Phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 chủng mới bị nhiễm trong đợt này cho thấy có 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Điều này vừa cản trở quá trình sàng lọc bệnh nhân do bỏ qua các mấu chốt dịch tể, vừa gây khó khăn cho quá trình kiểm soát dịch bệnh.

Quan sát thực tiễn từ ca bệnh mới nhất tại Gia Lai, bệnh nhân đến bệnh viện khám, đi qua nhiều khoa nhưng không có triệu chứng hay dấu hiệu gì có liên quan đến COVID-19. Bệnh nhân chỉ có vấn đề về tiêu hóa, khi khám chuyên sâu thì bác sĩ mới yêu cầu bệnh nhân trở lại phòng khám cách ly.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân của đợt dịch mới này chỉ có 1 người bị nặng, 3 bệnh nhân phải thở oxy, 20 người có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng. Vì vậy, ông Khuê đề nghị tất cả bệnh viện khai thác kỹ tiền sử dịch tễ của toàn bộ người đến khám, tránh bỏ sót ca bệnh.

80% bệnh nhân COVID-19 chủng mới không có triệu chứng rõ ràng

“Nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì sẽ dễ bỏ sót ca bệnh, bệnh nhân sẽ vào giữa bệnh viện”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cảnh báo, đồng thời nhắc nhở các bệnh viện, phòng khám, khu điều trị cần lưu ý trong điều trị phải luôn chú ý mở cửa thông thoáng và đặc biệt lưu ý vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn.

Chủng COVID-19 mới lây qua không khí nên khả năng lây nhiễm cao hơn. Nếu số lượng F1 vài trăm ca có thể truy vết được nhưng nếu lên tới 1.000 ca không thể truy vết được, mà có thể bỏ qua các mấu chốt về dịch tễ.

Tính trên các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 3 ca; Số ca âm tính lần 2 là 7 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca. Trong đó, Bệnh nhân 1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng là ca nặng nhất do tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam tính đến nay là 35 ca, tất cả đều là bệnh nhân có nhiều bệnh nền nặng. Từ ngày 27/1 đến nay, cả nước có 276 ca nhiễm COVID-19 ở 10 tỉnh thành. Trong đó có 207 ca ở Hải Dương, Quảng Ninh 33 ca, Hà Nội 20 ca, Gia Lai 6 ca, Bắc Ninh 3 ca, Hòa Bình 2 ca, Bình Dương 2 ca, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi 1 ca.

Bộ Y tế đã tăng cường hơn 1.200 cán bộ y tế đến Hải Dương, nay tình hình dịch ở địa phương này đang từng bước được kiểm soát. Hai địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh hiện tại là Quảng Ninh và Hà Nội. Tình hình dịch ở Hà Nội vẫn còn khá phức tạp, có khả năng tiếp tục kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu.

Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các tỉnh rà soát lại những điểm có nguy cơ bùng dịch, mở rộng xét nghiệm tại các các khoa phòng bệnh viện như khu vực phòng khám, khoa hô hấp, cấp cứu, tai mũi họng…

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tập trung đông người, cài ứng dụng để phục vụ truy vết và đặc biệt chú ý đeo khẩu trang để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Góc quảng cáo