Theo báo cáo trên tạp chí y tế The Lancet, trẻ em và người có thu nhập thấp sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.
Hơn 100 chuyên gia khoa học trên toàn cầu đã vẽ ra một viễn cảnh đáng sợ về các tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe của con người. Nếu không hạn chế khí thải nhà kính, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thay đổi cực đoan đe dọa an ninh lương thực, làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, giảm giờ làm và càng ngày các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng, hạn hán sẽ càng xảy ra nhiều hơn. Khí hậu và thời tiết biến đổi sẽ tạo cơ hội cho mầm bệnh phát triển.
120 nhà khí hậu học, chuyên gia y tế và các lĩnh vực khác vừa phát hành báo cáo trên tạp chí y tế The Lancet sáng hôm qua (14/11). Trong đó nêu chi tiết về những rủi ro sức khỏe do Trái Đất nóng lên nhanh chóng. Tài liệu dài 43 trang, dựa trên báo cáo thường niên do Lancet Countdown cung cấp năm 2017 và 2018, đã cho thấy một cái nhìn rõ nét về những tác động tiêu cực đến sức khỏe khi nhiệt độ toàn cầu tăng cao.
Báo cáo phần nào cho thấy tương lai đen tối mà con người phải đối mặt nếu không bắt đầu thực hiện những thay đổi tích cực lên môi trường. Trẻ em và những người có thu nhập thấp sẽ nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
Trẻ em rất dễ bị tổn thương trước những mối nguy về sức khỏe khi khí hậu thay đổi. Cơ thể và hệ thống miễn dịch của các bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển, khiến chúng dễ bị bệnh và nhiễm các chất độc hại trong môi trường hơn.
Giả sử hôm nay có một em bé ra đời. Sau 71 năm nữa, đứa trẻ này sẽ phải sống trong một thế giới nóng hơn 4ºC so với giai đoạn tiền công nghiệp (những năm 1850). Theo báo cáo, sự gia tăng nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ suốt đời, theo nhiều cách khác nhau. Kiểm tra ảnh hưởng sức khỏe của biến đổi khí hậu năm 2018, các nhà nghiên cứu nhận thấy:
- Nhiều đợt nóng bất thường. Năm 2018 có 220 triệu đợt nóng xảy ra trên toàn cầu. Cho đến nay, đây là mức cao nhất từng ghi nhận.
- Nhiệt độ tăng làm giảm năng suất lao động. Năm 2018 có điều kiện tốt hơn 2017 nhưng nhiệt độ tăng đã làm mất 133,6 tỷ giờ làm việc tiềm năng.
- Ảnh hưởng bởi hạn hán, bão, lũ lụt tăng. Từ năm 2015 đến 2018 có nhiều người phải hứng chịu các vụ cháy rừng hơn so với những năm 2001-2004. Bên cạnh đó, những vụ lũ lụt và bão xảy ra ở châu Phi cũng thường xuyên hơn.
- Nhiều bệnh truyền nhiễm. 2018 là một năm “bội thu” của các bệnh truyền nhiễm như tả, sốt rét và sốt xuất huyết.
- Giảm năng suất nông nghiệp. Nhiệt độ tăng làm giảm tiềm năng năng suất cây trồng toàn cầu với các loại cây ngũ cốc chính như ngô, lúa mì, lúa và đậu tương.
- Đời sống sinh vật biển bị đe dọa. Nhiệt độ tăng và nước biển dâng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của sinh vật biển và tác động tiêu cực đến an ninh lương thực.
- Ô nhiễm không khí đang trở nên ngày càng tồi tệ. Lượng khí thải carbon dioxide tiếp tục tăng. Có đến 7 triệu ca tử vong do các chất ô nhiễm không khí trong năm 2016.
Nếu chúng ta tiếp tục giữ nguyên tình trạng như hiện tại, trẻ em sinh ra sẽ phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt về mặt sức khỏe. Các nhà khoa học nhận thấy những mối nguy này và kêu gọi các cơ quan chính phủ hành động. Tuần trước, hơn 11.000 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã đồng loạt đưa ra cảnh báo tình trạng “khí hậu khẩn cấp”.
Báo cáo vừa phát hành đã cho thấy tương lai “tăm tối” của Trái Đất. Hoạt động sử dụng than tăng đáng kể trong năm 2018, tỷ lệ sản xuất năng lượng giảm. Sản xuất năng lượng bằng năng lượng tái tạo tăng, ví dụ như hoat động sử dụng xe điện. Nhiều người đã bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Tuy nhiên, các tác giả cho biết “tiến độ hiện tại không đủ” để môi trường phục hồi và thế giới vẫn đang phải vật lộn để đối phó với ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Richard Horton – Tổng giám đốc của Lancet – cho biết biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe nhân loại. Tuy nhiên, quy mô chính sách mà các nước đưa ra không đủ lớn để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực mà thế hệ sau phải gánh chịu.
Theo Cnet