấp đôi sau mỗi nửa năm.
Dave Saftry, CEO của Technorati cho biết một điều thú vị là số lượng các bài được post lên trang web của anh thường lớn nhất vào khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến giữa trưa, ngoài ra, vào dịp cuối tuần số lượng bài post lại thấp hơn so với lượng bài post trong tuần 5-10%. Điều này cho thấy được sự liên quan của việc viết blog với công việc kinh doanh của người dân Mỹ hiện nay: ngày càng có nhiều người Mỹ coi việc viết blog không đơn thuần chỉ là việc giải trí mà là cơ hội để họ “tiếp thị” bản thân và tìm kiếm cơ hội trên Internet.
Throw The Fight là một ví dụ cho việc thành công nhờ blog. Nhóm nhạc này đến từ Mineapolis (Mỹ) đã xây dựng một trang web riêng trên Myspace.com và Purevolume.com; qua đó họ giới thiệu các bài hát mới của mình. Throw The Fight đã thu hút được một số lượng lớn fan hâm mộ trong cộng đồng ảo khi có khoảng 100.000 lượt người đã nghe các bài hát của họ trên Myspace và 53.000 tại Purevolume. Họ trở thành nhóm nhạc chưa được ký hợp đồng nhưng đã nổi tiếng nhất trên hai trang này.
Sau đó, một nhà quản lý ở New York đã liên hệ với Throw The Fight với lời đề nghị hợp tác. Không lâu sau, họ ký hợp đồng ghi âm đầu tiên với hãng Cordless Recordings. “Nếu không có những website cá nhân, chúng tôi có thể sẽ cần thời gian nhiều hơn để trở nên nổi tiếng và được ký hợp đồng”, Baustert, một thành viên trong nhóm phát biểu.
Như vậy, từ mục đích ban đầu là những nhật ký cá nhân trực tuyến, blog đang dần dần bành trướng tầm ảnh hưởng của mình sang các hướng khác như là một phương tiện quảng cáo, giap tiếp cũng như là một loại hình báo chí… Nhiều người còn cho rằng blog chính là tương lai ủa Internet, nhất là khi trong tương lai, các loại hình WiFi siêu băng thông và WiMAX ngày càng phát triển dẫn đến việc người ta có thể viết blog một cách dễ dàng ở bất cứ nơi đâu
TẠ QUỐC THOẠI (Gò Vấp, TP.HCM)
eCHIP 103 (17.8.2007)